Con người Huế trong dòng chảy văn hóa
Văn hóa - Thể thao 14/02/2023 16:04
Giàu lòng yêu nước và tinh thần cách mạng
Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Huế đi vào lịch sử khi trở thành 1 trong 3 trọng điểm của cả nước. Huế cũng là nơi quân ta đã bao vây quân Pháp đến 50 ngày đêm trong những ngày Toàn quốc kháng chiến. Tiếp đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đồng loạt tiến công, nổi dậy làm chủ TP Huế 26 ngày đêm trong mùa Xuân 1968. Chiến công xuất sắc đó đã được Bộ Chỉ huy các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương 8 chữ vàng: “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Ngoài ra, chiến công của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương dịp Tết Mậu Thân 1968 được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen.
Ngay trong tháng 9/1969, sau khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam qua đời, 5 tộc người dân tộc thiểu số, bao gồm Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Bru - Vân Kiều ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế đã đổi sang họ Bác Hồ.
Huế còn là mũi nhọn tiên phong trong việc làm thất bại kế hoạch “Phòng ngự co cụm chiến lược” ở các tỉnh duyên hải miền Trung của ngụy quyền, vì đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, góp phần quyết định vào thắng lợi Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tạo đà thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân 1975.
Giàu lòng hiếu học
Dưới triều Nguyễn, Kinh đô Huế là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước có người thi đỗ đại khoa. Đây cũng là một trong mười địa phương có người thi đỗ cử nhân cao nhất cả nước. Đặc biệt, Quốc Tử Giám ở Huế với gần 150 năm tồn tại đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo những nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này. Có thể kể đến nhân vật nổi bật là Đặng Huy Trứ (quê quán ở Huế), nhà cải cách Việt Nam thời cận đại, ông tổ nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam và là người đầu tiên đưa kĩ nghệ đóng tàu phương Tây du nhập vào Việt Nam, cũng đã học tại Quốc Tử Giám ở Huế.
Ngôi trường Quốc Học Huế được thành lập từ năm 1896 từng là nơi học tập của nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng - Nhà nước, nhiều nhà khoa học, văn hóa, giáo dục lỗi lạc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Trần Phú, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu…
Bên cạnh đó, Đại học Huế hiện nay đang là cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thừa Thiên Huế, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Trong tương lai, Đại học Huế sẽ trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong top 300 trường đại học hàng đầu châu Á.
Phụ nữ giỏi việc nhà
Vào năm 1917, trường Đồng Khánh (nay là trường THPT Hai Bà Trưng), ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung Kỳ được xây dựng tại Huế. Những tiểu thư khuê các từ các vùng Đập Đá, Nam Giao, Bến Ngự, Đông Ba, Vĩ Dạ, Kim Long… bước ra khỏi chốn “màn che trướng rủ” và trở thành những nữ sinh duyên dáng.
Trong chương trình học của trường nữ sinh Đồng Khánh có môn nữ công gia chánh do những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy. Nữ công gia chánh là công việc của người phụ nữ trong gia đình. Công việc trong gia đình chủ yếu là: Thêu thùa, may vá, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, cách nuôi con, cách quản lí gia đình... Ngoài ra, nữ công gia chánh còn là nét văn hóa ứng xử, tác phong của phụ nữ Huế. Đó là “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học ăn là học những phép lịch sự trong ăn uống. Học nói là học nói những điều hay, lẽ phải. Học gói là học cách tiết kiệm, giữ gìn, không lãng phí. Học mở là học tính rộng lượng, bao dung, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Luôn hài hòa với thiên nhiên
Huế đã đạt được các danh hiệu cao quý như “Thành phố Văn hóa của ASEAN” (2014 - 2015), “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” (2014), “Thành phố Xanh quốc gia” (2016), “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” (2018-2020, 2020-2022).
Huế được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) vinh danh là “Thành phố xanh quốc gia” vào năm 2016, với hệ thống cây xanh đô thị phát triển. Huế là thành phố đầu tiên tại Việt Nam tham gia chương trình này và đã vượt qua các tiêu chí khắt khe. Hiện nay, TP Huế hiện đang vượt tiêu chuẩn yêu cầu cây xanh đối với đô thị loại 1 và được đánh giá là đô thị có tỉ lệ cây xanh lớn nhất của cả nước. Theo thống kê, TP Huế hiện có khoảng 65.000 cây xanh đô thị. Do đó, với 12,9m2/người (công viên, đường phố, thảm cỏ), chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan, TP Huế xứng đáng với danh hiệu là “thành phố Xanh quốc gia”.
Trước đó, TP Huế đã vinh dự được bình chọn là “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” tại Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về thành phố bền vững môi trường lần thứ 12 (Hội nghị AWGESC 12) diễn ra tại Thái Lan vào năm 2014. Để có được danh hiệu này, TP Huế phải đáp ứng được các tiêu chí của ASEAN về không khí sạch, đất sạch, nước sạch.
TP Huế cũng đã được trao danh hiệu “Thành phố Văn hóa của ASEAN” nhiệm kì 2014 - 2015, và là thành phố đầu tiên của Việt Nam đảm đương danh hiệu này. Theo tiêu chí, thành phố được tặng danh hiệu này phải có lịch sử và văn hóa phong phú, phát triển cả về nghệ thuật và đô thị. Với bề dày lịch sử và văn hóa, truyền thống, Huế hội tụ được các yếu tố để tạo nên một “thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện”.
Để được công nhận “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” theo tiêu chí của Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF), các thành phố phải bảo đảm 7 tiêu chí là: Quản lí môi trường chung; đường phố sạch sẽ, vệ sinh; quản lí xử lí tốt chất thải, nước thải; chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh đường phố; nhiều không gian xanh; có các điều kiện tốt bảo đảm an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp và đạt chuẩn… Dù tiêu chí khắt khe như vậy, TP Huế vẫn đạt được danh hiệu cao quý này liên tiếp trong giai đoạn 2018-2020, 2020-2022