Chuyến đi từ thiện nhiều ý nghĩa
Đời sống 17/01/2025 15:21
Tiếp đón đoàn có các đồng chí Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND Xã Biên Giới; Trịnh Tấn Trình, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã; Đỗ Trọng Nghĩa, Chỉ huy trưởng quân sự xã, Phạm Văn Hưởng, Chốt trưởng Chốt Dân quân Thường trực ấp Tân Định, xã Biên Giới.
Biên Giới là một xã vùng sâu của huyện Châu Thành, được thành lập từ sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), cách trung tâm huyện 21km. Xã có 4 ấp là Bến Cầu, Tân Long, Tân Định và Rạch Tre; với 37 tổ dân cư tự quản. Diện tích tự nhiên 3.644,82 ha. Dân số xã (theo thống kê năm 2023) là 4.260 người, với 1.156 hộ, gồm 2 dân tộc anh em Kinh và Khmer cùng sinh sống; mật độ dân số 113 người/km². Xã được chọn là một trong những xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới của tỉnh Tây Ninh từ năm 2021 và năm 2022 - 2023 đã được UBND tỉnh thẩm định đạt “Xã nông thôn mới”.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Ban quân sự xã Biên Giới |
Từ Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở đến cô giáo dạy tiếng Anh
Cùng ngày, đoàn cán bộ Hội Khuyến học và cựu giáo chức quận Gò Vấp đã đến thăm và tặng 60 phần quà Tết (trị giá 500.000 đồng/phần), 300 tập vở, 100 cặp sách, 100 dụng cụ học tập, 100 đồ chơi các loại… dành cho các học sinh vượt khó của “Lớp học tình thương” tại khu phố 4, phường 3, TP Tây Ninh. Lớp học được cô giáo Trần Thị Nhung, 67 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện sống với con gái nuôi, thành lập từ năm 1997. Lớp dạy miễn phí cho con em các gia đình công nhân nghèo, trẻ em mồ côi, được tổ chức vào mỗi buổi chiều từ thứ hai đến thứ bảy; riêng chủ nhật và những tháng Hè tổ chức phụ đạo cả ngày.
Từ những ngày đầu kèm cặp 5 – 6 em học sinh, được sự động viên, hỗ trợ của Hội Khuyến học các cấp cũng như các Mạnh Thường Quân, đến nay quy mô lớp học ngày càng tăng lên với hơn 300 học sinh học cả 3 cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông với tất cả các môn học. Ngoài cô Nhung phụ trách chính, lớp học còn có sự hỗ trợ của lực lượng tình nguyện viên là các em học sinh các trường Trung học phổ thông trên địa bàn và những sinh viên đang học trong các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Ban đầu, lớp học hoạt động dưới mái hiên nhà với bàn ghế nhựa; 10 năm sau, học sinh tăng lên 70 – 80 em, hiên nhà không còn đủ chỗ che mưa nắng cho các em nên cô Nhung đã đầu tư xây dựng một lớp học trong sân nhà để các em có nơi học tập đàng hoàng hơn.
Bà Đỗ Thị Hoa (bên phải) tặng hoa cô giáo Trần Thị Nhung |
Một phụ huynh đã gần 70 tuổi, ở phường Ninh Sơn cho biết, do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân ông đi làm thợ hồ thuê, vợ ông kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo, biết có lớp học tình thương của cô Nhung nên đã xin cho đứa con trai đến học. Nhờ học tiếng Anh ở đây từ lớp 7 đến lớp 12, con trai của ông đã thi đậu vào đại học chuyên ngành tiếng Anh. Ông tiếp tục đưa con gái út học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Tri Phương (phường Ninh Sơn) đến lớp học tình thương của cô Nhung, để được bồi đắp thêm kiến thức ngoại ngữ. “Tôi rất biết ơn cô giáo. Nếu không có lớp học tình thương này, hai đứa con của vợ chồng tôi không biết làm sao để học thêm tiếng Anh”, phụ huynh trên bày tỏ.
Đoàn Hội Khuyến học và cựu giáo chức quận Gò Vấp chụp ảnh lưu niệm với cô giáo Nhung và các học trò |
Với sự đóng góp của mình, năm 2010, cô giáo Trần Thị Nhung người lái đò thầm lặng này được Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng Bằng khen và được Hội Khuyến học TP Tây Ninh nhiều lần khen thưởng.
Giữa cuộc sống hối hả của đời thường, những người có tấm lòng thiện nguyện nêu trên rất đáng trân quý. Việc làm của những thầy cô giáo chuyên và không chuyên này như những đoá hoa lặng lẽ toả hương thơm giữa đời thường.
Những hoạt động quý báu và ý nghĩa trên đây của Hội Khuyến học và cựu giáo chức quận Gò Vấp, góp phần động viên, chia sẻ với cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi biên cương của đất nước, vì an ninh chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vì bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, nhất là khi Tết đến Xuân về...