Chuyện buồn trên sườn núi Đắk Nên (Tiếp theo)
Xã hội 02/11/2022 09:18
Kì 2: Dùng dằng đi - ở
Mong có một con đường
Nhiều người già trong thôn cả cuộc đời gắn bó với ngôi làng nằm giữa đại ngàn hun hút gió này, bao nghìn lần mặt trời lặn mọc, họ đã chứng kiến hết cuộc sống khó khăncủa người dân. Nhiều người, cả cuộc đời chỉ mong mỏi có con đường để bà con trong này thoát được cái khó, cái nghèo, con cháu trong này được ra bên ngoài học hỏi kinh nghiệm, kiến thức để về xây dựng quê hương.
Trong hơi gió thoảng đêm vùng cao, tôi nghe thấy tiếng thở dài trăn trở của già làng: “Để người Ca Dong nơi đây bớt khổ, thì mong có một con đường dẫn lên tới đây. Khi nào người Ca Dong nơi này được nghe tiếng còi ô tô, có lẽ lúc ấy mới khá hơn được! Không có đường thì ở đây vẫn khổ cực như rứa. Không thay đổi chi mô! Chỉ khi có đường thì cái chi cũng có, thôn sẽ phát triển thôi!”. Già làng thở than như héo hắt cả không gian đậm đặc buồn của đại ngàn thăm thẳm. Nhiều người cũng gật gù đồng tình, rằng “Không có đường nên không làm chi được!”.
Buổi làm việc giữa chính quyền hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam nhằm tìm hướng giải quyết vướng mắc ngày 18/8 vừa qua nhưng vẫn chưa ngã ngũ. (ảnh Lê Kiến) |
Người làng và những người khách lạ ngồi xung quanh bếp lửa, nghe đêm mệt mỏi trở mình mà chao chát. Trẻ con nơi này sinh ra 4 tuổi đã biết cầm dao theo cha vào rừng lấy củi, lội suối mò ốc, bắt cá. Họ mong được đổi thay, được các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn nữa về nhu cầu điện, đường, trường, trạm để bảo đảm cuộc sống. Nhưng, sự chồng lấn về địa giới hành chính khiến niềm mơ ước này gặp nhiều trở ngại.
Theo thống kê, tổng diện tích khu vực chồng lấn này là gần 6.200ha đất tự nhiên, với chiều dài trên 10km. Một bên quản lí người dân và một bên quản lí đất đai, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực này còn vướng mắc và bỏ ngỏ nhiều vấn đề kinh tế dân sinh khiến người dân phải chịu thiệt thòi. Chính quyền huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn có những ưu đãi cho người dân nơi này, nhưng chừng đó là chưa đủ để người dân thoát nghèo. Cả ngàn người dân thôn 3 mong ngóng nhiều năm, hi vọng ở các cấp chính quyền sở tại và cả các cấp cao hơn. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa thể ngã ngũ bởi vướng mắc rất nhiều vấn đề về sinh kế, địa giới, văn hóa phong tục và cả về giấy tờ nữa.
Hai tỉnh cần một tiếng nói chung
Từ năm 2008 đến nay, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng chưa thể thống nhất phương án giải quyết. Vấn đề này cũng được báo cáo Bộ Nội vụ nhiều lần.
Ngày 18/8/2022, UBND tỉnh Kon Tum vừa tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Nam về vướng mắc trong phân chia địa giới hành chính giữa hai tỉnh tại xã Đắk Nên, huyện Kon Plông kéo dài nhiều năm nay. Song 2 tỉnhvẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng.
Con đường vào với người Ca Dong ở thôn 3 khó khăn và đầy nguy hiểm. |
Phía Quảng Nam muốn giữ người dân tỉnh mình, bởi họ có hộ khẩu của tỉnh, nhưng cũng muốn “nhận” luôn khoảng 3.000ha đất nơi người dân sinh sống thuộc xã Đắk Nên của Kon Tum về xã Trà Vinh của Quảng Nam. Phía Kon Tum thì không đồng tình, bởi theo Chỉ thị 364, địa giới hành chính đã được xác định năm 1991 rồi nên không thể chuyển. Mặt khác, khu đất này vẫn có dân của xã Đắk Nên đang canh tác và cũng là khu đất rất bằng phẳng, màu mỡ của xã. Thêm nữa, chính quyền địa phương lo lắng nếu giao dân và đất cho Quảng Nam thì xã Đắk Nên không đủ kiều kiện để giữ đơn vị hành chính là xã mà phải sáp nhập vào địa phương khác. Tỉnh Kon Tum nêu giải pháp, nếu người dân thôn 3, xã Trà Vinh đồng ý về xã Đắk Nên (Kon Tum) thì tỉnh sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.
Bộ Nội vụ thời gian qua đã có 4 văn bản hướng dẫn UBND hai tỉnh phối hợp giải quyết, nhưng tỉnh Quảng Nam muốn “giữ dân” và nhận hơn 3.000 ha đất; còn tỉnh Kon Tum lại muốn giữ đất và sẵn sàng đón nhận người dân. Sự việc vẫn chưa có hồi kết khiến hơn 1.000 nhân khẩu tại thôn 3 vẫn sống khốn khổ, thiếu đầu tư hạ tầng và các chính sách của Nhà nước.
Chuyện “người tỉnh này ở trên đất tỉnh kia” khiến ngôi làng nhỏ bé heo hút và tách biệt này đã nghèo lại càng thêm khó và gần như không còn lối thoát. Từ ngày bà con định cư tại đây, cán bộ địa phương đã tích cực vận động tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước, khám chữa bệnh cho dân… nhưng có lẽ để giúp dân làng ổn định cuộc sống, cần phải có một cơ chế nhất quán về quản lí và đầu tư mới mong có hiệu quả.
Ông Trần Thanh Minh - Chủ tịch UBND xã Đăk Nên (Kon Tum) ái ngại cho biết: “Trong số các thôn của xã Đăk Nên, khó khăn nhất vẫn là thôn 3 này. Xã cũng đã kiến nghị với Nhà nước giúp đỡ thôn về đường xá, điện thắp sáng nhưng lại vướng nhiều vấn đề về chồng lấn địa giới, hộ khẩu, nhân khẩu nên đành phải chờ mà chưa biết tới khi nào!”.
Chúng tôi rời thôn 3 trong buổi sáng lạnh mù sương, chặng đường về cũng đầy chông gai như lúc đến bởi không có đường lớn. Con đường lớm chởm bùn và đá, với vách núi dựng đứng và nhiều chỗ sình lầy, sạt lở phải xuống xe đi bộ mới qua được.
Chắc rằng đến một ngày nào đó gần đây thôi, cuộc sống thôn 3 sẽ đổi khác, chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện hơn để người làng được hòa nhập với sự thay đổi của cuộc sống mới. Mong sao2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum sớm tìm được tiếng nói chung để những khó khăn của ngôi làng “ốc đảo” giữa đại ngàn này sẽ không còn nữa
Chuyện buồn trên sườn núi Đắk Nên NMO - Hơn 1.000 người dân muốn được an cư lạc nghiệp nhưng bởi cư ngụ ở vùng “không giống ai” nên đến bây giờ ... |