Chủ tịch nước công bố 7 luật vừa được Quốc hội thông qua
Tin tức - Sự kiện 05/07/2019 10:40
7 Luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Quản lí thuế; Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục năm 2019; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Báo cáo một số nội dung chính của Luật Đầu tư công, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, điểm mới của Luật là thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, quy định 2 loại vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Sự thay đổi này nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước và mang ý nghĩa rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không phân biệt các loại nguồn vốn của ngân sách Nhà nước như trước đây (ví dụ như ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư...). Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ: Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều) và có nhiều điểm mới. Luật quy định Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học; quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của giáo dục phổ thông; thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông; ban hành chương trình giáo dục phổ thông sau khi hội đồng quốc gia thẩm định...
Luật quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Quy định chính sách miễn học phí đối với học sinh diện phổ cập, trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở.
Về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Luật ban hành nhằm hoàn thiện thể chế về phòng, chống tác hại của rượu, bia; góp phần hạn chế tác hại của rượu, bia đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Đối với biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải trong việc thực hiện biện pháp ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham giao thông.
Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật Thương mại. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019.