Chiến khu Đồng Bò, Phước Đồng một thời để nhớ
Văn hóa - Thể thao 03/05/2019 10:11
Đến những năm chống Mỹ, sau Hội nghị Tỉnh ủy tháng 9/1965, cơ quan Thị ủy Nha Trang được chuyển từ Diên Khánh về lại căn cứ Đồng Bò. Những ngày đầu địch o ép, càn quét, khủng bố liên miên… cán bộ, bộ đội ta cơm không có ăn, nước không có uống, ốm đau không có thuốc chữa trị. Trên các tuyến đường xung yếu từ Nha Trang vào Đồng Bò địch phong tỏa chia cắt triệt nguồn tiếp tế, buộc ta phải dựa vào các cơ sở ở Diên An, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc.
Ngày 9/1/1967, địch tổ chức lực lượng đánh úp gộp Dốc Gáo, nhưng chúng không diệt hoặc bắt sống được người nào của ta; ngược lại bị bộ đội và du kích ta đánh trả tiêu diệt 14 tên. Trên đà thắng lợi đó, ta xây dựng Đồng Bò ngày càng vững mạnh, biến thành khu căn cứ chẳng những của Nha Trang mà có khi còn cả của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Đầu năm 1967, địch huy động một sư đoàn liên quân Mỹ - Nam Triều Tiên, tổ chức càn quét vào căn cứ của ta ở Hòn Dữ - Khánh Vĩnh.
Để phối hợp với chiến trường Hòn Dữ, Đại đội đặc công K90 của ta xuất phát từ Đồng Bò đã tiến đánh sân bay Nha Trang, phá hủy 21 máy bay địch. Sau trận tập kích đó bộ đội và du kích ta đã tổ chức đánh địch liên tục ở nhiều nơi tại khu vực Nha Trang, làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, căn cứ Đồng Bò là nơi tập kết và xuất phát quân chủ lực của ta tiến đánh thị xã Nha Trang, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên mùa Xuân tổng tấn công và nổi dậy, rung động năm châu, chấn động địa cầu. Đặc biệt trong chiến dịch mùa Xuân 1975, chính từ căn cứ Đồng Bò, các đội công tác, lực lượng du kích, an ninh, bộ đội địa phương của ta đã phối hợp với các cơ sở từ Đồng Bò, qua Hòn Rớ, thâm nhập vào Vĩnh Trường, theo đường Duy Tân tiến về tỉnh đường, phối hợp với cánh quân phía Bắc của Sư đoàn 10 giải phóng Nha Trang ngày 2/4/1975. Ông Nguyễn Thành Long, 4 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy cấp ưu tú; thương binh 4/4; ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên An ninh Vũ trang, Khu 5 tăng cường cho Khánh Hòa vào năm 1969; ông Nguyễn Danh Bôn, nguyên chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn đặc công 407 Anh hùng; bà Phan Thị Thanh Thủy; nguyên đội công tác Vùng 2, Diên An; bà Nguyễn Thị Lấn, nguyên đội công tác Vùng 3, Vĩnh Trung, Vĩnh Thái; Bà Nguyễn Thị Đào, vợ ông Nguyễn Thành Long, nguyên biệt động thành, 8 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, ngụy, thương binh 1/4… nay tuổi đều đã “thật thập cổ lại hy”, trên người mang nhiều thương tích, bệnh tật nhưng ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi ôn lại một thời khó quên.
Mỗi người nhớ lại một kỹ niệm, nhớ lại từng gốc cây, ngọn cỏ, con suối, tảng đá khắp căn cứ Đồng Bò. Cứ nói đến Đồng Bò, ở đâu có đá là ở đó có hang. Bởi vậy nên có tên Đá Hang. Cán bộ, bộ đội ta thì luồn lách hết gộp đá này đến hang đá khác để hoạt động, để tránh và đánh địch. Mặc dù được đặt tên là gộp C4, gộp 98, gộp trạm xá, gộp Tài chính, gộp Tỉnh ủy,… nhưng có gộp nào các ông, bà được ăn ở cố định?.
Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng là chiến thuật của bộ đội Đặc công nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồng Bò năm xưa cũng luôn áp dụng chiến thuật đó. Điều vinh dự là tham dự cuộc gặp mặt năm nay còn có ông Lê Ngọc Sanh, mặc dù trong kháng chiến chống Mỹ chưa đến Đồng Bò, nhưng lại là một vị tướng phong ba dày trận mạc trên chiến trường Quân khu 5 khói lửa. Cuộc gặp mặt còn có ông Huỳnh Dũng Tiến, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 470 đặc công, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, từng nổi danh là con hùm xám, chỉ huy bộ đội đánh đâu thắng đó trên chiến trường Ninh Hòa, Vạn Ninh; trong đó có trận đánh tiêu diệt Giang đoàn ngụy quân Sài Gòn năm 1972 ở Hòn Khói. Những năm tháng được ôn lại, nhiều câu chuyện được kể. Những cán bộ chiến sĩ Đồng Bò năm xưa rưng rưng nước mắt khi nhớ lại những người lãnh đạo, chỉ huy và đồng đội của mình. Đó là đồng chí Nguyễn Nghiêm, Bí thư Thị ủy năm 1961- 1963; đồng chí Bùi Hồng Thái, Bí thư Thị ủy năm 1963 - 1965; đồng chí Lưu Văn Trọng, Bí thư Thị ủy năm 1965 – 1967; đồng chí Lê Tụng, Bí thư Thị ủy 1967 – 1970; đồng chí Đặng Nhiên, Bí thư Thị ủy năm 1970 -1974; đồng chí Trần Quốc Khánh, Bí thư Thị ủy năm 1974 và biết bao đồng bào, đồng đội khác. Tuy nhiên, sau giây phút bùi ngùi, các ông, các bà lại vui mừng phấn khởi vì sau 44 năm giải phóng, Đồng Bò đang có sự chuyển mình toàn diện và mạnh mẽ. Đặc biệt, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Căn cứ Đồng Bò bây giờ đang được xây dựng thành bảo tàng sống để giáo dục truyền thống cho muôn đời con cháu và sẽ trở thành khu du lịch, lịch sử, tâm linh đầy hứa hẹn của TP.Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa.