Chế độ tập luyện cho bệnh nhân tiểu đường
Sức khỏe 18/01/2024 10:42
Tại sao bệnh nhân tiểu đường cần vận động?
Bệnh tiểu đường tuýp 2 chiếm hơn 90% tổng số bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) tại Nhật Bản, ngoài nguyên nhân do yếu tố di truyền thì nguyên nhân chính là xuất phát từ việc người bệnh có những thói quen sinh hoạt không tốt như ăn quá nhiều và không tập thể dục. Ngoài ra, cũng vì sự phát triển của các phương tiện đi lại và phủ sóng mạnh mẽ của Internet và truyền hình nên con người ít vận động thể thao hơn trước.
Vì thế, điều quan trọng là mọi người cần ý thức rèn luyện thân thể mỗi ngày. Đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, các hiệu quả dưới đây có thể được mong đợi bằng cách tập thể dục sau bữa ăn.
Hiệu quả tức thì mà tập thể dục đem lại: Tập thể dục giúp tiêu thụ glucose trong máu như một nguồn năng lượng và có tác dụng giảm lượng đường huyết, đặc biệt nếu vận động sau bữa ăn sẽ có hiệu quả ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng lượng đường trong máu sau ăn và giảm lượng đường huyết.
Ảnh minh họa |
Hiệu quả lâu dài của tập thể dục: Nếu duy trì tập luyện thể thao trong vài tháng, người bệnh sẽ tăng cường sức mạnh cơ bắp và tăng sự trao đổi chất cơ bản cũng như cải thiện hiệu quả của insulin, nhờ đó tác động tới việc chỉ số đường huyết khó tăng cao, giúp cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu.
Tác dụng khác: Việc tập luyện thể thao còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống (QOL) của bệnh nhân tiểu đường.
Những người không có thói quen tập thể dục có thể sẽ cảm thấy khó khăn khi bắt đầu tập luyện, ví dụ như leo cầu thang cũng cảm thấy đau đớn, nhưng vì sức mạnh thể chất sẽ được cải thiện khi họ tiếp tục tập thể dục, nên việc tập luyện sẽ dễ dàng hơn và bệnh nhân sẽ thích nghi dần dần. Khi thể lực của bệnh nhân được cải thiện, họ có thể tập luyện các bộ môn thể thao, và tạo ra lối sống khoa học.
Những điều cần chú ý trước khi bắt đầu thực hiện chế độ tập luyện cho bệnh nhân tiểu đường
Chế độ tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường, nếu không được thực hiện chính xác, không những không mang lại hiệu quả mà còn làm trầm trọng thêm các triệu chứng và biến chứng của bệnh tiểu đường. Do đó, khi bắt đầu chế độ tập thể dục cho người đái tháo đường, người bệnh phải tham khảo và nhận tư vấn của bác sĩ điều trị.
Việc bệnh nhân có nên tập thể dục hay không sẽ được bác sĩ quyết định qua “kiểm tra y tế”. Việc kiểm tra y tế được tiến hành để kiểm tra mức độ tiến triển của các triệu chứng và biến chứng của bệnh tiểu đường, bệnh nhân có hay không có các bệnh khác ngoài bệnh tiểu đường và mức độ như nào, làm rõ khả năng vận động của người bệnh, thể chất, điểm cần lưu ý khi tập thể dục.
Những người bệnh có các triệu chứng sau đây hoặc đang được chẩn đoán/điều trị có thể bị cấm hoặc hạn chế tập thể dục. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi tập luyện:
Những người đang tiến triển biến chứng về mắt do tiểu đường (bệnh võng mạc tiền tăng sinh và bệnh võng mạc tăng sinh).
Những người bị suy giảm chức năng thận.
Người đang bị biến chứng về thần kinh (rối loạn thần kinh tự trị, rối loạn thần kinh ngoại biên ở bàn chân,…).
Những người đang bị đau và tê ở bàn tay và bàn chân do bệnh động mạch ngoại biên.
Những người có lượng đường trong máu rất cao và kiểm soát kém lượng đường huyết của mình.
Người bị biến chứng chân do tiểu đường (loét và hoại thư).
Những người bị bệnh tim như đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
Người có huyết áp cao.
Người bệnh bị đau khớp (đầu gối, hông)
Những người đang bị bệnh như cảm cúm và viêm phổi.