Cần xây dựng tiêu chí cụ thể cho từng giai đoạn
NCT làm kinh tế giỏi 14/11/2023 16:33
Ông Đỗ Quang Sơn, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Cao Bằng:
Ông Đỗ Quang Sơn |
“Phong trào NCT thi đua làm kinh tế giỏi nói chung, nhất là giai đoạn 2018-2023, thật đáng phấn khởi và trân trọng. Điều đó khẳng định NCT không chỉ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà còn thi đua làm kinh tế giỏi, tăng thu nhập, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương…
Ngoài ra, NCT còn gương mẫu tham gia công tác từ thiện, nhân đạo, tạo việc làm cho nhiều người khác, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân; đóng góp nhiều công sức cho sự bình yên, ổn định chính trị, an toàn xã hội ở khu dân cư. Vận động, thuyết phục, giáo dục con cháu tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới, góp phần không nhỏ thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong phong trào đã xuất hiện hàng trăm tấm gương tiêu biểu xuất sắc được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, khen thưởng và các tầng lớp nhân dân kính trọng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như số hội viên tiêu biểu xuất sắc chưa nhiều. Thực tế cho thấy nhiều NCT luôn phát huy tốt vai trò phát triển kinh tế, nhưng rất khiêm tốn, ngại báo cáo nên phong trào chưa được đẩy mạnh, chưa đồng đều, và sức lan tỏa chưa cao... Trong thời gian tới, Hội NCT các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực phấn đấu, đạt được nhiều thành tích cao hơn trong phong trào thi đua giai đoạn 2023- 2028, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng tỉnh ngày càng khang trang, giàu mạnh”
Bà Mùi Thị Thủy, Phó Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Sơn La:
Bà Mùi Thị Thủy |
“Sơn La là một tỉnh vùng cao, biên giới, có diện tích tự nhiên gần 15.000km2, số dân trên 1,24 triệu người, 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong 5 năm qua được các cấp Hội trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng đã động viên NCT phát huy ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Toàn tỉnh có trên 60.000 NCT vẫn trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kinh doanh; gần 4.000 NCT làm chủ trang trại, doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 14.000 lao động. NCT làm kinh tế giỏi có mặt ở hầu hết các lĩnh vực như: Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đã và đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong các cấp Hội NCT. Từ năm 2018 - 2023 có gần 6.000 NCT đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; ủng hộ hàng tỉ đồng giúp đỡ NCT khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa, ủng hộ các hoạt động xã hội tại cơ sở. Qua đó, góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế tại địa phương.
Là nguồn lực quan trọng, quý của kinh nghiệm, trí tuệ, công sức của những NCT làm kinh tế giỏi cần được nhân rộng trong thời gian tới, để đóng góp cho sự phát triển đi lên của tỉnh, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu sớm đưa Sơn La vươn lên trở thành một tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững”.
Bà Phạm Thị Thu Trang, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Quảng Ngãi
Bà Phạm Thị Thu Trang |
“Phong trào “NCT làm kinh tế giỏi” là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt quá trình hoạt động của Hội, được sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương Hội đến các địa phương, cơ sở. Đây là nhiệm vụ không thể tách rời trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”.
Nhiều năm qua, phong trào NCT làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh được các cấp Hội tổ chức thực hiện bài bản, nền nếp và trở thành phong trào thi đua sôi nổi; tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Xuất hiện ngày càng nhiều NCT tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, phong trào được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các ngành, MTTQ, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, đã tạo điều kiện cho NCT vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Qua bình xét ở các cấp toàn tỉnh có 145 NCT làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp; gần 6.400 NCT làm kinh tế giỏi, doanh thu đạt từ 200 triệu đồng đến 10 tỉ đồng/năm. Tổng doanh thu 5 năm trên 3.000 tỉ đồng; tạo việc làm cho 23.200 lao động địa phương và đóng góp trên 8 tỉ đồng tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người nghèo.
Thực tiễn cho thấy, NCT vừa trực tiếp tham gia động, sản xuất, đồng thời trao truyền kinh nghiệm, hướng dẫn con cháu cùng làm ăn; ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động, cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề truyền thống phù hợp với lợi thế từng địa phương”.
Bà Triệu Thị Ngoan, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Đắk Lắk
Bà Triệu Thị Ngoan |
“Thực hiện Kế hoạch số 574 ngày 28/12/2022 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam về việc tổ chức Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi, giai đoạn 2018-2023, Hội NCT tỉnh đã triển khai đến các cấp Hội trong tỉnh tổ chức Hội nghị Biểu dương NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Toàn tỉnh có 87/184 xã phường, thị trấn tổ chức được hội nghị cấp xã và 11/15 huyện, thị xã, thành phố tổ chức được hội nghị cấp huyện.
Qua triển khai, theo dõi phong trào có thể thấy nhiều gia đình hội viên NCT đã quan tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, từng bước nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Nhiều hội viên NCT đã tích cực học tập, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp giỏi của NCT. Không chỉ sản xuất giỏi, nhiều hội viên NCT có điều kiện đã hỗ trợ cây giống, con giống, cho vay không tính lãi, hướng dẫn cách áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chăn nuôi… để giúp các hội viên nghèo sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo hiệu quả. NCT với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó, bằng kinh nghiệm, tâm huyết của mình đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào NCT làm kinh tế giỏi.
Thực tế phong trào 5 năm qua, Hội NCT tỉnh Đắk Lắk rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: 1. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào. 2. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động, khích lệ, động viên tinh thần hăng hái nhiệt tình hưởng ứng, dám nghĩ, dám làm cùng tham gia phong trào của đông đảo cán bộ hội viên NCT. 3. Định kì sơ kết, tổng kết, tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng các điển hình và cũng là cơ sở để cho hội viên NCT học tập làm theo.
Ông Lê Hoàng Đức, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Đồng Tháp
Ông Lê Hoàng Đức |
“Một trong những khó khăn khi triển khai phong trào là phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh của NCT có quy mô vừa và nhỏ hoặc không liên kết, nên việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước gặp khó khăn. Đa số hội viên, NCT gặp khó khăn về nguồn vốn vay do quá độ tuổi lao động nên các ngân hàng không giải ngân (phải nhờ con cháu đứng ra vay hộ) nên chưa đủ điều kiện để phát triển lên quy mô lớn hơn. Việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh còn mang tính tự phát, phải tự xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm…
Nhiều hộ NCT làm kinh tế giỏi, quy mô lớn, có doanh thu, lợi nhuận cao, đóng góp làm từ thiện xã hội nhiều nhưng không đăng kí tham gia phong trào, ngại cung cấp thông tin hoạt động kinh tế, không kê khai doanh thu (sợ bị tăng thuế), ngại viết báo cáo thành tích khi đạt tiêu chuẩn nên việc thống kê số liệu, bình xét gặp nhiều khó khăn, làm giảm số lượng NCT đạt tiêu chuẩn làm kinh tế giỏi. Mặt khác, việc tôn vinh NCT làm kinh tế giỏi chưa kịp thời, còn nặng về hình thức, chỉ mới dừng lại ở hội nghị biểu dương, cấp giấy khen và giấy chứng nhận ở cuối giai đoạn.
Chúng tôi kiến nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi lãi suất cho vay, chính sách ưu đãi về thuế đối với NCT làm kinh tế; khuyến khích NCT phát huy khả năng về vốn, kinh nghiệm làm kinh tế, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường; tổ chức các hình thức tập huấn, học tập kinh nghiệm những gương điển hình, mô hình tiêu biểu, tạo điều kiện để NCT được tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và áp dụng, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh làm kinh tế giỏi.
Đề xuất Trung ương Hội tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chủ trương chỉ đạo thống nhất công tác phối hợp, bảo đảm chặt chẽ trong hệ thống chính trị khuyến khích, hỗ trợ nhằm phát huy vai trò NCT tích cực tham gia đầu tư làm kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo, làm từ thiện xã hội. Đồng thời xây dựng nội dung định hướng tuyên truyền, phát động cho NCT tham gia đăng kí thực hiện làm kinh tế một cách bài bản ngay từ đầu giai đoạn (có xây dựng tiêu chí, nội dung phát động, tuyên truyền, tổ chức đăng kí, sơ kết, tổng kết, bình xét, biểu dương, khen thưởng theo từng mốc thời gian cụ thể).
Trung ương Hội NCT Việt Nam nên có thống nhất tiêu chí về NCT làm kinh tế giỏi với tiêu chí của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, để thuận tiện trong việc bình xét và tôn vinh. Việc xây dựng tiêu chí nên có sự phân biệt giữa địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn”.