Cần làm rõ những điểm "mờ" của Dự án Nhà máy Điện gió Thanh Phong và giải tỏa những bức xúc của dân
Đơn thư bạn đọc 22/11/2021 09:51
Trụ quạt (tuabin) dự án Nhà máy Điện gió Thanh Phong đang được tiến hành xây dựng |
Hàng chục hộ dân bức xúc, kêu cứu
Qua thu thập hồ sơ chứng cứ của phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, Tạp chí Ngày mới online được biết: Ngày 15/4/2021, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Văn bản 2049/UBND-KT, về việc thống nhất cho Công ty CP năng lượng ECOWIN triển khai thi công trước một số hạng mục thuộc công trình Điện gió Thanh Phong như: Bến cảng tạm, đường dẫn vào nhà máy, các móng trụ quạt (tuabin) ngăn lộ mở rộng, tuyến đường dây 220kV và 110kV đấu nối, cùng với việc thực hiện các thủ tục thu hồi, thuê đất cho dự án.
Trong đó, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Công ty CP năng lượng ECOWIN phải tuân thủ theo pháp luật về “Xây dựng, đất đai, môi trường”. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện Thạnh Phú và UBND các xã phải “tạo sự đồng thuận của người dân” trong vùng dự án. Thế nhưng, khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư đã ngang nhiên tiến hành thi công dự án.
Người dân địa phương (trong đó có nhiều người cao tuổi) bức xúc cho rằng, trong quá trình dự án thi công đóng 9 trụ quạt đã gây thiệt hại kinh tế cho nhiều hộ dân như: Nứt nhà, bơm hút hết nguồn nước ngọt tầng nông bỏ ra biển, đưa đất biển mặn vào đất liền, dẫn đến đất canh tác hoa màu nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoa màu, vật nuôi, cây trồng, tác động tiêu cực lớn đến canh tác, sản xuất và đời sống dân sinh.
Trao đổi với phóng viên, bà Võ Thị Nuôi, ở ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, bức xúc: “Tôi sống tại địa phương từ nhỏ, trước đến nay vùng đất trồng củ sắn (củ đậu) rất tốt, hằng năm đem lại thu hoạch cao. Nhưng đến nay, do dự án Nhà máy Điện gió Thanh Phong thi công đóng cọc, bơm nước, làm đất bị nhiễm mặn, dẫn đến năng suất thu hoạch củ đậu rất thấp; vụ vừa rồi gia đình tôi thu hoạch củ đậu không bằng ¼ mùa vụ năm trước”.
Còn bà Nguyễn Thị Đeo, sinh năm 1956, cũng thường trú tại ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải ngao ngán nói: “Nhà tôi cách trụ tuabin số 3 khoảng 100m, quá trình đóng cọc, ép trụ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình tôi như: Tường nhà bị xé, đất đai bị nhiễm nước mặn dẫn đến năng suất thu hoạch củ đậu quá thấp. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu bồi thường thiệt hại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân nhưng chủ đầu tư không thực hiện, làm cho người dân chúng tôi rất bất bình”.
Từ những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng khi thực hiện dự án Nhà máy Điện gió Thanh Phong, đã tác động tiêu cực đến đời sống của hàng chục hộ dân xứ cồn bãi ởgần dự án.
Đỉnh điểm là ngày 15/7/2021, người dân kéo đến ngăn cản, phản đối việc bơm nước từ hố móng trụ tuabin, với lý do vì hút hết nước ngọt tầng nông tại khu vực thi công công trình đem đổ ra biển, làm đất bị khô mặn, cây trồng chết, người dân buộc phải yêu cầu chủ đầu dừng thi công dự án nếu chưa thỏa thuận đền bù thỏa đáng cho người dân.
Để đảm bảo an ninh, trật tự, chính quyền xã Thạnh Hải đã huy động lực lượng lên đến hàng trăm người tham gia thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ thi công”, ngăn cản sự phản đối của người dân. Từ “bảo vệ thi công”, dẫn đến giữa người dân và lực lượng thi hành nhiệm vụ có sự xô xát, có người bị thương tích.
Người dân bức xúc phản ánh dự án gây thiệt hại kinh tế, đời sống dân sinh của họ |
Dự án tiếp tục xây dựng, trong khi người dân kịch liệt phản đối. |
Cơ quan chức năng nói gì?
Để đánh giá được cụ thể mức độ thiệt hại, ngày 2/11/2021, UBND huyện Thạnh Hải làm tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công thương; Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre xem xét một số nội dung: Do địa hình ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải gần biển, có hiện tượng nước mặn bốc hơi, dẫn đến sương muối, khi vận hành cánh quạt có làm cho hạt sương muối rơi xuống gây ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân hay không? Việc đưa vào sử dụng dự án Điện gió Thanh Phong có ảnh hưởng đến hộ gia đình nuôi chim yến hay không? Khi lắp đặt, vận hành và đưa vào sử dụng cánh quạt (trụ tuabin ) có ảnh hưởng đến nhà ở, nguồn nước, trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân hay không? Tuy nhiên, cho đến bây giờ cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm.
Để rộng đường dư luận, ngày 15/11/2021, phóng viên trực tiếp đến UBND tỉnh Bến Tre để gặp lãnh đạo tỉnh, nắm thêm thông tin nhiều vấn đề liên quan đến dự án Điện gió Thanh phong, như: Kế hoạch bảo vệ môi trường; giải quyết những vấn đề người dân bức xúc, kiện cáo đến nay chưa được giải quyết. Tuy nhiên, vì lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre đi vắng (!?). Phóng viên để lại nội dung câu hỏi, chờ kết quả trả lời từ UBND tỉnh Bến Tre.
Sáng 17/11/2021, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thái, Phó Giám đốc Công ty CP năng lượng ECOWIN cho biết: Dự án Nhà máy điện gió Thanh Phong đã được các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cho phép không thực hiện thủ tục “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” theo quy định. Khi phóng viên hỏi về việc “lập kế hoạch bảo vệ môi trường”; ông Thái trả lời không nắm được doanh nghiệp đã lập hay chưa.
Trong khi đó, ông Trịnh Minh Khôi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre khẳng định: “Dự án Nhà máy Điện gió Thanh Phong, hiện chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt “kế hoạch bảo vệ môi trường” theo quy định; hồ sơ liên quan đang được UBND huyện Thạnh Phú rà soát, xem xét”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc khi có kết quả kết quả trả lời từ UBND tỉnh Bến Tre.