Cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ có thể bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Tin tức - Sự kiện 20/03/2023 16:38
Theo Bộ Nội vụ, mục đích xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ nhằm đảm bảo sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác.
Cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ có thể bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh minh hoạ |
Đáng chú ý, Chương III dự thảo Nghị định quy định "Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức" gồm 10 điều, quy định về: Giao tiếp, ứng xử với tổ chức và công dân (Điều 9); Giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp (Điều 10); Giao tiếp, ứng xử với cấp trên (Điều 11); Giao tiếp, ứng xử với cấp dưới (Điều 12); Giao tiếp, ứng xử với tổ chức, cá nhân nước ngoài khi đi học tập, làm việc ở nước ngoài (Điều 13); Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử với cơ quan thông tấn, báo chí (Điều 14); Ứng xử trong gia đình (Điều 15); Ứng xử nơi cư trú (Điều 16); Ứng xử nơi công cộng (Điều 17); Ứng xử giao tiếp qua điện thoại (Điều 18) cụ thể như sau:
Cán bộ, công chức, viên chức không chửi thề, nói tiếng lóng, quát nạt, hạch sách công dân
Điều 9 quy định về "Giao tiếp, ứng xử với tổ chức và công dân" như sau: Cán bộ, công chức, viên chức có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực; ngôn ngữ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, văn minh, không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân.
Tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về quy trình, thủ tục và những thắc mắc, vướng mắc của công dân và tổ chức liên quan đến giải quyết công việc; khiêm tốn, tiếp thu các ý kiến góp ý của công dân và tổ chức; ưu tiên giải quyết công việc đối với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai.
Tôn trọng, có tinh thần hợp tác, có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ trong công tác, bảo đảm chất lượng, tiến độ; ứng xử có văn hóa, tôn trọng danh dự, uy tín của cơ quan, tổ chức, công dân có quan hệ công tác.
Chỉ được tiếp công dân và tổ chức tại cơ quan, không hẹn gặp, không tiếp công dân và tổ chức bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc, tại nhà riêng.
Không bè phái, cục bộ, gây mất đoàn kết nội bộ
Về "Giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp", Điều 10 quy định: Có tinh thần phối hợp, tương trợ với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ; tôn trọng, giữ gìn uy tín, danh dự cho đồng nghiệp; không bè phái, cục bộ, có lời nói, hành động gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, nói không đúng sự thật, hạ uy tín, trả thù cá nhân trong cơ quan, đơn vị.
Cầu thị, chia sẻ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn của đồng nghiệp; chân thành, thẳng thắn phê bình, góp ý với đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, khách quan trong các cuộc họp, đánh giá.
Tôn trọng tính cách, đời sống riêng tư; có thái độ tích cực đối với sự phát triển, tiến bộ của đồng nghiệp.
Cán bộ, công chức, viên chức không được trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ
Điều 11 quy định về "Giao tiếp, ứng xử với cấp trên" như sau: Cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo, điều hành và phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ.
Khi có căn cứ cho rằng quyết định của cấp trên trái pháp luật phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định, trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành phải chấp hành nhưng yêu cầu có ý kiến bằng văn bản và không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành đó, đồng thời báo cáo với cấp trên trực tiếp của người ra quyết định.
Trung thực trong báo cáo công việc và cung cấp thông tin với cấp trên; chủ động, sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cấp trên; chủ động đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến với cấp trên về biện pháp quản lý, điều hành.
Tôn trọng lãnh đạo; cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cấp trên.
Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý không được chuyên quyền, quan liêu, hách dịch
Điều 12 quy định về "Giao tiếp, ứng xử với cấp dưới" như sau: Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, công tác, giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, chuyên nghiệp và thân thiện.
Tôn trọng, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề nghị chính đáng của cấp dưới; không quan liêu, hách dịch, coi thường cấp dưới.
Phân công nhiệm vụ cho cấp dưới rõ ràng, đúng người, đúng việc; không được chuyên quyền, độc đoán; thực hiện dân chủ, tôn trọng kinh nghiệm, tin tưởng, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường, tính sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ.
Không chỉ đạo cấp dưới làm việc không đúng với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cán bộ, công chức, viên chức và của cơ quan, đơn vị.
Không lợi dụng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế vì lợi ích cá nhân
Về "Giao tiếp, ứng xử với tổ chức, cá nhân nước ngoài và khi đi học tập, làm việc ở nước ngoài", Điều 13 quy định: Thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của nhà nước, quy định của cơ quan về tiếp xúc, quan hệ, làm việc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa của người nước ngoài, trên cơ sở phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Không có lời nói, hành động làm tổn hại đến lợi ích, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; truyền thống, danh dự, uy tín của cơ quan, đơn vị; không lợi dụng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế vì lợi ích cá nhân.
Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử với cơ quan thông tấn, báo chí
Về "Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử với cơ quan thông tấn, báo chí", Điều 14 quy định: Chỉ phát ngôn, cung cấp thông tin với cơ quan thông tấn, báo chí với tư cách đại diện cho cơ quan, đơn vị khi được người có thẩm quyền phân công theo đúng quy định của pháp luật.
Không thông tin hoặc cung cấp thông tin có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc quy định của Đảng, bí mật khác theo quy định của pháp luật.
Không tổ chức tiệc tùng xa hoa, lãng phí
Về "Ứng xử trong gia đình", Điều 15 quy định: Vận động, giáo dục người thân trong gia đình chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương nơi cư trú.
Nêu gương trong sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, không có hành vi bạo lực gia đình.
Không tổ chức tiệc cưới, ăn hỏi, đám ma, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các công việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi.
Không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức, công dân nơi cư trú
Về "Ứng xử nơi cư trú", Điều 16 quy định: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia sinh hoạt và chấp hành đầy đủ nghĩa vụ ở nơi cư trú, chịu sự giám sát của tổ chức đảng và nhân dân; gần gũi, đoàn kết, giúp đỡ mọi người xung quanh.
Tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đến nhân dân. Tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội khác.
Không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức, công dân nơi cư trú; không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức tại nơi cư trú.
Không có lời nói, cử chỉ, hành động gây bức xúc dư luận
Về "Ứng xử nơi công cộng", Điều 17 quy định: Gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện.
Không có lời nói, cử chỉ, hành động gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức.
Ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng; giữ gìn, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên "Xanh - Sạch - Đẹp".
Kịp thời thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật; không được lợi dụng chức danh của mình để vụ lợi khi tham gia các hoạt động xã hội; không được tiếp tay hoặc bao che cho hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức.
Không trao đổi nội dung bí mật công tác, bí mật nhà nước qua điện thoại
Về "Ứng xử, giao tiếp qua điện thoại", Điều 18 quy định: Khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, đơn vị công tác, nội dung trao đổi đầy đủ, rõ ràng; ngôn ngữ giao tiếp văn minh, lịch sự, ngắn gọn, dễ hiểu, âm lượng vừa đủ nghe; không trao đổi nội dung bí mật công tác, bí mật nhà nước qua điện thoại.
Ngoài ra, tại Chương IV "Kỷ luật, kỷ cương hành chính" gồm 4 Điều (từ Điều 19 đến Điều 22) bao gồm các nội dung: Thực hiện chức trách, nhiệm vụ (Điều 19); Sử dụng thời giờ làm việc (Điều 20); Quy định họp, hội nghị (Điều 21); Xử lý các hành vi vi phạm về đạo đức công vụ (Điều 22), cụ thể:
Không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi
Điều 19 quy định về "Thực hiện chức trách, nhiệm vụ" như sau: Tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền.
Chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền; tăng cường trách nhiệm trong phối hợp xử lý các nội dung có liên quan; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc.
Không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến công dân và tổ chức.
Không uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; không tiếp thị, bán hàng tại nơi làm việc
Điều 20 về "Sử dụng thời giờ làm việc": Nghiêm túc tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc; không đến muộn hoặc về sớm không có lý do chính đáng; không tự ý nghỉ việc không phép, nghỉ trong giờ làm việc; khi cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ vì lý do đột xuất phải xin phép và được sự đồng ý của lãnh đạo trực tiếp.
Không làm việc riêng và tham gia các hoạt động khác không liên quan đến công việc trong giờ làm việc.
Không chơi các trò chơi, sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc, không tụ tập ăn, uống đông người trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng tại nơi làm việc.
Người chủ trì cuộc họp phải kết luận cụ thể, rõ ràng và giao trách nhiệm cụ thể
Điều 21 "Quy định họp, hội nghị" như sau:
Đối với người chủ trì cuộc họp: Căn cứ nội dung, quy mô, điều kiện công nghệ, tùy theo tính chất và nội dung của cuộc họp, hội nghị người chủ trì quyết định hình thức họp, hội nghị; Đến trước giờ họp ít nhất 05 phút; Chú ý lắng nghe, tăng cường đối thoại với người họp, hạn chế cắt ngang người đang phát biểu;
Kết luận cụ thể, rõ ràng và giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, đơn vị để triển khai thực hiện, kèm theo thời hạn thực hiện (nếu có).
Không thể hiện thái độ tiêu cực, thiếu tinh thần xây dựng trong cuộc họp
Đối với cán bộ, công chức, viên chức tham dự cuộc họp: Đến đúng giờ và đúng thành phần dự họp theo giấy mời. Trường hợp không tham dự được, phải trực tiếp báo cáo với người có thẩm quyền về lý do vắng mặt và cử người khác dự họp thay;
Chuẩn bị tốt nội dung tham gia tại cuộc họp, hội nghị, cần mang theo sổ, bút và tài liệu, thiết bị khác để ghi chép;
Giữ trật tự, không ồn ào; điện thoại để chế độ im lặng và không làm việc riêng trong cuộc họp; không ngắt lời, lắng nghe diễn giả và ghi chép đầy đủ các nội dung cuộc họp, hội nghị;
Đăng ký hoặc ra tín hiệu trước khi phát biểu; khi phát biểu, đặt câu hỏi cần ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề;
Tuân thủ đúng quy tắc điều hành của người chủ trì cuộc họp và tham dự từ khi bắt đầu cuộc họp đến khi kết thúc cuộc họp; tôn trọng ý kiến của người khác, không thể hiện thái độ tiêu cực, thiếu tinh thần xây dựng trong cuộc họp.
Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 22 quy định về "Xử lý các hành vi vi phạm về đạo đức công vụ" như sau: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các nội dung của Nghị định này, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Các Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo kết quả thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức hằng năm về Bộ Nội vụ trước ngày 31/1.
Dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ gồm 5 chương, 25 điều.
Độc giả có thể xem toàn văn và góp ý dự thảo TẠI ĐÂY.
TP Hải Phòng: Một cán bộ Sở GTVT tử vong trong phòng làm việc NMO - Cơ quan chức năng TP. Hải Phòng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân một cán bộ thuộc Sở GTVT tử vong trong ... |
Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ Ngày 7/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, ... |
Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ tòa án vi phạm Giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành tòa án; công tác tổng ... |