“Bóng ma” khủng hoảng quay lại Ấn Độ
Quốc tế 21/04/2021 09:30
Về nguyên nhân gây ra làn sóng Covid-19 gần đây, Tiến sĩ Guleria lí giải, vào khoảng tháng 1 và tháng 2, khi chương trình tiêm chủng vaccine được triển khai và số ca dương tính giảm mạnh, người dân ngừng tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, song tại thời điểm đó, virus đột biến và lây lan mạnh hơn. Ông Guleria cũng đề cập đến các cuộc mít tinh vận động tranh cử và hoạt động tôn giáo mà đáng lẽ phải bị hạn chế.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ |
Hãng Fitch Solutions mới đây đánh giá, bất chấp một số cải cách, hệ thống y tế của Ấn Độ không đủ khả năng ứng phó với đợt gia tăng chưa từng có các ca nhiễm Covid-19 như hiện nay. Hãng này nhấn mạnh, khi Ấn Độ tiếp tục thiếu kinh phí y tế và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, dịch bệnh ở nước này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được ngăn chặn phù hợp. Với chỉ 5 giường bệnh/10.000 dân và 8,6 bác sĩ/10.000 dân (đứng thứ 155/167 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng trong Báo cáo phát triển con người năm 2020 của LHQ), ngành y tế vốn kém hiệu quả của Ấn Độ chưa sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng như vậy.
Không chỉ thiếu hụt trang thiết bị y tế, ngày càng nhiều bang của Ấn Độ than phiền về tình trạng thiếu vaccine phòng Covid-19, một phần do thiếu nguyên liệu từ thị trường quốc tế cộng với tâm lí ngại tiêm trước thông tin về các trường hợp đông máu hiếm gặp ở những người được tiêm. Tình trạng này càng gây khó cho Ấn Độ khi tìm cách đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế đang trên bờ vực sụp đổ.
Những khó khăn trên không chỉ ảnh hưởng đến cuộc chiến chống Covid-19 bên trong Ấn Độ mà còn làm trì hoãn nhiều tháng các chiến dịch tiêm chủng vaccine ở hơn 60 quốc gia, chủ yếu là các nước đang phát triển, bởi Ấn Độ là nhà cung cấp chính cho chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới. Tình trạng dịch bệnh gia tăng trở lại còn đặt ra thách thức với cả nền kinh tế vẫn lao đao sau suy thoái. Làn sóng dịch thứ hai đã tấn công Ấn Độ vào một thời điểm không thể tồi tệ hơn, làm gián đoạn kế hoạch tuyển dụng của các công ty, gia tăng tính không chắc chắn trong kinh doanh và làm tê liệt các hoạt động. Nếu kéo dài, các lệnh phong tỏa cục bộ và những hạn chế sẽ còn làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất - vốn là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế…
Nguy cơ lần này với Ấn Độ lớn hơn nhiều khi nền kinh tế đã mất đi phần lớn khả năng chống chọi với dịch bệnh trong làn sóng đầu tiên. Sẽ thật khó để Ấn Độ vượt qua cơn sóng dữ lần này nếu tình hình không sớm được kiểm soát...