Bộ Y tế: tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ
Y tế 25/05/2022 16:42
Theo đó, Bộ Y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga, gối, đệm. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến 21/5/2022 trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh, 28 trường hợp nghi ngờ và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ chủng Tây Phi và có đặc điểm giống chủng vi rút lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.
Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai các nội dung:
Chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ: Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan.
Tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.
Chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết các đơn vị đang theo dõi, giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa bệnh xâm nhập. Đồng thời, Cục cũng phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về bệnh và các biện pháp ứng phó... (Nguồn: Bộ Y tế) |
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 21/5, đã có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Canada, Bỉ, Đức, Australia, Mỹ...Các bằng chứng hiện có cho thấy những người có nguy cơ cao nhất là những người đã tiếp xúc thân thể gần gũi với người bị bệnh đậu mùa khỉ khi họ đang có triệu chứng.
Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan tới bệnh đậu mùa vốn đã được xóa sổ vào năm 1980. Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với đậu mùa.
Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.
Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.
Thời kỳ ủ bệnh (thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) đối với bệnh đậu mùa khỉ thường là 7-14 ngày nhưng có thể 5-21 ngày. Đậu mùa khỉ hiếm khi xảy ra bên ngoài châu Phi, do vậy, đợt bùng phát hiện nay ở châu Âu đang gây lo ngại.
Các bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Anh đã nhiễm virus tại Tây Phi, được các quan chức y tế cho biết khá nhẹ so với ở ổ dịch Tây Phi và có tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 1%.
Mặc dầu triệu chứng nhẹ hơn đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ được biết tới đã gây ra tỷ lệ tới 10% tử vong ở bệnh nhân nhiễm ổ dịch tại lòng chảo Congo, so với tỷ lệ 30% tử vong do đậu mùa, theo dữ liệu của Tổ chức y tế thế giới.
Tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ em và thiếu niên, và những người có hệ miễn dịch suy giảm có nguy cơ bị bệnh nặng.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo: Mắc đậu mùa khỉ khi mang thai cũng dẫn tới biến chứng, truyền từ mẹ sang thai nhi, hoặc thai chết lưu...