Bổ sung trách nhiệm cho lực lượng Công an xã
Sự kiện 25/10/2021 17:43
Hai nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là bổ sung trách nhiệm cho Công an xã tiếp nhận; giải quyết tố giác tội phạm và bổ sung quy định vì lý do bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh) có thể tạm đình chỉ giải quyết tin tố giác tội phạm, tạm đình chỉ truy tố, đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án…
Tin tưởng bổ sung trách nhiệm cho Công an xã
Đại biểu Phạm Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho rằng: việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm... là cần thiết để tăng cường vai trò của Công an xã; góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khởi tố, điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ địa bàn cơ sở. Mặt khác sẽ sử dụng được nguồn lực đáng kể từ Công an xã trong hoạt động tố tụng hình sự góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn xã.
Phiên thảo luận sáng ngày 25/10, điểm cầu đoàn Cao Bằng |
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình): sửa đổi, bổ sung 6 điều của Bộ luật Tố tụng hình sự lần này là cần thiết, cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn bất cập trong thực tiễn thực hiện chính sách pháp luật về tố tụng hình sự và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác điều tra, xử lý tội phạm trong lộ trình hội nhập. Việc bổ sung nhiệm vụ cho công an xã là hết sức cần thiết, phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã thường trực gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh nhất, kịp thời nhất khi có vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cũng như hậu quả của tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu, vật chứng, phối hợp truy bắt tội phạm.
Hơn nữa, hiện nay, 100% xã được bố trí công an chính quy với khoảng 45.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó có trên 50% có trình độ đại học, gần 22% từng công tác tại các đội điều tra công an cấp huyện, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan đến công tác điều tra hình sự. Nhân lực của công an xã rất lớn, đủ khả năng đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tương đương với công an phường, thị trấn. Thực tế thời gian qua dù có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công an xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở cơ sở. Vì vậy, việc bổ sung nhiệm vụ này là cần thiết, đúng đắn, hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho công an xã – đại biểu Nguyễn Tiến Nam khẳng định.
Chúng ta có hàng chục nghìn xã, nhưng chỉ cần vài xã, vài người thực hiện không tốt thì dư luận sẽ quan tâm ngay và có thể gây ảnh hưởng rất lớn”, do đó đề nghị Bộ Công an giải trình, tính toán về số lượng nhân sự, khả năng chuyên môn của công an xã và các điều kiện cần thiết khác – đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đưa ra ý kiến tranh luận.
Trong phiên thảo luận sáng ngày 25/10, còn có ý đại biểu kiến boăn khoăn vì lực lượng Công an xã mới được thiết lập, có đồng chí khối an ninh, khối cánh sát nên cần được xem xét, đào tạo khác nhau nên nên việc giao thêm nhiệm vụ mới cần xem xét, đánh giá kỹ về năng lực cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm tính khả thi. Thậm chí nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay, cần có lộ trình thực hiện về đào tạo, tập huấn cán bộ, trang bị cơ sở vật chất”. Có đại biểu cho rằng cần nghiên cứu lại quy định bổ sung trách nhiệm cho công an xã theo trình tự rút gọn và có hiệu lực ngay nếu được thông qua.
Dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động giải quyết các vụ án
Góp ý về việc bổ sung quy định có thể tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tạm đình chỉ truy tố, đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng nhìn nhận thực tế tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội như vừa qua, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.
Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao tiếp thu, giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu trong phiên họp sáng 25/10 |
Trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong nhân dân. Trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Đại biểu Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố tại khoản 1 Điều 148; căn cứ tạm đình chỉ điều tra tại khoản 1 Điều 229; và căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, tại khoản 1 Điều 247 BLTTHS để giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn là cần thiết.
Theo lý giải của đại biểu Xuân, trong giai đoạn xét xử Tòa án cũng gặp những khó khăn, vướng mắc tương tự Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ án do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid - 19. Vì vậy, cần cân nhắc bổ sung căn cứ này tại Điều 281 về tạm đình chỉ vụ án, Điều 297 về hoãn phiên tòa để tạo ra sự thống nhất và đồng bộ trong quy định và áp dụng pháp luật, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trên thực tế.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, cho biết, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn quốc, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly, dẫn đến việc kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, việc tiến hành các hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự và việc tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của các cơ quan có thẩm quyền bị trì hoãn, kéo dài. Do không thực hiện được các hoạt động cần thiết để xác định hành vi phạm tội, người phạm tội, để quyết định việc khởi tố, để chứng minh tội phạm khi kết thúc điều tra hoặc để quyết định việc truy tố.
Do đó, đại biểu bày tỏ tán thành bổ sung quy định cho phép tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử theo Khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, Khoản 1 Điều 247 và Khoản 1 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc bổ sung quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để có cơ chế kiểm soát đối với những người bị buộc tội do vụ án, vụ việc vẫn trong vòng tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng vẫn tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Việc bổ sung quy định này cũng góp phần thực hiện hiệu quả yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Phát biểu, giải trình thêm ý kiến đại biểu Quốc hội, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, lực lượng Công an xã có thể giải quyết ngay tại chỗ một số tình huống, giảm áp lực quá tải cho Công an huyện, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở cả hiện tại và lâu dài. Khi Công an xã được bổ sung trách nhiệm nêu trên thì Viện KSND cấp huyện sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ để kiểm sát chặt chẽ hoạt động này của Công an xã, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.