Bổ pháp trong y học cổ truyền
Sức khỏe 06/06/2023 09:58
2. Bổ pháp và phương dược thường dùng
Thông thường mà nói, bổ pháp chủ yếu được dùng để trị hư chứng, nhưng trong hư chứng lại có chứng hư của ngũ tạng lục phủ, trong đó lại phân thành các chứng hư cụ thể như tâm khí hư, tâm huyết hư, thận dương hư, thận âm hư... Cho nên, khi dùng bổ pháp, nhất định phải căn cứ vào nguyên tắc biện chứng luận trị, phân tích cụ thể, làm rõ chứng hậu, từ đó lựa chọn phương dược phù hợp mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn, tuyệt đối không dùng thuốc một cách rập khuôn máy móc. Dưới đây trình bày một số bổ pháp và phương dược thường dùng:
2.1 Bổ tâm pháp, dùng trong chứng tâm hư. Chứng tâm hư lại phân thành: (1) Tâm khí hư: Tinh thần thường mệt mỏi, thích ngủ, hay hốt hoảng, khó thở, dễ sợ hãi, tự hãn, mạch hư nhược... (2) Tâm huyết hư: Tim đập nhanh, mất ngủ, giảm trí nhớ, dễ hoảng sợ lo lắng, hư phiền đạo hãn, chất lưỡi hồng, mạch tế... (3) Tâm dương hư: Thường gặp ngực chướng đau, thích ấm sợ lạnh, hay hoảng hốt, khó thở, tâm quý, không thể nằm ngửa...
Bổ tâm khí thường dùng các vị thuốc như ngũ vị tử, nhân sâm, phục thần, viễn trí, thạch xương bồ... Các bài thuốc thường dùng là Ích vinh thang, Viễn trí bổ tâm thang, Định trí hoàn... Bổ tâm huyết thường dùng các vị thuốc đương quy, đan sâm, địa hoàng, bá tử nhân, toan táo nhân, nhũ hương, một dược (hai vị thuốc sau là khứ ứ sinh tân, lấy thông làm bổ)... Các bài thuốc thường dùng là Bổ tâm đan, Dưỡng tâm thang, Bá tử dưỡng tâm hoàn... Bổ tâm dương thường dùng các vị thuốc như quế tâm, quế chi, giới bạch, tế tân, can khương... Các bài thuốc thường dùng là Chỉ thực giới bạch quế chi thang, Thiên kim tế tân tán, Qua lâu giới bạch bạch tửu thang, Tang tô quế linh thang (thích hợp với thể thuỷ khí phạm tâm)...
2.2 Bổ can pháp dùng trong can hư chứng. Trên lâm sàng hay gặp các thể: (1) Can âm huyết hư: Hay hoa mắt chóng mặt, bồi hồi lo lắng, gân cơ co quắp, khó co duỗi, tay chân co giật, móng tay chân lồi lõm kém tươi sáng, kinh nguyệt lượng ít hoặc kéo dài hoặc mất kinh, mạch huyền tế...; nếu vì âm hư dẫn đến can dương vượng thường gặp đau nửa đầu, dễ cáu gắt, phiền táo, triều nhiệt, tai ù, mắt hoa, mạch huyền tế mà sác... (2) Kinh can hư hàn: Bụng dưới thường lạnh và chướng đau, tinh hoàn co lại và đau rút, sán thống, mạch huyền trì...
Bổ can âm, dưỡng can huyết thường dùng các vị thuốc như bạch thược, đương quy, địa hoàng, hà thủ ô, a giao; âm hư dương vượng dùng thêm sinh mẫu lệ, chân trâu mẫu, sinh thạch quyết... để tiềm nạp can dương. Các bài thuốc thường dùng là Kỉ cúc địa hoàng hoàn, Quy thược địa hoàng hoàn, Tam giáp phục mạch thang, Đại định phong châu, Chân trâu mẫu hoàn... Ôn can trừ hàn thường dùng các vị như ngô thù du, tiểu hồi hương, trầm hương, nhục quế, hồ lô ba, lệ chi hạch... Các bài thuốc thường dùng là Noãn can tiễn, Ngô thù du thang, Gia vị quất hạch hoàn... Vì can thận có quan hệ “đồng nguyên” cho nên khi bổ can thường kết hợp với bổ thận.
2.3 Bổ tì pháp, dùng trong tì hư chứng. Tì là gốc của hậu thiên, chủ vận hoá thuỷ cốc tinh vi, sinh hoá khí huyết, thăng phát thanh dương để vinh dưỡng toàn thân. Tì hư chứng phân thành bốn thể: (1) Tì khí hư: Hay rối loạn tiêu hoá, chán ăn, bụng chướng, đại tiện lỏng, tứ chi mệt mỏi, mặt sắc nhợt mà kém tươi, rêu lưỡi trắng, mạch nhược... (2) Tì dương hư: Ngoài những biểu hiện của tì khí hư còn có thêm các triệu chứng như bụng đau thích ấm, đại tiện lỏng nước, tứ chi lạnh, mạch trì... (3) Tì âm hư: Tì và vị tương quan biểu lí, cho nên tì âm hư thường gặp đi kèm với vị âm hư. Thường phát sinh sau khi mắc các bệnh lí cấp tính như sốt cao, nôn nhiều, đi ngoài nhiều. Biểu hiện chủ yếu là khát nhiều nhanh đói, sôi bụng, miệng khô lưỡi táo, đại tiện khô sáp, lưỡi đỏ gầy, rêu lưỡi khô bong, mạch tế... (4) Trung khí hạ hãm: tì là nguồn của sinh hóa hậu thiên, tì khí còn gọi là trung khí. Tì hư trung khí hạ hãm thường thấy bụng trệ, thoát giang, sa phủ tạng, đi lỏng lâu ngày khó chữa, băng huyết không cầm...
Bổ tì khí thường dùng các vị thuốc như đảng sâm, nhân sâm, thái tử sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, sơn dược, khiếm thực... Các bài thuốc thường dùng là Kiện tì ích khí thang (gốc là Tứ quân tử thang), Ngũ vị dị công tán, Sâm linh bạch truật tán... Ôn bổ Tì dương thường dùng các vị thuốc như can khương, ngô thù, cao lương khương, phụ tử... các bài thuốc thường dùng là Phụ tử lí trung thang, Lương phụ hoàn, Quế phác thang... Trị liệu tì âm hư thường bắt đầu từ dưỡng vị âm, các vị thuốc thường dùng như mạch môn, ngọc trúc, thạch hộc, thiên hoa phấn, sữa tươi, đường phèn... Các bài thuốc hay dùng là Ích vị thang, Ngũ chấp ẩm, Ngọc tuyền hoàn, Nhu tì thang... Trị trung khí hạ hãm, dựa trên cơ sở bổ tì khí phối hợp dùng các thuốc thăng dương ích khí như chích hoàng kì, thăng ma, cát căn, sài hồ. Bài thuốc thường dùng là Bổ trung ích khí thang, Thăng dương bổ khí thang, Cử nguyên tiễn...
2.4 Bổ phế pháp, dùng trong phế hư chứng. Phế hư chứng gồm hai thể: (1) Phế khí hư: Biểu hiện chủ yếu là khí đoản, khó thở, nói nhỏ, ngại nói, hoặc ho lâu ngày đờm trắng loãng, mạch hư nhược... (2) Phế âm hư: Biểu hiện chủ yếu là miệng họng khô táo, ho khan không đờm, hoặc đờm có ít dây máu, khàn giọng, bì mao khô rụng, sốt nhẹ về chiều, mạch tế sác...
Bổ phế khí thường dùng các thuốc như hoàng kì, nhân sâm, đảng sâm, ngũ vị tử, tắc kè... Các bài thuốc hay dùng là Nhân sâm cáp giới tán, Bổ phế thang, Ngũ vị tử thang... Bổ phế âm thường dùng các vị thuốc có tính cam lương sinh tân, nhuận táo nhu dưỡng như mạch môn, thiên môn, sa sâm, bách hợp, thạch hộc, thiên hoa phấn, ngẫu chấp, lê chấp, a giao... Các bài thuốc thường dùng là Bách hợp cố kim thang, Thanh táo cứu phế thang, Sa sâm mạch đông thang, Dưỡng âm thanh phế cao, Thu lê cao...
2.5 Bổ thận pháp, dùng trong thận hư chứng. Chứng thận hư phân thành ba thể: (1) Thận âm hư: biểu hiện chủ yếu là mộng tinh đạo hãn, phấn khích tính dục, tiểu tiện sẻn đỏ, đau lưng mỏi gối, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô họng khát, khát nhiều về đêm, mạch huyền tế sác...; nếu thận âm hư mà hư hoả bốc lên, có thể có thêm hầu họng khô táo hoặc đau, đau răng, hoặc ho khan đờm ít... (2) Thận dương suy: Biểu hiện chủ yếu là dương nuy hoạt tinh, tình dục giảm sút, ngại hoạt động, ngại nói, mắt không muốn nhìn, tinh hoàn lạnh, tiểu trong nhiều lần, hoặc nhị tiện bất cấm, lưng mỏi sợ lạnh, ngũ canh tả, mạch xích hoãn nhược... (3) Âm dương lưỡng hư: lâm sàng thường gọi là thận hư. Biểu hiện chủ yếu lưng đau gối mỏi, di tinh, dương nuy, tảo tiết, cơ quan sinh dục phát triển không đầy đủ, tinh hoàn chướng đau, răng mọc sớm hoặc rụng sớm hoặc lưng gù, mạch xích tế nhược...