Bình đẳng giới thực hiện ngay trong mỗi gia đình
Đời sống 19/02/2022 15:56
Hiện rất nhiều ông chồng tự cho mình là có quyền lực nhất trong gia đình, dòng họ, đi làm về là nằm đọc báo hoặc xem tivi, không hài lòng việc gì trong nhà sẽ chê bai, nói nặng nhẹ với vợ con. Trong khi đó vẫn còn nhiều người vợ ngoài công việc cơ quan, khi về nhà phải lo toan mọi việc, từ nội trợ tới chăm sóc, dạy dỗ con cái. Thậm chí có người còn bị chồng hoặc người gia đình chồng chửi mắng, hành hạ. Nhất là những gia đình còn tư tưởng trọng nam kinh nữ. Nếu sinh một bề con gái thì người vợ sẽ chịu sự soi mói, chì chiết… Những gia đình này thường hay xảy ra xung đột, bất hòa dẫn tới li hôn, để lại những dư chấn tâm lí không tốt cho con cái.
Hiến pháp, pháp luật của nhà nước ta quy định rõ về bình đẳng giới; Nhà nước, các tổ chức, xã hội và gia đình phải tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội, nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Điều này càng được cụ thể hơn tại Luật Bình đẳng giới ra năm 2006, trong đó Điều 7 quy định: Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển; Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; Tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình. Ngoài ra, còn nhiều luật, nghị định khác mà trong đó vấn đề “nam nữ bình quyền” được nhắc tới.
Thực tế qua người thân quen, bạn bè tôi thấy số gia đình thực hiện tốt bình đẳng giới. Bố mẹ coi nam, nữ như nhau, không phân biệt đối xử, khi già yếu đều di chúc, chia đều tài sản cho con trai, con gái. Không ít các gia đình chỉ sinh có một con gái nhưng rất hòa thuận, đoàn kết, hạnh phúc. Để có được điều này cũng có nhiều nguyên nhân. Theo tôi, việc bình đẳng giới chỉ có thể bắt đầu khi vợ chồng, con cái biết san sẻ việc nhà. Xin kể chuyện nhà anh Lê Văn Thắng mà tôi biết làm ví dụ.
Gia đình anh Thắng, có hai con gái, cả hai cháu đều ngoan, học giỏi. Con gái đầu, cháu Lê Thị Thu Trang, 12 năm học phổ thông đều là học sinh giỏi; từng đạt nhiều giải thưởng trong các kì thi tiếng Anh. Do giỏi tiếng Anh, năm học lớp 12, cháu được một trung tâm Anh ngữ mời làm giáo viên dạy một số tiết trong tuần ngoài giờ học. Cháu hiện là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học danh tiếng, tích cực tham gia công tác Đoàn trong trường. Mới đây, cháu được giới thiệu để xem xét kết nạp Đảng. Còn con gái thứ hai đang học lớp 5, cũng nhiều năm liền là một học sinh giỏi.
Có dịp trò chuyện với anh Thắng, tôi hỏi: “Bí quyết nào làm cho gia đình anh hạnh phúc, các cụ ở quê không bắt phải có cháu trai nối dõi hay sao?”. Anh Thắng cho hay, trong gia đình anh, vợ chồng đều bình đẳng, không có cảnh “chồng chúa, vợ tôi” và không có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cố sinh con trai. Anh Thắng thu nhập hàng tháng khá cao nhưng luôn tiết kiệm và chăm lo cho gia đình, không ỷ thế thu nhập cao hơn để “lên mặt” với vợ. Nếu đi làm về sớm, anh phụ vợ vào bếp nấu cơm, làm việc nhà, chăm sóc các con. Anh luôn tâm niệm: Trong gia đình vợ chồng, con cái phải tạo ra được một bầu không khí dân chủ. Mọi việc lớn bé, vợ chồng con cái đều chia sẻ, đưa ra thảo luận rồi phân trách nhiệm, cùng thực hiện. Bên cạnh lo toan công việc xã hội, vợ chồng cố gắng sắp xếp thời gian, dù ít hay nhiều san sẻ việc nhà, chăm sóc con cái thì gia đình luôn hạnh phúc bền vững.
Tôi đồng quan điểm với anh Thắng, và tin rằng nhiều người cũng vậy. Để thực hiện công tác bình đẳng giới, ngoài thực hiện nghiêm những quy định trong Hiến pháp, pháp luật, vợ chồng phải biết san sẻ việc nhà, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, chắc chắn sẽ không có những cảnh gia đình phải “chia đàn xẻ nghé” vì bất bình đẳng.