Bí quyết sống thọ dành cho người cao tuổi
Sức khỏe 02/09/2022 10:00
Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe tới danh cụ bà Nguyễn Thị Trù, sinh năm 1893, ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, người sống qua 3 thế kỉ, thọ tới 123 tuổi từng giữ kỉ lục Người cao tuổi nhất Việt Nam và cụ bà cao tuổi nhất thế giới của Hiệp hội Kỉ lục thế giới.
Bữa ăn của cụ Trù luôn là những thực phẩm do chính sức lao động của những người trong gia đình làm ra, như gạo từ lúa ở ruộng nhà, rau quả trong vườn, cá dưới sông... Nhờ vậy, cụ ít khi bệnh, mà ngược lại sức khỏe còn được rèn luyện, bồi đắp.
Điều quan trọng khiến cụ sống lâu là nhờ tính tình thuần hậu, rộng lượng, không ghen ghét, đố kị ai bao giờ. Điều này giúp cụ thanh thản, không nặng nề toan tính với cuộc đời. Cụ cũng không màng đến những thứ xa hoa. Vật chất đối với cụ chỉ là vật ngoài thân. Đặc biệt, lòng cụ luôn nhẹ nhàng, tâm cụ thảnh thơi, thanh thản. Mặc dù không biết chữ nhưng cụ còn thường hay hát, đọc thơ cho cháu chắt nghe và đi lễ chùa.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang chăm sóc sức khoẻ, khám tặng thuốc định kỳ cho cụ những năm cuối đời |
Ăn uống thực phẩm sạch từ vườn nhà cũng là một trong những bí quyết giúp cụ Trù trường thọ... Mỗi ngày cụ ăn 2-3 trái chuối chín và món ăn yêu thích của cụ là cá trạch chấu kho hoặc om với chuối xanh...
Để sống thọ không còn là việc khó
Xây dựng khẩu phần ăn khoa học
Khẩu phần ăn khoa học là đầy đủ và cân bằng hàm lượng các chất dinh dưỡng. Mỗi dưỡng chất đều có những tác dụng tốt với cơ thể, tuy nhiên, việc dung nạp dư thừa cũng sẽ gây những tác dụng không tốt.
Carbohydrate: Còn gọi là chất đường bột. Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, chiếm khoảng 50%. Tùy vào nhu cầu calo của mỗi người mà khối lượng cung cấp sẽ khác nhau từ 200 - 250g/ngày. Những thực phẩm có chứa carbohydrate bao gồm: Bột mì, gạo, yến mạch, kê, ngô, các loại khoai, sắn...
Protein: Còn gọi là chất đạm. Đây là thành phần dinh dưỡng quan trọng, là yếu tố tạo hình, tham gia vào thành phần của cơ thể: Cơ bắp, máu, hormone, enzyme, kháng thể... Protein cung cấp khoảng 30% năng lượng của khẩu phần ăn, tức mỗi ngày cần khoảng 100 - 150g. Thịt nạc, cá nạc, tôm, cua, trứng, sữa, đậu hạt, nấm... là những thực phẩm chứa nhiều protein.
Lipid: Còn gọi là chất béo. Lipid vừa là thành phần cấu trúc tế bào vừa tham gia một số chức năng chuyển hóa quan trọng như: Nhũ tương hóa, tổng hợp hormone, liên kết độc tố vi sinh vật. Lipid cung cấp nhiều calo, vì vậy, tỉ lệ lipid trong khẩu phần ăn chiếm khoảng 20%.
Vi chất: Các vi chất dinh dưỡng tham gia cấu trúc và các hoạt động hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào; xây dựng nên hệ thống miễn dịch; vào nhiều cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, duy trì sự cân bằng nội môi; giúp phục hồi các tế bào, các mô tổn thương, là thành phần chủ yếu tạo ra các hormone, các dịch tiêu hóa... Bao gồm các acid béo, vitamin và chất khoáng. Để bổ sung đầy đủ các vi chất cho cơ thể, cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, nhất là rau, củ, quả tươi.
Đối với người bình thường, cung cấp tỉ lệ các chất như trên là hợp lí. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh như: Tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, gout, suy thận, suy gan, tăng huyết áp, ung thư... cần được sự tư vấn kĩ hơn khi xây dựng chế độ ăn sao cho không làm nặng thêm tình trạng bệnh mà còn hỗ trợ điều trị bệnh.
Lựa chọn thực phẩm hữu cơ
Để có sức khỏe tốt, ngoài việc xây dựng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng cần phải lựa chọn thực phẩm sạch, tốt nhất là thực phẩm hữu cơ. Đó là những loại thực phẩm được sản xuất bằng phương thức và tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ, hạn chế sử dụng một số loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón tổng hợp. Thực phẩm hữu cơ cũng không được phép xử lí bằng chiếu xạ, dung môi công nghiệp hoặc các chất phụ gia thực phẩm tổng hợp.
Ăn tươi - ăn thô - ăn nhạt
Ăn tươi: Mỗi ngày nên ăn khoảng 300 - 500g trái cây và rau tươi. Chọn lựa đa dạng các loại rau củ quả, đa màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng, cam...). Tốt nhất, nên ăn sống hoặc chế biến sơ vừa chín tới để giữ được hương vị thơm ngon và dưỡng chất tối đa.
Ăn thô: Gạo lứt, ngô hạt, yến mạch, kê, diêm mạch... vẫn còn nguyên vỏ cám và mầm, do đó chứa nhiều chất xơ, các acid amin, acid béo có lợi cho sức khỏe. Trong các trường phái thực dưỡng, ngũ cốc thô là thực phẩm chính, nên ăn hằng ngày, nhiều người mắc bệnh mạn tính, ung thư đã áp dụng và có những kết quả tốt. Việc ăn các loại rau củ quả tươi dưới dạng nguyên bản (không xay sinh tố hay ép nước) cũng là ăn thô. Chất xơ tuy không tiêu hóa được nhưng lại là trợ thủ đắc lực của hệ tiêu hóa, giúp làm sạch đường ruột, chống táo bón, ngăn ngừa bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng.
Ăn nhạt: Là không nên sử dụng quá nhiều các loại gia vị tạo độ ngọt, mặn khi chế biến. Nhất là việc sử dụng đường trắng và muối cần hạn chế.
Khi tìm hiểu về thói quen ăn uống của những người có tuổi thọ cao trên thế giới, đều thấy rằng, họ thường ăn uống thanh đạm, theo quy luật tự nhiên. Những phương pháp ăn như trên là gần với tự nhiên, đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh có tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp phòng tránh bệnh tật và sống thọ.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang tìm hiểu bí quyết trường thọ của Tây Tạng mật truyền tại Thanh Hải - Tây Tạng |
Uống nước đúng cách
Uống nước là cần thiết, nhưng cần đúng cách để có được sức khỏe tốt. Dưới đây là phương pháp uống nước đúng:
- Uống ngụm nhỏ.
- Uống nước tư thế ngồi: Lượng nước uống vào sẽ được đưa đi khắp cơ thể.
- Lượng nước cần uống trong ngày: Khoảng 2 lít, tùy vào trọng lượng, mức độ hoạt động mà nhu cầu khác nhau.
- Thời điểm uống nước: 1 li nước trước bữa ăn (tốt cho tiêu hóa), 1 li nước trước khi tắm (điều hòa huyết áp), 1 li nước trước khi đi ngủ (chống cô đặc máu, ngăn ngừa đột qụy). Ngoài ra, khi khát là lúc cơ thể đang cần nước, tất nhiên phải uống nước vào lúc đố.
- Uống nước nguội hoặc ấm.
- Uống nước hydrogen - ion kiềm (là loại nước có phân tử siêu nhỏ): Nước ion kiềm có pH 9,5 ± 0,5 có tác dụng kiềm hóa cơ thể, có khả năng chống oxy hóa cao giúp loại bỏ gốc tự do có hại, giúp tăng oxy tế bào từ đó giúp giải độc cơ thể, phòng chống bệnh tật trong đó có ung thư. Người bình thường nên sử dụng nước ion kiềm khoảng 30ml/kg cân nặng, những người mắc bệnh ung thư, rối loạn chuyển hóa mỗi ngày nên dùng 50 - 60ml/kg cân nặng mỗi ngày.
- “Ăn” nước: Khái niệm này để chỉ việc ăn những thực phẩm có chứa nhiều nước tự nhiên, chủ yếu là rau củ quả. Mỗi ngày ăn 300 - 500g rau củ quả tươi, thực hiện theo nguyên tắc “ăn sống, nhai kĩ, nuốt chậm” trước mỗi bữa ăn chính là cách bổ sung nước, chất xơ hòa tan, khoáng vi lượng, vitamin tự nhiên tốt nhất.
Dùng nước trị liệu giải độc cơ thể
Nước đã được sử dụng để làm sạch và chữa bệnh trong hàng ngàn năm. Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, việc tắm nước lạnh thường xuyên sẽ ít thấy lạnh hơn.
Thủy trị liệu với vòi tắm hoa sen
- Tắm vòi hoa sen với nước nóng giúp thư giãn, đây là cách tốt nhất để làm sạch làn da, nhưng không nên tắm quá 5 phút với nước nóng, luôn kết thúc với nước lạnh hoặc mát để cải thiện tuần hoàn ngoại vi. Sau khi tắm, cần massage để làm giãn lại các mạch máu, da sẽ ấm lên và chức năng giải độc của da được tăng cường.
- Tắm nước ấm bằng vòi hoa sen trước khi đi ngủ sẽ giúp thư giãn và ngủ ngon.
- Thay đổi nhiệt độ nước của vòi hoa sen giúp thư giãn và kích thích tuần hoàn.
Ngoài ra, còn làm sạch mồ hôi trên da rất hiệu quả. Bắt đầu bằng nước ấm và tăng nhiệt cho đến khi cảm thấy nóng vừa phải. Sau đó, chuyển nhanh sang nước lạnh khoảng 15 giây trước khi trở lại nước nóng.
Thủy trị liệu với muối
Tắm với muối Epsom (Mg3SO4) và muối biển làm tăng tiết mồ hôi, giúp tăng cường giải độc cơ thể.
Mỗi lần tắm cần từ 250 - 450g và 1 muỗng muối biển. Mở nước ấm vào bồn tắm, cho muối vào hòa tan. Ngâm trong bồn tắm khoảng 10 - 20 phút, xả thêm nước ấm vừa đủ. Sau khi ngâm, lau khô người, quấn khăn tắm lớn và đi ngủ. Vào buổi sáng nên tắm lại và sử dụng kem dưỡng ẩm cho da.
Dưỡng sinh cần thay đổi theo mùa
Sự biến đổi khí hậu bốn mùa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người. Quá trình trưởng thành, phát triển, thoái hóa của cơ thể con người đều có liên quan tới sự biến đổi của tự nhiên. Vì vậy, dưỡng sinh phải có sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên.
Con người tùy vào mỗi mùa mà sinh hoạt khác nhau nhưng vẫn phải bảo đảm các yếu tố tăng sức đề kháng, đủ dưỡng chất cho cơ thể. Đặc biệt, phải luôn giữ cho tinh thần vui vẻ, nuôi dưỡng thiện tâm và lòng từ bi để loại bỏ tam độc gây bệnh “tham, sân, si” - đó là nguồn gốc của mọi loại bệnh.
Các bài tập đơn giản không chỉ đáp ứng được mọi tiêu chí về tăng cường sức khỏe thể chất mà còn mang đến nhiều lợi ích tinh thần, giúp NCT giảm stress, mệt mỏi và những suy nghĩ tiêu cực. Điều này rất quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh tuổi già như Alzheimer, Parkinson,...
Khám sức khỏe định kì
Việc khám sức khỏe định kì là một hoạt động vô cùng cần thiết khi chăm sóc NCT nhằm mục tiêu phát hiện sớm các bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời giúp hạn chế hoặc điều trị dứt điểm ngay từ khi bệnh còn mới. Phát hiện bệnh càng sớm chừng nào thì hiệu quả điều trị càng tốt chừng đó.
Lưu ý khi dùng thuốc
NCT có nhiều bệnh lí nên việc sử dụng phải bảo đảm đúng và đủ theo khuyến cáo của bác sĩ, tránh lạm dụng, nhất là thuốc bổ. Nếu phải dùng thuốc, thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn các loại thuốc ít độc và hiệu quả cao. Liều dùng phải thích hợp với từng loại bệnh và luôn luôn xem xét, cân nhắc kĩ lưỡng giữa lợi và hại; tương tác giữa các loại thuốc; chức năng gan - thận. Không để tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác;
Khi dùng thuốc phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc. Với các loại thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ để tránh hiện tượng tích luỹ thuốc. Phương châm “Hãy để thức ăn là thuốc, đừng để thuốc là thức ăn”.
Nắm vững bí quyết trên là yếu tố cốt lõi giúp NCT có thể tránh được bệnh tật, sống khỏe mạnh, trường thọ.