Bảo vệ sâm quốc bảo
Xã hội 27/09/2024 16:57
“Kiếp nạn” của quốc bảo
Sâm Ngọc Linh được xem như là “Quốc bảo”, có tính đặc hữu, có giá trị về kinh tế của vùng núi Ngọc Linh ở Kon Tum và Quảng Nam. Đây cũng là loại cây thế mạnh riêng có đối với kinh tế vùng núi của đồng bào 2 tỉnh và là cây xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu của các hộ dân trên địa bàn. Vì giá trị dược liệu và kinh tế cao, nên kẻ gian vẫn luôn nhòm ngó, chờ sơ hở để nhổ trộm và làm giả. Đây cũng là điều mà người trồng sâm lo lắng, bất an.
Thời gian qua, tại Quảng Nam và Kon Tum vẫn xảy ra những vụ trộm sâm Ngọc Linh khiến người trồng lo lắng, bất an. Tại Kon Tum, địa bàn 2 huyện phát triển mạnh sâm Ngọc Linh là Đăk Glei và Tu Mơ Rông xảy ra nhiều vụ trộm sâm như trường hợp anh A Pim ở thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei bị kẻ gian đột nhập vào vườn trồng sâm ở Tiểu khu 93 (thuộc thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh) nhổ trộm sâm. Hay trường hợp 6 hộ dân của làng Đăk Van Linh (xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông) phát hiện kẻ gian nhổ trộm hơn 100 cây sâm từ 3-7 năm tuổi tại Tiểu khu 237.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) |
Vào tháng 2/2024 tại các xã Tê Xăng, Ngọk Lây, Đăk Sao, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) có 800 cây sâm từ 4 - 10 năm tuổi bị nhổ trộm. Tại xã Măng Ri vào tháng 6/2024 kẻ gian đã nhổ gần 100 cây sâm của người làng Long Láy. Đặc biệt, cuối tháng 8/2024 vừa qua, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum cũng bị mất trộm khoảng 160 gốc sâm Ngọc Linh có độ tuổi từ 3 - 7 năm. Đến tháng 9/2024, anh A Đốc trú thôn Long Hy, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cũng bị trộm nhổ 300 gốc sâm Ngọc Linh từ 3 - 7 năm tuổi.
Không chỉ việc trộm cắp sâm Ngọc Linh diễn ra ở nhiều địa phương khiến người dân lo lắng. Mà thời gian vừa qua tình trạng giả sâm Ngọc Linh cũng diễn ra ngay tại các địa phương trồng sâm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, thương hiệu cũng như niềm tin đối với sâm quốc bảo này. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp mang sâm chất lượng kém trộn lẫn với sâm Ngọc Linh nhằm trục lợi, hay có những doanh nghiệp lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh để bán các loại sâm chất lượng kém. Tháng 8/2023, Ban tổ chức chợ Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam phát hiện hơn 2kg nghi giả sâm Ngọc Linh chuẩn bị đưa vào chợ bán.
Sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ lực để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Không chỉ có tại chợ Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam, mà trên các chợ mạng, sàn thương mại điện tử có rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu sâm Ngọc Linh nhưng không được kiểm chứng. Có ít nhất là 5 loại sâm, với 5 mức giá khác nhau. Cao nhất là 98 triệu đồng/kg, “bao giấy tờ” kiểm định và thấp nhất là 5 triệu đồng/kg nhưng không có giấy tờ kiểm định. Người mua có nguy cơ bị xâm hại quyền lợi kinh tế, thậm chí nguy hại đến sức khỏe nếu là hàng giả. Nhưng nguy cơ mất lớn hơn đó là uy tín, thương hiệu của thủ phủ sâm Ngọc Linh bị ảnh hưởng.
Đã có rất nhiều vụ việc lực lượng Công an phát hiện, thu giữ số lượng lớn sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh được xác định là giả mạo. Tháng 3/2024 vừa qua, một fanpage có tên “Trung tâm Giống cây trồng Tỉnh Kontum” đăng bán cây giống sâm Ngọc Linh với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực tế. Một người dân trên địa bàn TP Kon Tum đã đặt mua 150 cây giống với giá 35.000 đồng/cây nhưng khi nhận được đều là sâm Ngọc Linh giả. Các lực lượng chức năng Công an tỉnh Kon Tum đã phối hợp bắt giữ được đối tượng lừa đảo tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Bảo vệ sâm quốc bảo
Nhằm ngăn chặn tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum, các địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ; tổ chức các tổ, đội, nhóm thường xuyên tuần tra kiểm soát quanh địa bàn để phát hiện kẻ lạ mặt. Ông Trần Ngọc Bằng, Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam chia sẻ, hiện nay trên địa bàn huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã quy hoạch vùng trồng sâm với diện tích trên 15.000ha; thực hiện bảo tồn khoảng 100ha, tương đương với khoảng 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm 1.650ha với 1.500 hộ dân tham gia trồng, hình thành 93 chốt trồng và bảo vệ sâm. Huyện cũng tập trung phát triển sâm Ngọc Linh ở 7 xã thuộc vùng quy hoạch, thu hút được 18 doanh nghiệp đăng kí trồng sâm và dược liệu dưới tán rừng. Thông qua hệ thống loa phát thanh, Công an huyện Nam Trà My thường xuyên tuyên truyền cho các hộ dân, công ty, doanh nghiệp về tình trạng trộm cắp sâm. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân và doanh nghiệp tăng cường thêm tổ, đội, nhóm canh gác, kiên cố hóa hàng rào lưới B40, hàn khung sắt, lắp đặt thêm hệ thống cảnh báo để bảo vệ sâm. Kịp thời theo dõi, giám sát các đối tượng lạ có biểu hiện bất minh về kinh tế, thời gian lưu trú để cung cấp cho cơ quan Công an điều tra, phá án.
Công an Kon Tum phát hiện, tạm giữ lô hàng củ và lá giống với Sâm Ngọc Linh. (ảnh CA Kon Tum) |
Tại huyện Tu Mơ Rông, những người trồng và bảo vệ sâm Ngọc Linh đều được chính quyền địa phương lựa chọn rất kĩ và khắt khe, 100% là người dân tộc thiểu số Ca Dong, Xê Đăng. Tại vùng trồng sâm, cứ khoảng 5ha lại có một vọng gác, các thành viên bảo vệ sẽ thay nhau túc trực suốt 24/24 giờ trong ngày. Người lạ vào tham quan phải được sự đồng ý của các công ty trồng sâm hay chính quyền địa phương, đồng thời có bảo vệ đi kèm vừa hướng dẫn cho khách, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho sâm Ngọc Linh.
Bên cạnh việc hạn chế nạn trộm cắp sâm, các địa phương cũng tăng cường nhiều biện pháp bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trước tình trạng làm giả, làm nhái loại sâm này. Chính quyền các địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt các hộ trồng sâm đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sâm giống và phải luôn “nói không” với những hành động tiếp tay cho các loại sâm không nguồn gốc xuất xứ trà trộn với sâm Ngọc Linh trên địa bàn.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, UBND huyện Tu Mơ Rông đã có nhiều văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng và các xã tăng cường triển khai các biện pháp quản lí, bảo vệ sâm Ngọc Linh. Huyện cũng yêu cầu Công an huyện tăng cường công tác quản lí địa bàn, rà soát, nắm những đối tượng khả nghi đưa vào diện theo dõi. Người dân nhận thức được việc bảo vệ nguồn gen sâm Ngọc Linh gốc không chỉ là việc của Nhà nước mà còn là của người trồng sâm, từ đó sẽ trở thành “tai mắt” cho lực lượng chức năng trong việc chủ động phát hiện, tố giác các đối tượng đưa sâm giả vào thủ phủ sâm.
Hiện nay, để tránh tình trạng sâm Ngọc Linh giả trà trộn, các địa phương đang áp dụng việc lập hồ sơ vườn sâm với từng doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã áp dụng giải pháp công nghệ định danh, gắn chip trên củ sâm Ngọc Linh. Ông Nguyễn Việt Xuân, đại diện của doanh nghiệp sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum chia sẻ, đơn vị này đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lí “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và những củ sâm này đã được gắn chip chứa đựng thông tin về sản phẩm bao gồm ADN, hàm lượng sâm được kiểm định, chỉ dẫn địa lí và nguồn gốc sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin sản phẩm qua ứng dụng trên điện thoại, tránh mua phải hàng giả hoặc hàng nhái.