Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa
Văn hóa - Thể thao 21/09/2022 10:37
Năm 2001, Quỳ Hợp được chọn xây dựng huyện điểm văn hóa của toàn quốc. Vai trò của văn hóa ngày càng được quan tâm một cách toàn diện và thấu đáo hơn. Văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, sáng tạo văn hóa từng bước hướng tới giá trị nhân văn vì con người. Điều này cũng thôi thúc nhiều NCT ở Quỳ Hợp say sưa nghiên cứu, sưu tầm, viết các công trình, tác phẩm văn học, tài liệu giảng dạy về các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương mình.
Lễ hội Xăng Khan là lễ hội có ý nghĩa với đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ |
Với tấm lòng yêu quê hương, yêu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Quỳ Hợp, các cụ Quán Vi Miên, Sầm Văn Bình, Lương Viết Thoại (dân tộc Thái); Lê Duy Khẩn, Trương Thanh Hải (dân tộc Thổ) bỏ nhiều công sức sưu tầm lại vốn cổ. Với khát vọng khôi phục nền văn hóa bản địa, các cụ đã cầm bút, trở thành nhà văn, nhà báo với nguyện vọng bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào mình, không nỡ để bản sắc văn hóa, cái hồn của dân tộc mình ngày càng mai một.
Qua nhiều năm sưu tầm nghiên cứu, nhà văn Quán Vi Miên (La Quán Miên) đã có các tác phẩm: “Truyện thơ và đồng bào Thái Nghệ An”; “Phong tục, tập quán của dân tộc thiểu số Nghệ An”; “Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số Nghệ An”...
Nhà văn hóa Thái Sầm Văn Bình có các tác phẩm: “Con chữ Lai Tay - những chặng đường tiếp cận”; Trọn bộ tài liệu dạy và học chữ Thái gồm sách giáo khoa, Ngữ pháp, Từ vựng và tài liệu tham khảo; Tài liệu “Tiếng nói - Chữ viết dân tộc Thái Lai Tay”, dùng cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các huyện miền núi tỉnh Nghệ An. “Từ điển Thái - Việt”… cùng nhiều tác phẩm, bài viết, tham luận nghiên cứu trên các lĩnh vực bảo tồn văn hóa bản địa. Với những công trình nghiên cứu của mình, năm 2015 cụ được vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2017, cụ được UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc đoạt giải đặc biệt với công trình "Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai Tay". Năm 2019 cụ được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2019.
Nghề dệt tổ cẩm của người Thái ở Con Cuông |
Nhà văn, nhà báo Lương Viết Thoại (Thái Tâm) có nhiều truyện ngắn, truyện dài và những sưu tầm nghiên cứu văn hóa Thái như: “Nghề mo trong đời sống tâm linh của người Thái ở miền Tây Nghệ An”; “Pí nhuôn - tiếng lòng của người Thái Tày Mường”... Cụ đã xuất bản tiểu thuyết "Tiếng thét Tổng Lôi" dày 1.194 trang, nói về cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của đồng bào Thái thuộc sách Vĩnh Lộc, tổng Thuần Hàm, nay là xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp. “Tiếng thét Tổng Lôi” không chỉ có giá trị lịch sử mà còn giới thiệu đậm nét bản sắc, tập tục ăn ở của đồng bào Thái xa xưa.
Trong những NCT luôn trăn trở kiếm tìm, gom nhặt ghi chép lại những nét đẹp mang đậm đà bản sắc văn hóa của quê hương mình, còn có cụ Lang Viết Quý, nguyên Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Nghệ An và thầy giáo Sầm Phong, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở xã Châu Quang...
Những đóng góp thiết thực và quý báu nói trên của các cụ đã chứng tỏ, NCT huyện Quỳ Hợp có cách nhìn và việc làm đúng đắn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Phải tiếp tục xây dựng giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển và soi đường cho quốc dân đi"n