Thăm “bảo tàng tre trúc” Việt Nam
Văn hóa - Thể thao 25/05/2023 10:02
Trưa, nắng tháng Tư như đổ lửa trên con đường nhựa lên núi Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) còn nồng nàn mùi nhựa mới, chúng tôi hăm hở đến tham quan “Sơn Trà tịnh viên” với vườn tre râm mát của nhà sư Thích Thế Tường, tọa lạc tại khu vực suối Đá ven triền núi Sơn Trà. Giữa lô nhô những đá và tre, một căn nhà nhỏ làm nơi thờ Phật gần bên một hồ nước trong xanh dập dềnh những hoa sen, hoa súng nở trên những đám mây trắng trôi nổi bồng bềnh trên mặt nước hồ xanh.
Trao đổi với chúng tôi, vị sư cho hay, cách đây gần 20 năm, nhà sư được một phật tử cúng dường khoảng 1ha đất ở Suối Đá trên bán đảo Sơn Trà. Giữa núi rừng hoang vu, lau sậy um tùm, nhà sư đã dựng một cái am nhỏ làm nơi tu hành. Ngày qua ngày nhà sư lao động cật lực để đào đất, bạt đá, làm đường kiến tạo mặt bằng cũng như bỏ công đi khắp nơi sưu tầm để hình thành vườn tre trúc như hôm nay với ước nguyện là giữ lấy hình ảnh của một loài tre đã trở thành biểu tượng, gắn liền với đời sống, tâm hồn của người Việt từ hàng ngàn năm nay.
Không gian xanh ở bảo tàng tre trúc bên núi Sơn Trà. |
Để có được kết quả nói trên, thầm lặng ngày qua ngày, ngoài việc nhà sư cật lực với công việc lao động chân tay nặng nhọc biến khoảnh rừng đầy lau sậy và dây leo phủ kín trước đây thành cảnh quan thơ mộng, nhà sư còn tự mình lặn lội đi nhiều nơi để mang giống về trồng, biến nơi đây trở thành bảo tàng tre trúc Việt Nam.
Ròng rã gần 20 năm qua, cứ nghe ở đâu có tre trúc khác lạ là nhà sư lặn lội đến tìm hiểu, xin giống về trồng. Không ít người cảm kích với niềm đam mê tre trúc có một không hai của nhà sư nên hiến tặng nhiều giống tre quý. Hiện tại, trong khu vườn đã có hàng chục giống tre trúc quý được nhà sư sưu tầm mang về từ khắp nơi như lồ ô, luồng, hóp, tre nghệ, mai xanh, giang sơn trà...
Nhà sư đưa tôi đi tham quan khắp khu vườn rộng 1 ha. Mỗi loại tre, trúc, đều được nhà sư ghi chú lí lịch riêng, có thẻ bài mang tên Việt và tên khoa học hẳn hoi. Những năm qua, nhà sư sưu tầm và trồng được 108 loài như bương, diễn, mai, vầu, giang sơn trà, trúc đen, trúc quân tử, lồ ô, nứa, lành anh, cơm lam, luồng, le mật, tre tàu, tre mò o… Đặc biệt là 3 loài tre quý gồm trúc đen ở Hà Giang, Lào Cai, Đà Lạt; trúc vông ở Đèo Gió, Bắc Kạn và tre bông ở Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang.
Ngoài tre được trồng theo từng loại, thì cảnh quan ở đây cũng được thiết kế khá đẹp mắt với hồ nước xanh. Bên những lối đi nhỏ có trồng những loài hoa dân dã như vạn thọ, hoa chuối, hoa nhài... điểm xuyết thêm cho không gian “tre trúc” thêm phần sinh động. Con “tiểu khê” chảy róc rách từ suối đá về tưới tắm cho khu vườn thêm phần xanh tốt.
“Sơn Trà tịnh viên” đang được xem là điểm đến du lịch hấp dẫn miễn phí ở bán đảo Sơn Trà với không gian tĩnh lặng, cảnh sắc được bài trí hài hòa đẹp mắt hòa quyện với tiếng tụng kinh, chuông mõ càng làm cho khung cảnh thêm thanh tịnh.
Mỗi ngày nơi đây đón gần trăm lượt khách gồm đủ thành phần từ phật tử vãn cảnh, đến các cô cậu học sinh, sinh viên rủ nhau đến ôn bài, đọc sách, thư giãn, nghe tụng kinh để lòng thanh thản. Còn với các văn nghệ sĩ, “Sơn Trà tịnh viên” là nơi lí tưởng để đàm đạo hay để thỏa sức tìm kiếm ý tưởng cho các sáng tác nghệ thuật của mình.
Đặc biệt, những ngày cuối tuần, nhiều đoàn du khách từ khắp nơi cũng đã tìm về để được tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập tre quý giá nhất miền Trung, không ít du khách nước ngoài tỏ ra rất thích thú với “khu bảo tồn” này vì có cơ hội hiểu thêm về kiến thức, văn hóa Việt Nam.
Vào trưa, nhà sư vui vẻ, ân cần mời chúng tôi ở lại dùng cơm chay đạm bạc với “cây nhà lá vườn” như các món mít non luộc chấm tương, rau muống luộc chấm xì dầu mà sư gọi đùa là thứ rau “thập bát la hán” giữa bốn bề chập chùng núi đá.
Hi vọng trong tương lai không xa, nơi đây trở thành “bảo tàng tre trúc Việt Nam” có đầy đủ khoảng 300 loại tre trúc có mặt ở nước ta vừa góp phần bảo vệ, nghiên cứu các loài tre trúc Việt Nam vừa tạo thêm sản phẩm du lịch ở thành phố biển, nhất là khi tour du lịch sinh thái Sơn Trà được đưa vào khai thác.