Bao giờ công trình xây dựng trái pháp luật trên đất nông nghiệp bị xử lý?
Đơn thư bạn đọc 04/07/2022 08:08
Công trình xây dựng trái pháp luật |
Sai phạm lớn xã xử phạt nhỏ?
Sau nhiều năm biến động về mục đích sử dụng đất, từ năm 2008 đến năm 2012, gia đình ông Bùi Văn Xu xin được nhận thầu, chuyển đổi Khu vực Bãi Mạc, xã Thượng Quận sang mô hình nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây, tới năm 2017, chính quyền xã tiếp tục gia hạn và ký tiếp hợp đồng cho ông Bùi Văn Xu với mô hình như trên. Năm 2015 ông Bùi Văn Dụ (là con trai ông Xu) cải tạo nhà trông coi cũ thành nhà lợp mái ngói đỏ với diện tích 10,5 x 10,5m2. Tới năm 2021, ông Bùi Văn Dụ tiếp tục cải tạo và nâng cấp các công trình như hàng rào hoa sắt, rãnh thoát nước, nâng cấp khu mộ, xây mới cổng ra vào, xây mới 2 nhà lợp ngói đỏ, nâng cấp các công trình chuồng trại, nhà vệ sinh và một số công trình khác liên quan. (trích Báo cáo số 20/BC – UBND xã Thượng Quận, ngày 23/5/2022).
Công trình xây dựng mà ông Chủ tịch UBND xã Thượng Quân cho là chòi canh cá thông thường? |
Khu Bãi Mạc có diện tích trên 54.000m2 (diện tích ghi trên hợp đồng thầu khoán), hiện trạng thực tế ông Bùi Văn Dụ tự ý xây dựng các hạng mục phủ kín toàn bộ phần diện tích trên, từ trồng cỏ, cây cảnh, nhà bê tông, nhà sàn, nhà chòi, hàng rào sát hoa, cầu bê tông cốt thép… Để hoàn thiện khối lượng xây dựng trên cần một thời gian rất dài để thi công xong. Thế nhưng không hiểu điều gì chi phối chính quyền nơi đây đã không quyết liệt ngăn chặn, để người chủ hoàn thiện cả trăm hạng mục mới đến tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính 3 triệu đồng (!?).
Các hạng mục xây dựng tự như khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với quy mô khá hoành tráng, nhưng ông Bùi văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Thượng Quận lại coi các hạng mục đó chỉ như nhà chòi trông cá thông thường.
Chính quyền đang đá bóng trách nhiệm?
Để rộng đường dư luận xung quanh những bức xúc của bạn đọc suốt thời gian qua, phóng viên cũng đã có buổi trao đổi thông tin với ông Bùi Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Thượng Quận, ông cho hay: “Đây là đất nuôi trồng thủy sản, việc xây dựng nhà trông coi, cải tạo ao hồ làm từ những năm trước, đặc biệt năm 2021, chủ hộ cải tạo chỉnh trang cho đẹp để môi trường sinh thái tốt hơn, hiện tại công trình này là của nguyên Bí thư huyện ủy Kinh Môn trước.” còn những hình ảnh về hàng loạt các căn phòng xây dựng theo mô hình Homestay án ngữ giữ hồ phóng viên trình ông thẩm định, ông khẳng định đây là chỉ là cái chòi coi cá thông thường.
Trao đổi thông tin nhanh xung quanh những bức xúc của dư luận và biện pháp xử lý công trình sai phạm với bà Nguyễn Thị Oanh, Chánh Văn phòng UBND thị xã Kinh Môn, bà cho hay, liên quan tới công trình sai phạm này thì UBND thị xã Kinh Môn đã báo cáo lên UBND tỉnh, được biết hiện tại tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu xử lý.
Công trình có dấu hiệu xây dựng vào hành lang thoát lũ của sông Kinh Môn |
Vi phạm đã rõ, chế tài đã đủ vậy mà chính quyền tỉnh Hải Dương lại đang lúng túng, có dấu hiệu đá bóng trách nhiệm xử lý cho nhau: xã báo cáo lên thị xã, thị xã báo cáo lên tỉnh, tỉnh lại đẩy cho Sở Nông nghiệp, quả bóng được đá đi lại, cho đến bao giờ các cơ liên quan mới vào cuộc kết luận sai phạm, qui trách nhiệm cá nhân để xảy ra vụ việc dư luận đang rất quan tâm nêu trên.
Có thể thấy, tùy vào đặc điểm tình hình, mỗi địa phương cũng đã đưa ra những cách làm riêng để hạn chế vi phạm về trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, nhưng trước hết, chính quyền địa phương các cấp cần nâng cao hơn nữa vai trò trong quản lý, kiểm tra, giám sát. Trong đó, phải xác định công tác quản lý đất nông nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, để từ đó tập trung chỉ đạo, có biện pháp phù hợp với đặc điểm từng địa phương nhằm xử lý dứt điểm các vi phạm, quy trách nhiệm tới từng cá nhân, tập thể nếu để xảy ra sai phạm.
Những năm qua, mặc dù công tác quản lý đất nông nghiệp tại các địa phương trong cả nước được tăng cường nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến, trong đó chủ yếu là các vi phạm về trật tự xây dựng. Để giải quyết và ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi các cơ quan chức năng bên cạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm mới phát sinh cần thống kê và giải quyết những vi phạm tồn tại theo đúng quy định pháp luật.
Truy trách nhiệm người đứng đầu
Về nguyên tắc xử lý, công trình xây dựng vi phạm phải được phát hiện kịp thời, kết hợp với việc xử lý nghiêm minh, không bao che mới ngăn chặn kịp thời và không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác giám sát, phối hợp phản ánh thông tin lẫn nhau, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý tránh xảy ra chồng chéo.
Căn nhà sàn bằng gỗ quý được xây những 2015, cho tới nay vẫn không bị xử lý. Có đúng là cái chòi như ông Chủ tịch UBND xã nói?! |
Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan quản lý giữ vai trò quan trọng trong công tác điều hành và cũng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với vi phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước. Với việc hàng loạt cán bộ lãnh đạo cao cấp ở nhiều địa phương bị kỷ luật liên quan đến sai phạm về đất đai, xây dựng thời gian gần đây sẽ là bài học sâu sắc đối với những người làm công tác quản lý Nhà nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng.
Nói về vi phạm của các công trình trên, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, phải có sự “hậu thuẫn” của một số người đứng đầu cơ quan quản lý thì cá nhân, doanh nghiệp mới dám sai phạm. “Để xử lý tận gốc vấn đề này phải tìm ra những cá nhân liên quan đến sai phạm, kể cả từ nhiệm kỳ trước đưa ra xử lý, người kế nhiệm phải có trách nhiệm xử lý triệt để công việc tồn đọng, tìm ra những mắt xích còn yếu từ nhiệm kỳ trước để rút kinh nghiệm, khắc phục. Như vậy, tính tư duy nhiệm kỳ sẽ không còn, sai phạm về quy hoạch, xây dựng sẽ bị triệt tiêu.”
Tạp chí Ngày mới online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên