Bảo đảm an ninh thu nhập, phát triển việc làm cho người cao tuổi
Nhịp sống 16/04/2021 07:49
Quang cảnh Hội thảo |
Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác “Tăng cường năng lực thực thi Bộ luật Lao động năm 2019 và Kế hoạch thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2020-2030” do Tổ chức Hanns Seidel Fuondtion tài trợ. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ ngành, các đối tác phát triển, chuyên gia, trong nước và quốc tế. Đại diện Hội Người cao tuổi Việt Nam có ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Trung ương Hội tham dự Hội thảo.
Các đại biểu nghe Viện Khoa học Lao động và Xã hội giới thiệu phạm vi, căn cứ xây dựng Đề án, nội dung Đề án và tham luận bày tỏ quan điểm, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả Đề án.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc |
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước cũng già hóa khác, đã và đang tạo ra nguy cơ rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già" nếu không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng và có các biện pháp thích ứng hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số. Đề án “Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số” nhằm xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5 tới. Đề án cũng nhằm mục tiêu phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, tăng đáng kể lực lượng lao động có kĩ năng, tăng cường việc làm đầy đủ và thỏa đáng cho người lao động, đảm bảo an ninh thu nhập và phát triển việc làm cho người cao tuổi…
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê và Quỹ phát triển Dân số của Liên Hợp Quốc, thời kì cơ cấu dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 33 năm và kết thúc vào năm 2039. Trong thị trường lao động, tỉ lệ dân số có việc làm ở nước ta luôn ở mức cao và tỉ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp, kể cả trong thời kì chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.
Ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày nội dung Đề án |
Ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách, biện pháp và đạt nhiều thành tựu về kinh tế, dân số và xã hội. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực còn hạn chế, trình độ, kĩ năng của người lao động còn thấp, kết quả sử dụng lao động chưa hiệu quả, hệ thống chăm sóc xã hội còn yếu kém… Để có thể phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số, cần đề ra nhiều giải pháp như: Hoàn thiện luật pháp nhằm tận dụng cơ hội; nâng cao trình độ, kĩ năng nghề nghiệp cho lực lượng lao động; đảm bảo an ninh thu nhập và phát triển việc làm cho người cao tuổi…
Phấn đấu đến năm 2030, tăng đáng kể lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo để chuyển đổi việc làm; tăng cường duy trì việc làm, phát triển việc làm bền vững, giảm thiểu thất nghiệp và giảm tình trạng thanh niên không có việc làm, không đi học và không tham gia hợp đồng kinh tế; đảm bảo an ninh thu nhập và phát triển việc làm cho người cao tuổi; tăng cường chăm sóc xã hội, chăm sóc dài hạn và môi trường sống thân thiện cho người cao tuổi.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, cựu Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội góp ý kiến vào Đề án |
Cựu Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, ông Nguyễn Hữu Dũng góp ý: Đề án cần xác định rõ đối tượng, trong đó không chỉ quan tâm phát huy vai trò người cao tuổi, bảo hiểm xã hội đối với người cao tuổi mà cần phát triển và sử dụng tốt nguồn nhân lực trẻ, tạo việc làm bền vững cho người lao động.