Đời sống, văn hóa phát triển nhờ làm du lịch
Nhịp sống 29/10/2024 09:48
Quảng Ninh hiện có 16,2 vạn người DTTS, chiếm 12,31% dân số trong tỉnh. Quảng Ninh đang triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, trong đó tập trung khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng đào tạo cán bộ văn hóa, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng DTTS để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc, gắn với phát triển du lịch.
Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh có hơn 96% là người DTTS, đã xây dựng các mô hình: Bản văn hóa người Tày ở thôn Đồng Thanh (xã Hoành Mô), bản văn hóa người Dao ở thôn Nà Nhái (xã Vô Ngại)… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tổ chức các lễ hội, tuần văn hóa du lịch như: Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng cọ, Lễ hội đình Lục Nà, hội Hoa Sở, Hội Mùa vàng… với rất nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, các trò chơi dân gian thú vị.
Bà con người Dao ở Tầm Làng, xã Quảng An phát triển du lịch từ sự giữ gìn tốt bản sắc dân tộc. |
Chị em Sán Chỉ ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu) rất thích đá bóng, cái độc đáo là chị em mặc nguyên váy áo của dân tộc mình ra sân đá bóng tạo sự mới lạ. Các trận bóng đá nữ Sán Chỉ được tổ chức thường xuyên, một phần để nâng cao hoạt động thể thao trên địa bàn, thu hút khách du lịch. Đã có nhiều đoàn khách du lịch đến từ Hà Nội, Lâm Đồng, Đắk Lắk… thậm chí cả du khách nước ngoài khi đến Húc Động cũng đã đặt vấn đề được xem đá bóng nữ Sán Chỉ.
Ở bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, hằng năm có tới 9 tháng sương mù. Trong những ngày sương mù lại là những ngày du khách thích thú, vì cảm tưởng như đang leo lên cõi hư vô, chìm trong sương mù bao phủ. Nhiều du khách tỏ hào hứng chụp ảnh trong sương rồi đẩy lên facebook khoe với bạn bè.
Ở thôn Tầm Làng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà mở các chương trình như “Về miền Sán Cố”, “Ẩm thực miền Sán Cố” để phát triển du lịch. Sán Cố là lối hát dao duyên từ bao đời nay của đồng bào Dao và ngày nay lại trở thành sản phẩm du lịch. Du khách đến đây không chỉ được trải nghiệm những cảnh sắc của 3 thác nước ở xã gồm: Thác Tình Yêu, thác Bạch Vân và thác Hàm Rồng, mà còn được thưởng thức nhiều món ăn từ rừng, như ếch khe, đậu phụ rừng, quả trám,...
Thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên có 100% là đồng bào Sán Chỉ, đã xây dựng khu homestay và thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng. Du khách đến đây được ở trong những ngôi nhà bằng gạch đất, mái ngói âm dương, sàn lót gỗ, vườn nhà xếp đá. Nhà có sân rộng là nơi giao lưu biểu diễn hát Soóng cọ, múa tắc xình và đánh quay. Du khách còn được trải nghiệm những món ăn đặc sản vùng miền, giao lưu văn hóa văn nghệ, tham gia nấu rượu, quạt thóc, ngâm chân, tắm lá thuốc.
Du lịch ở vùng đồng bào DTTS ở Quảng Ninh đã làm thay đổi đời sống của đồng bào, giúp bà con có nguồn thu nhập ngoài làm rừng, làm ruộng. Không những thế người dân còn hăng hái trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, thường xuyên mặc trang phục dân tộc, ý thức tốt hơn việc bảo vệ rừng tự nhiên, sông suối để phát triển du lịch. Hăng hái chăn nuôi trâu, gà thả đồi vì các sản phẩm này tiêu thụ tốt khi du khách đến làng bản, từ đó đời sống người dân không ngừng nâng cao.