Ăn uống và tâm tính con người
Sức khỏe 08/12/2020 10:28
Có thể khẳng định rằng, cùng với các yếu tố quan trọng khác như cấu trúc gen, di truyền, môi trường tự nhiên và xã hội, điều kiện sống và làm việc..., ăn uống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tính con người. Trước hết, là vì hình thể con người chính là cơ sở vật chất của hoạt động tinh thần, ý thức nói chung và tâm tính nói riêng, mà hình thể muốn được tạo nên, tồn tại và phát triển lại cần một khối lượng khổng lồ các chất dinh dưỡng được cung cấp thông qua con đường ăn uống. Từ xa xưa y học phương Đông đã quan niệm, con người sinh ra và lớn lên là nhờ vào tinh tiên thiên (bẩm thụ ban đầu từ cha mẹ) và tinh hậu thiên (có được từ dưỡng khí và đồ ăn thức uống). Y thư cổ viết: “Tinh thần cư hình thể” hay “Hình cụ nhi thần sinh”, ý muốn nói hình thể chính là chỗ dựa, là nơi trú ngụ của tinh thần, không có hình thể thì không có hoạt động tinh thần. Sách Nội kinh viết: “Nhân hữu ngũ tạng hoá ngũ khí, dĩ sinh hỉ nộ ưu tư bi khủng kinh” (con người có năm tạng hoá sinh năm thứ khí, từ đó mà sinh ra vui, giận, buồn, lo...). Sách Thọ thân dưỡng lão tân thử viết: “Thần là chủ của thân, tinh thì dưỡng khí, khí thì trợ tinh, thực phẩm là nguồn cung cấp khí vậy”, ý muốn nhấn mạnh ăn uống là cơ sở của tinh, khí và thần, cơ thể được nuôi dưỡng đầy đủ thì tinh khí thần mới sung mãn.
Thêm nữa là vì sự sinh trưởng và hoạt động của hệ thống thần kinh nói chung và não bộ nói riêng, cơ quan đảm nhiệm về hoạt động tinh thần, có quan hệ rất mật thiết với chế độ ăn uống. Ngay trong thời kỳ còn là bào thai, quá trình tăng trưởng và phát triển của não bộ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện dinh dưỡng. Số lượng tế bào não gần hoàn thành khi sinh, sau đó chủ yếu là sự hình thành các nối tiếp giữa các nơron. Thiếu dinh dưỡng bào thai có thể dẫn đến sự giảm bớt số lượng tế bào não, ảnh hưởng đến tính cách và trí thông minh về sau. Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy, chế độ ăn thiếu protein sẽ gây ra những biến đổi hình thái nhất định ở đại não khiến hoạt động thần kinh cao cấp cụ thể là phản xạ có điều kiện và các quá trình ức chế bên trong cũng bị giảm sút…
Trong những thập kỉ gần đây, vai trò của các vitamin và chất khoáng đối với sức khoẻ nói chung và hoạt động tinh thần của con người nói riêng đã được các nhà dinh dưỡng học đặc biệt lưu tâm nghiên cứu. Khi thiếu những chất này nhiều chức năng sống của cơ thể như miễn dịch, phát triển thể lực và trí tuệ… bị rối loạn và thậm chí gây nên những tình trạng bệnh lí đặc hiệu. Ví như, chế độ ăn thiếu vitamin B1 có thể gây nên tình trạng suy giảm tinh thần, nhầm lẫn, chậm chạp, vụng về, tính tình thay đổi, rối loạn phản xạ; thiếu vitamin B2 sẽ xuất hiện dấu hiệu bệnh lí như thay đổi cá tính, suy giảm tinh thần; thiếu vitamin PP có thể dẫn đến tình trạng dễ bị kích thích, đau đầu, mất ngủ, thay đổi tính nết, thậm chí nặng hơn sẽ mất trí nhớ, xuất hiện ảo giác và suy sụp tinh thần nặng nề; thiếu vitamin B12 dẫn đến tổng hợp myelin, vỏ trắng lipoprotein bao quanh sợi thần kinh, bị khiếm khuyết hoặc không đầy đủ làm xuất hiện các dấu hiệu như lảo đảo, phối hợp cơ bắp kém, tinh thần chậm chạp, ảo giác, thậm chí có thể gây ra chứng rối loạn tâm thần.
Các chất khoáng cũng giữ một vai trò cực kì quan trọng trong việc truyền các xung động thần kinh theo các dây thần kinh, vì các xung động thần kinh là những sóng ion kim loại chuyển động qua màng các tế bào thần kinh, qua đó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tâm tính con người. Chế độ ăn thiếu magiê sẽ gây nên tình trạng căng thẳng thần kinh, tâm tính dễ bị kích thích; thiếu kẽm cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của hệ thống thần kinh nói chung và não bộ nói riêng bởi lẽ vi chất dinh dưỡng này tham gia vào thành phần trên 300 enzym kim loại có vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng của cơ thể. Kẽm tập trung nhiều ở hệ thần kinh trung ương, chiếm khoảng 1,5% tổng lượng kẽm trong toàn bộ cơ thể, thiếu kẽm sẽ làm hoạt động thần kinh bị suy giảm, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục…
Theo quan niệm của y học cổ truyền, thể chất con người được phân chia làm năm loại: Dương thịnh, âm hư, ứ huyết, đàm thấp và khí uất. Mỗi loại có một tính cách riêng và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có ăn uống. Bởi vậy, để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ về cả tinh thần và thể xác, cổ nhân khuyên mỗi loại thể chất nên lựa chọn một chế độ ăn uống cho phù hợp. Ví như, với người có thể chất Dương thịnh tính tình vui vẻ, hiếu động, dễ hưng phấn thì nên trọng dụng các đồ ăn thức uống có tính chất bổ âm, thanh đạm, hạn chế các chất kích thích như hạt tiêu, ớt, gừng, quế, rượu trắng... và các thực phẩm như thịt chó, thịt dê, ngẩu pín...; với người có thể chất Khí uất tính tình nóng nảy, dễ cáu giận, dễ bị kích động hoặc rầu rĩ kém vui, hay cau có khó chịu, thở ngắn than dài thì nên trọng dụng các đồ ăn thức uống có tính chất sơ can lí khí như nghệ, cam quýt (ăn cả vỏ), phật thủ, rau hẹ, trà hoa cúc, trà nhân trần...; với người có thể chất Âm hư tính tình nôn nóng, dễ cáu giận, ngủ kém, hay mộng mị... nên ăn đồ thanh đạm có tác dụng dưỡng âm tiềm dương như vừng, gạo nếp, mật ong, sữa, cá, hạn chế các chất quá béo bổ, cay nóng thức ăn chiên rán, ớt, tỏi, hạt tiêu, hồi, quế...; với người có thể chất ứ huyết tính tình dễ căng thẳng, bức bối, ngủ kém, dễ có những hành động thiếu suy nghĩ... nên trọng dụng các đồ ăn thức uống có tác dụng hoạt huyết hoá ứ như đào nhân, đậu đen, các loại nấm, mộc nhĩ, trà linh chi, trà hoa tam thất, ăn nhiều dấm, mỗi ngày có thể uống một chút rượu; với người có thể chất Đàm thấp tính tình dễ bị ức chế, ít nói, tinh thần mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, thích ngủ... nên trọng dụng đồ ăn thức uống có tác dụng kiện tì, lợi thấp hoá đàm như rau cải trắng, củ cải, hành tây, sơn tra (táo mèo), bạch quả, đại táo, đậu cô ve, đậu đỏ, đậu xanh, củ mài, hạt sen..., hạn chế ăn đồ quá ngọt, quá béo, không uống rượu và không nên ăn quá no.