Tình trạng rụng tóc tuổi già và cách khắc phục

Sức khỏe 22/05/2023 10:04
Tuy nhiên, mặc dù lão suy là khúc nhạc dạo đầu của cái chết, là điều không thể tránh khỏi, nhưng thực ra lão suy sớm hay muộn lại là chuyện rất khác nhau. Y thư cổ Hoàng Đế nội kinh viết: “Có người năm mươi tuổi mà mọi hoạt động đều suy”, trong khi đó có người “sống đủ trăm mùa thu mà mọi hoạt động chẳng suy”. Điều đó cho thấy: Việc xem xét, nghiên cứu để khám phá sự bí ẩn của lão suy, tìm ra nguyên nhân cơ bản của nó và rồi trên cơ sở đó thực hành các biện pháp làm chậm quá trình lão hoá nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ là hết sức cần thiết.
Trong suốt lịch sử hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, y học cổ truyền phương Đông đã không ngơi nghỉ trong việc tìm hiểu và chinh phục quá trình lão suy. Mặc dù, rất nhiều vấn đề còn phải tiếp tục bàn cãi và khảo nghiệm, nhưng tất cả những gì mà người xưa đã xây dựng và tích luỹ được về cả lí luận và thực hành chung quanh vấn đề lão suy quả thực là một kho tàng cực kì quý giá.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Lão suy là gì?
Theo y học cổ truyền, con người ta “tứ thập tuế... tấu lí thuỷ sô, dinh hoa đồi lạc, phát phả ban bạch, bình thịnh bất giao... Ngũ thập tuế, can thuỷ khí suy... Lục thập tuế, tâm khí thuỷ suy... Thất thập tuế, tì khí hư... Bát thập tuế, phế khí suy... Cửu thập tuế, thận khí tiêu, tứ tạng kinh mạch không hư” (Lúc 40 tuổi, da thịt bắt đầu mềm dãn, gương mặt bắt đầu nhăn nheo, tóc thấy bạc hoa râm, kinh khí thịnh đầy mà có chiều hướng suy... 50 tuổi thì can khí bắt đầu suy... 60 tuổi thì tâm khí bắt đầu suy... 70 tuổi thì tì khí hư... 80 tuổi thì phế khí suy... 90 tuổi thì thận khí khô héo, bốn tạng khác và kinh mạch toàn thân dần dần trống rỗng); ở nữ giới “khi đến 35 tuổi, kinh mạch dương minh sút kém, sắc mặt bắt đầu khô nhăn nheo kém tươi, tóc cũng bắt đầu rụng”; ở nam giới “đến 40 tuổi thận khí suy kém, tóc rụng răng khô”. Đồng thời y thư cổ Hoàng Đế nội kinh cũng viết: “Nghe nói người thời xưa sống qua trăm tuổi mà động tác chẳng suy yếu, người thời nay mới 50 tuổi mà đã yếu ớt, vì thời thế đã khác ư?... Người thời cổ biết đạo, theo phép âm dương... người thời nay thì không thế... ”.
Như vậy, mặc dù không có một định nghĩa rõ ràng nhưng khái niệm lão suy đã được cổ nhân diễn giải một cách đơn giản và dễ hiểu: đó là một quá trình suy giảm sinh vật có tính phổ biến, nhiều giai đoạn, dần dần về hình thái và chức năng của các cơ quan, bộ phận trong nhân thể; quá trình đó vừa tiến triển tuần tự theo thời gian và sự luỹ tích của tuổi tác lại vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm của các yếu tố tự nhiên và xã hội, vì vậy tốc độ có thể nhanh hơn hay chậm đi. Cũng có người cho rằng có hai tình trạng lão suy: Lão suy sinh lí là kết cục tất nhiên của quá trình sống và lão suy bệnh lí là do bệnh tật dẫn tới. Lão suy bệnh lí còn được gọi là sớm suy, là già trước tuổi.
Nguyên nhân nào dẫn đến lão suy?
Y học cổ truyền cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lão suy, nhưng tựu trung không ngoài ba nhân tố: Tự nhiên, xã hội và cá nhân, trong đó nhân tố cá nhân giữ một vị trí trọng yếu. Có thể kể ra một số nguyên nhân chính như sau:
- Yếu tố tinh thần (thất tình thái quá): Sách Tố vấn viết: “Sướng quá khổ quá, trước sướng sau khổ, đều làm tổn thương tinh khí. Chia li oan ức, lo sợ vui buồn, ngũ tạng không hư, khí huyết rối loạn”.
- Yếu tố bệnh tật: sau khi mắc bệnh, sự mất cân bằng âm dương và sự tổn thương khí huyết, tạng phủ sẽ gia tăng, từ đó đẩy nhanh quá trình lão suy, rút ngắn tuổi thọ.
- Yếu tố di truyền: Sách Luận hành viết: “Mạnh thọ yếu yểu là do khí bẩm sinh dày mỏng. Khí bẩm sinh dày ắt cơ thể khoẻ mạnh, cơ thể khoẻ mạnh ắt tuổi thọ dài. Khí bẩm sinh mỏng ắt cơ thể yếu ớt, cơ thể yếu ớt ắt tuổi thọ ngắn”.
- Yếu tố môi trường: Bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên có các yếu tố như khí quyển, ánh nắng, nước, đất, cây cối,... Môi trường xã hội gồm các yếu tố như thể chế kinh tế và chính trị, điều kiện lao động, gia đình, văn hoá, giáo dục... Nói về mối quan hệ mật thiết giữa tuổi thọ con người và hoàn cảnh, Hoàng Đế nội kinh viết: “Cao khí thọ, thấp khí yểu”.
- Yếu tố vận động: y thư cổ viết: “Động ắt không suy”. Sách Lã thị xuân thu cũng viết: “Nước chảy không hôi thối, trục cánh cửa quay thì không han gỉ, là nhờ vận động. Hình khí cũng vậy, hình bất động ắt tinh không lưu chuyển, tinh không lưu chuyển ắt khí uất”.
- Yếu tố ăn uống: Sách Y học tâm ngộ viết: “Sinh mạng là vốn quý con người. Muốn giữ sức khoẻ người ta cần ăn uống điều độ, nếu không rất dễ sinh bệnh”.
- Yếu tố lao thương quá độ: Lao thương là làm việc quá sức dẫn đến thương tổn bên trong mà sinh bệnh. Sách Tố vấn viết: “Lao tắc khí tổn”.
- Yếu tố sinh hoạt tình dục thái quá: Sách Vạn thị gia truyền dưỡng sinh tứ yếu viết: “Sách xưa dạy rằng: ít ham muốn tình dục là điều quan trọng nhất để kéo dài tuổi thọ và bảo tồn nòi giống”...
Theo y học cổ truyền, tuỳ theo tính chất, mức độ và thời gian tác động, các yếu tố nói trên cuối cùng đều gây nên tình trạng âm dương mất cân bằng, khí huyết hư suy, công năng tạng phủ bị rối loạn và tinh thần hao tổn, từ đó dẫn đến lão suy sớm và đoản thọ.
Làm thế nào để phòng chống lão suy?
Như trên đã nói, lão suy là một quy luật bất khả kháng, nhưng can thiệp để làm chậm quá trình tiến triển của nó nhằm đạt được mục đích sống khoẻ, sống lâu, sống cho hết “tuổi trời cho” (thiên niên) là điều con người hoàn toàn có thể làm được. Cổ nhân có câu: “Sinh mệnh tại ngã bất tại thiên”, ý muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của mỗi cá nhân trong việc tự bảo vệ sức khoẻ và nâng cao tuổi thọ của chính mình. Vậy thì, để làm chậm quá trình lão suy cần phải làm những gì? Theo y học cổ truyền phương Đông cần chú ý những điểm cơ bản sau đây:
Vi lão tiên phòng, thủ trọng ích thọ: Nghĩa là, muốn sống khoẻ, sống lâu thì phải tiến hành các biện pháp có tính chất dự phòng từ khi còn nhỏ, thậm chí ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, chứ không chỉ bắt đầu khi đã có tuổi. Điều này hoàn toàn nhất trí với quan điểm của y học hiện đại, bởi lẽ kết quả nghiên cứu cho thấy, trên thực tế quá trình lão hoá bắt đầu rất sớm ngay từ tuổi 20 - 30 của đời người.
Điều nhiếp tình chí, dưỡng hộ tinh thần: nghĩa là, phải chú ý tạo dựng cho được một đời sống tinh thần ổn định và mạnh khoẻ đủ sức vượt qua mọi biến cố và thử thách của cuộc sống. Tâm phải định, khí phải tĩnh, biết kiềm chế mọi phiền nộ và dục vọng, giữ cho tinh thần luôn thư thái và tràn ngập niềm lạc quan, yêu đời. Y thư cổ Hoàng Đế nội kinh đã viết: “Ngoại bất lao hình vu sự, nội vô tư tưởng chi nạn... hình thể bất khiếm, tinh thần bất tán, dược khả dĩ bách số”.
ẩm thực hữu điều, hữu ích trường thọ: Nghĩa là, ăn uống là căn bản để duy trì sự sống, nhưng điều quan trọng là phải điều hoà và tiết chế, hay nói cách khác ăn uống phải đầy đủ, cân bằng và bảo đảm vệ sinh, hết sức tránh thiên lệch và vô độ. Y thư cổ viết: “ẩm thực tự bội, trường vị nãi thương” hay “ẩm thực dĩ thời, cơ bão thích trung” hay “Ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung, khí vị hợp nhi phục chi, dĩ bổ tinh ích khí”.
Khởi cư hữu thường, bất vọng tác lao: Nghĩa là, những điều kiện sinh hoạt thường nhật như nơi ở, nơi làm việc, trang phục, giấc ngủ, sinh hoạt vợ chồng... cần phải tiện nghi và điều độ, không nên lao lực, lao tâm, lao phòng một cách thái quá. Có như vậy tinh thần mới thoải mái, khí huyết dễ lưu thông, công năng tạng phủ điều hoà, gân cốt ngày càng tráng kiện..., đó là những yếu tố hết sức quan trọng giúp cho cơ thể “trường sinh bất lão”.
Kinh thường vận động, kiện khang tăng thọ: Nghĩa là, phải thường xuyên vận động và luyện tập. Cổ nhân có câu: “Sinh mạng tại vu vận động”, điều đó muốn nói: Sự sống và sức khoẻ con người có quan hệ rất mật thiết với yếu tố vận động và luyện tập. Tất nhiên, để thực hành có hiệu quả vấn đề này cần phải có hiểu biết đầy đủ và phương pháp thích hợp.
Khước bệnh diên niên, chí quan trọng yếu: Nghĩa là, phải phát hiện và điều trị bệnh tật kịp thời và có hiệu quả. Thuận theo tuổi tác, cơ thể con người ngày càng suy yếu, khí huyết âm dương, ngũ tạng lục phủ ngày càng nhược thoái, đó là điều kiện rất tốt cho bệnh tật phát sinh và phát triển. Bởi vậy, muốn sống khoẻ, sống lâu thì không thể không tích cực phát hiện và phòng chống tật bệnh một cách kịp thời và có chất lượng.
Tuân thủ đầy đủ những vấn đề nêu trên, suy cho cùng, chính là việc thực hành phép dưỡng sinh trường thọ hết sức độc đáo của y học cổ truyền phương Đông. Có thể nói, đó là một cống hiến vĩ đại, một viên ngọc sáng lung linh trong kho tàng y dược học quý báu mà cổ nhân Đông phương đã dày công xây dựng và thiết tha gửi gắm cho các thế hệ mai sau.