Ý Đảng hợp với lòng Dân trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc
Xã hội 27/02/2024 11:03
Chủ đầu tư Dự án là UBND phường Liễu Giai; nhà thầu là Công ty TNHH thương mại, xây dựng Rạng Đông; tư vấn giám sát là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Sao Vàng. Sau hơn một tháng thi công khẩn trương, Công trình hoàn thành đạt chất lượng, đúng dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ((3/2/1930-3/2/2024), sáng 3/2, UBND phường Liễu Giai tổ chức lễ khánh thành công trình cải tạo phục dựng giếng làng kết hợp là sân chơi tại ngách 267/2 đường Hoàng Hoa Thám.
Từ bao đời nay, “giếng làng cùng với cây đa, mái đình” được coi là biểu tượng của làng quê các địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa quá nhanh khiến nhiều giếng làng ở ngoại thành Hà Nội nói chung và ở phường Liễu Giai nói riêng không còn đóng vai trò là nơi cung cấp nước chủ yếu cho hầu hết dân cư như trước nữa. Có nơi, giếng làng đã bị bỏ quên, hoang hóa hoặc bị lấp đi dành cho các công trình dân sinh khác.
Bà Nguyễn Trịnh Tuyết Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Liễu Giai phát biểu tại buổi lễ. |
Thực tế cho thấy, chỉ nơi nào chính quyền địa phương quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn di sản, đồng thời, người dân có ý thức bảo vệ di tích cổ thì giếng làng mới có thể tồn tại cùng thời gian. Được biết,Dự án phục hồi giếng làng xưa- lưu giữ giá trị tâm linh và nét văn hóa hồn quê Việt từ thiết kế dự án đến lên ý tưởng là của ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND phường Liễu Giai. Với ý nghĩa tâm linh và văn hóa Việt, giếng làng cổ tại ngách 267/2 đường Hoàng Hoa Thám thuộc tổ dân phố số 3B và 3C, địa bàn dân cư số 3, phường Liễu Giai đã bị lấp nhưng sau đó được người dân khôi phục lại một giếng bê tông trên nền đất của giếng cổ.
Từ sự việc này, UBND phương Liễu Giai đã đề xuất với UBND quận Ba Đình phê duyệt Dự án cải tạo phục dựng giếng làng kết hợp là sân vui chơi tại ngách 267/2 đường Hoàng Hoa Thám. Dự án này nằm trong quy hoạch phân khu H1-2 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt thuộc ô quy hoạch F8, chức năng sử dụng đất là cây xanh đô thị-CX1 phù hợp với Chương trình số 06-CTr/TƯ ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về: “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch,văn minh giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời dự án này là một trong nội dung thực hiện Chương trình công tác số 10-CTr/QU của Quận ủy Ba Đình về: “ Nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, đất đai, trật tự xây dựng, chú trọng chỉnh trang đô thị, củng cố các tiện ích đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường góp phần phát triển kinh tế xã hội, giai đoạn 2021-2025”. Trong đó có việc quy hoạch chi tiết cải tạo chỉnh trang khu dân cư các phường Vĩnh Phúc,Cống Vị, Liễu Giai, Ngọc Hà, Đội Cấn, Kim Mã, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công. Đặc biệt lưu ý việc giữ gìn cấu trúc làng xóm khu vực 13 làng trại xưa tạo điểm nhận diện đặc trưng văn hóa, lịch sử của quận Ba Đình.
Vào những ngày cuối tháng 1/2024, Dự án cải tạo phục dựng giếng làng kết hợp là sân chơi tại ngách 267/2 đường Hoàng Hoa Thám đang được chủ đầu tư thi công khẩn trương để có thể hoàn thành đúng kế hoạch.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ cắt băng khánh thành và chụp ảnh lưu niệm tại công trình sân chơi Giếng Tròn. Ảnh Thu Trang |
Bà Phạm Thị Thúy, Tổ trưởng tổ dân phố 3B và bà Trần Thị Tuy Hòa, Tổ trưởng tổ dân phố 3C, địa bàn dân cư số 3 cho biết: Công trình cải tạo phục dựng giếng làng kết hợp là sân chơi trên là công trình hợp lòng dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ .Bởi Dự án này góp phần vừa xóa một điểm chợ tự phát gây mất vệ sinh môi trường vừa tạo một khu vui chơi xanh- sạch- đẹp với hệ thống đèn chiếu sáng trang trí, cây xanh và có hệ thống thiết bị thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư. Đồng thời, Dự án còn phục dựng giếng làng cổ thể hiện nét văn hóa tâm linh của cả cộng đồng, biểu trưng cho nguồn sinh khí tốt lành đã và đang cần được gìn giữ.
Tìm hiểu thêm về giếng cổ này tại ngách 267/2 đường Hoàng Hoa Thám,ông Phạm Văn Sơn, năm nay đã hơn 80 tuổi, ở số nhà 13/267/2/100 đường Hoàng Hoa Thám là người dân sống lâu đời ở địa phương này, cho biết: Giếng có tuổi đời hàng trăm năm từ đời bố của ông. Ông được nghe kể lại: Giếng làng này, khi đó được đào là giếng tròn có diện tích mặt giếng gần 240m2 để sử dụng làm nước ăn và sinh hoạt cho gần 100 hộ dân. Cạnh giếng có xây miếu thờ “Thần giếng” (Long thần tỉnh).
Trước năm 1999, chính quyền phường Ngọc Hà (khi đó, địa bàn này thuộc phường Ngọc Hà) cho lấp giếng cổ này. Tuy nhiên, ngay sau đó, trên mặt bằng giếng bị lấp, người dân địa phương đã khôi phục một giếng bê tông có chiều cao thành giếng so với mặt bằng sân khoảng 0,8m, có nắp đậy. Giếng bê tông nằm ngay cạnh miếu thờ Thần giếng.Còn diện tích của lòng giếng bị lấp xây thành sân bê tông có diện tích 224m2, nay hình thành chợ dân sinh nhỏ tự phát.
Ông Phạm Văn Sơn cũng đồng tình ủng hộ dự án cải tạo phục dựng giếng làng kết hợp là sân chơi của UBND phường Liễu Giai. Bởi theo ông, những giếng cổ này từng gắn liền với đời sống và là nguồn nước duy nhất của nhiều thế hệ người dân ở địa phương. Thế nhưng cho đến ngày nay, khi mà nhà nhà đều có máy nước, người người đều sử dụng nước máy thì đâu đó, những giếng làng cổ được xem là điểm nhấn đặc trưng làm nên nét đẹp văn hóa của người Hà Nội và cần được bảo tồn trong dịp điệu sôi động của thủ đô hôm nay. Vậy nên,Dự án cải tạo phục dựng giếng làng kết hợp là sân chơi tại ngách 267/2 đường Hoàng Hoa Thám trên địa bàn tổ dân phố 3b và 3C sẽ phụng dựng bảo tồn giếng làng cổ đồng thời hình thành một sân chơi có các lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao..... đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư đặc biệt là những người cao tuổi muốn có địa điểm để giao lưu, vui chơi và còn là nơi tập thể dục thể thao hàng ngày gìn giữ thêm sức khỏe, góp phần cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND phường Liễu Giai cho biết: Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, phường Liễu Giai đã có nhiều thay đổi rõ rệt về hạ tầng cơ sở. Hàng năm, các tuyến phố chính cũng như các ngõ ngách trên địa bàn dân cư đều được đầu tư, cải tạo nâng cấp. Vậy nên bộ mặt đô thị của phường Liễu Giai có nhiều đổi thay... Đặc biệt, Dự án cải tạo phục dựng giếng làng kết hợp là sân chơi tại ngách 267/2 đường Hoàng Hoa Thám sẽ góp phần cải thiện cảnh quan đô thị, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, trách ô nhiễm môi trường.Dự án có diện tích mặt bằng xây dựng gần 240m2 (Đây là diện tích của lòng giếng cổ). Dự án phục dựng khôi phục lại giếng làng; xây dựng chỉnh trang lại kiến trúc, cảnh quan sân chơi, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trang trí; trồng cây xanh, thi công hệ thống tưới nước tự động, hệ thống thoát nước trong sân. Đặc biệt, dự án còn lắp đặt các thiết bị thể dục thể thao.
Sân chơi Giếng Tròn vào buổi tối. Ảnh Thu Trang |
Anh Nguyễn Đăng Hùng, là cán bộ kỹ thuật thuộc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Sao Vàng cho biết: Ở diện tích trung tâm giếng cổ (diện tích gần 240m2 )sẽ phụng dựng giếng cổ hình tròn diện tích 25m2 và xây thành giếng. Trên thành giếng có 8 trụ,trên đó có 8 bồn trồng hoa..Xung quanh sân giếng diện tích gần 240m2 sẽ xây mới 3 vị trí tường trang trí, tạo hình làng quê với mái ngói truyền thống, tường được ốp đá ong mộc mạc, bình dị thân quen của làng quê. Đồng thời kết hợp yếu tố đặc rỗng trong kiến trúc để bố trí dạng ô cửa,bậc thềm, ghế ngồi tạo hình kiến trúc độc đáo. Về cây trồng, sẽ trồng mới 5 cây bàng Đài Loan và cây trúc cần câu xanh, cây bụi bổ sung là cây cô tòng lá mít. Về hệ thống chiếu sáng sẽ lắp mới cột đèn đá trang trí, và đèn chiếu sáng âm sân chơi, đồng thới lắp mới đèn gắn tường tại 3 vị trí tường trang trí, lắp mới đền led 3D 7 màu và đèn Led thanh nhôm uốn cong. Đặc biệt tại sân chơi vừa cải tạo sẽ lắp mới 7 cụm thiết bị thể dục -thể thao phục vụ cho cộng đồng dân cư tổ dân phố 3B và 3C.
Có thể nói, Dự án cải tạo phục dựng giếng làng kết hợp là sân chơi tại ngách 267/2 đường Hoàng Hoa Thám đang được Nhà thầu là Công ty TNHH thương mại, xây dựng Rạng Đông và Tư vấn giám sát là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Sao Vàng khẩn trương thi công để công trình đạt chất lượng, đúng tiến độ góp phần cải thiện cảnh quan đô thị, đáp ứng nguyện vọng vui chơi, giải trí của cộng đồng dân cư tổ dân phố 3B và tổ dân phố 3C, địa bàn dân cư số 3, phường Liễu Giai.
Giếng làng là một phần không thể thiếu trong cấu trúc nông thôn xưa. Giếng nước tượng trung cho sức sống của làng.Ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung và Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn dấu tích của những giếng cổ có niên đại lên tới hàng trăm năm, có nơi người dân vẫn còn đang sử dụng, phục vụ cho đời sống. Tuy nhiên, cơn lốc đô thị hóa cũng đang là thách thức lớn khiến giếng làng cổ có nguy cơ biến mất.
“ Cây đa, giếng nước, mái đình” là những biểu tượng của làng, là hồn làng. Quan trọng như vậy nhưng đến nay phận giếng làng đang còn long đong trong dòng chảy thời gian. Điều đáng nói là nhiều giếng làng hiện vẫn chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích, chưa được quan tâm, bảo vệ thỏa đáng của chính quyền địa phương. Vậy nên, cần có các biện pháp bảo vệ giếng làng như là bảo vệ một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.