Xuất nhập khẩu - những miền sáng tối
Kinh tế 25/10/2022 09:56
Miền sáng
Qua 9 tháng, nhất là Quý III/ 2022, GDP của Việt Nam tăng thần kì, hàng đầu khu vực; là điểm sáng trong khi xung quanh ảm đạm.
Tổng sản phẩm trong nước quý III tăng 13,67%, GDP 9 tháng tăng 8,83% so với cùng kì năm trước, là mức tăng cao nhất 9 tháng giai đoạn 2011-2022. Chuyên gia quốc tế đánh giá: “Việt Nam là một điểm sáng nếu nhìn vào bối cảnh kinh tế toàn cầu với điểm tối khắp nơi”; “tăng trưởng phi thường”; “là con hổ mới của châu Á”... Nhờ vậy, XNK 9 tháng đạt 558,52 tỉ USD, tăng 15,1%, trong đó XK 282,52 tỉ USD, tăng 17,3%, xuất siêu 6,5 tỉ USD trong khi 9 tháng 2021 nhập siêu 3,4 tỉ USD.
Gạo Việt không còn vô danh. Thương hiệu “cơm Việt Nam” của Tập đoàn Lộc Trời có mặt tại Hà Lan, Đức, Pháp… và được bày bán tại hệ thống siêu thị hàng đầu châu Âu - Carrefour; Tập đoàn Tân Long đưa gạo vào Nhật Bản. Do Ấn Độ cấm XK gạo tấm và áp thuế 20% đối với gạo trắng đã kích thích giá gạo tăng.
Xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cao với cùng kỳ |
Lượng XK dầu thô giảm mạnh song do giá “nhảy vọt” dẫn tới kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tăng tới 40% góp vào tăng trưởng XK chung; đóng góp tăng thu ngân sách đáng kể, là cơ sở để giảm các loại thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu, chủ động hạ giá bán lẻ xăng dầu, và giá dầu liên tục giảm.
Công nghiệp bứt phá do các DN khắc phục khó khăn, chủ động về lao động, mở rộng sản xuất, kinh doanh, khiến XK nhóm hàng này giữ vững vai trò trụ cột tăng trưởng, với 6 mặt hàng đạt từ 10 tỉ USD trở lên, chiếm 64% tổng KNXK. Điện thoại và linh kiện số 1 đạt 45,3 tỉ USD nhờ XK mạnh vào Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các mặt hàng quang học, điện tử khác KN cũng lớn, tỉ lệ tăng cao là do tận dụng cơ hội thu hút FDI, với nhiều hãng lớn về công nghệ cao, chuyển mạnh từ XK sản phẩm công nghệ thấp, đơn giản sang chất lượng cao, tinh xảo, tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu.
Với KN 86,3 tỉ USD, Mỹ vẫn là thị trường XK số 1 của Việt Nam, chiếm 30,5% tổng KNXK, gấp 2,1 lần XK của ta vào Trung Quốc, là đối tác xuất siêu số 1 của ta. XK vào EU tăng 23,8% khẳng định đang tận dụng lợi thế từ EV FTA cùng chuỗi FTA với các thị trường khác.
Việt Nam và Trung Quốc kí Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng của XK ta sang thị trường này, sau 4 năm đàm phán.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hành và quản lí kinh doanh, XK; cụ thể hóa chính sách hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tháo gỡ rào cản kĩ thuật, thương mại, thủ tục hải quan, logistics…,
Mảng tối
Việt Nam tuy được cho là thuộc khu vực “kiên cường đáng ngạc nhiên” trong XK nhưng giới chuyên gia vẫn thận trọng với triển vọng tới. Kinh tế Việt Nam quy mô vẫn khiêm tốn, độ mở lại cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn, chỉ với một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn như Fed tăng lãi suất, tỉ giá USD biến động mạnh…
Hiện lạm phát ở Mỹ vẫn cao, nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc, châu Âu khủng hoảng năng lượng…, khiến lo ngại về XK toàn cầu sắp tới là có cơ sở, ta không ngoại lệ.
Sau khi mở cửa lại được 2 ngày, cửa khẩu Bắc Phong, Quảng Ninh lại đóng do phía Trung Quốc phòng chống dịch Covid-19. Theo thông lệ, dịp quốc khánh 1/10, bên đó nghỉ dài ngày, giao thương với thị trường này sẽ gián đoạn.
Dù huy động nhiều lực lượng trong và ngoài nước với xúc tiến thương mại linh hoạt, XK rau quả vẫn ì ạch. 9 tháng 2022 chỉ bằng 88,9% cùng kì 2021. NK rau quả lại tăng 39%, với số ngoại tệ bằng 60,8% KNXK mặt hàng này. Dạo qua các sạp hàng, nhất là ở các đô thị lớn, không khó nhận ra trái cây Trung Quốc ồ ạt đổ vào, không chỉ rẻ mà cũng ngon.
Một trong những nút thắt của XK nông sản là liên kết giữa nông dân và DN - khâu đầu trong chuỗi liên kết “4 nhà”, vẫn hành xử thiếu chuyên nghiệp. Hai bên không tôn trọng hợp đồng, khi mất mùa được giá thì nông dân “bẻ kèo”, được mùa rớt giá thì DN “bẻ kèo”.
Ngấm đòn lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, XK dệt may tháng 9 giảm gần 1,2 tỉ USD so với tháng trước. Đơn hàng khó khăn, năm 2022 đạt 44 tỉ USD, không dễ. Không ít DN các ngành da giày, gỗ, khi có đơn hàng, thiếu lao động và khi đủ lao động thì lại thiếu đơn hàng. Ngành lương thực phẩm do sức ép về giá nguyên liệu đầu vào tăng cũng cầm chừng sản xuất. Và, giá điện mới tăng, không ngành nào được ngoại trừ.
Dù Việt Nam được Tổ chức Tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới (Brand Finance) chấm là điểm sáng trong xây dựng thương hiệu quốc gia toàn cầu và thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều thương hiệu khẳng định dấu ấn trên thương trường quốc tế, thậm chí thấp thỏm bị nẫng tay trên.
Trong xuất siêu vẫn còn bệnh mạn tính là Khối DN Việt Nam nhập siêu và nhiều hơn 9 tháng 2021 (22,9 tỉ USD so với 21,7 tỉ USD). Nhập siêu từ một số bạn hàng ruột vẫn nặng và hơn cùng kì năm ngoái. Thâm hụt với Trung Quốc 9 tháng 2022 là 51,5 tỉ USD khi con số đó của 9 tháng 2021 là 40,6 tỉ USD. Với Hàn Quốc cặp số đó là 29,6 và 25,5 tỉ USD; còn Thái Lan là 5,2 và 4,9 tỉ USD.
Dù vận động hành lang, tăng cường kiểm soát, đốc thúc ngư dân, thẻ vàng về đánh bắt thủy sản bị EU phạt từ 23/10/2017 chưa được gỡ bỏ. Nguy cơ bị thành thẻ đỏ lơ lửng.
Khi Hoa Kỳ thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ NK từ Việt Nam và Malaysia, mới khuyến nghị các DN sản xuất, XK tủ gỗ cần nắm rõ các quy định, thủ tục điều tra của Hoa Kỳ…
Quý IV, cầu trời đất thuận hòa để bứt tốc thì bão lũ vẫn nhăm nhe, XNK không ngoài vùng ảnh hưởng... Tuy nhiên, tin rằng đến hẹn sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức.