Bệnh viện Quân y 175 chính thức đưa vào hoạt động Tòa nhà Đa khoa 1.000 giường

Kinh tế 15/10/2021 07:45
Thay đổi tư duy làm nông nghiệp
Thời gian qua, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tập trung nâng cao chất lượng để đưa ra thị trường những “nông sản xanh”, sạch, an toàn sức khỏe, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Tỉnh Cà Mau hiện có gần 35.000ha nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, tập trung tại 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, trong đó hơn 22.000ha được công nhận nuôi tôm sinh thái với gần 5.000 hộ nuôi.
Tôm sinh thái, lúa hữu cơ là 2 nhóm hàng nằm trong đề án cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh được mở rộng, phát triển. Trong đó, diện tích canh tác lúa - tôm hơn 40.000 ha, một nửa số đó ở huyện Thới Bình. Sau nhiều năm gây dựng, huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận 10.000ha mô hình canh tác “lúa sạch Thới Bình”. Ðịa phương này đang xây dựng vùng lúa - tôm đặc sản an toàn, lúa - tôm chất lượng cao, lúa - tôm hữu cơ hơn 3.500ha ở các xã Trí Phải, Trí Lực, Thới Bình, Biển Bạch Ðông…
Trong các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng lúa mà tỉnh Cà Mau tạo dựng, có khoảng 8.500ha lúa cao sản an toàn, 2.500ha lúa thơm đặc sản (ST24, ST25, Ðài Thơm 8); 3.000ha lúa - tôm đặc sản (ST24, ST25); 700ha lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế USDA của Mỹ, EU của châu Âu và JAS của Nhật, là 3 tiêu chuẩn khắt khe và cao nhất thế giới hiện nay. Khi đạt được 3 tiêu chuẩn trên, hạt gạo và nông sản của tỉnh có thể xuất khẩu qua bất cứ thị trường nào trên thế giới.
![]() |
Còn ở tỉnh Vĩnh Long xây dựng hàng chục mô hình an toàn thực phẩm, trong đó đạt chứng nhận VietGAP hơn 260ha. Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ có 66 thành viên sản xuất 42ha chôm chôm trái vụ theo hướng Global GAP; sản lượng đạt 840 tấn/năm, năng suất 20 tấn/ha, sản phẩm được cấp mã số…
Tại tỉnh Ðồng Tháp, từ năm 2016, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT Ðồng Tháp) triển khai tại 6 huyện, 23 xã, 41 hợp tác xã và một tổ hợp tác. Dự án bao phủ chuỗi sản xuất lúa gạo, từ tập huấn kĩ thuật “3 giảm, 3 tăng, “1 phải, 5 giảm”, xây dựng điểm trình diễn, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hàng hóa thiết bị cho nông dân, kết nối hợp tác xã với doanh nghiệp để hình thành những chuỗi liên kết hoàn chỉnh.
Hợp tác xã Mỹ Ðông 2, xã Mỹ Ðông, huyện Tháp Mười được dự án VnSAT hỗ trợ áp dụng công nghệ 4.0 và sản xuất lúa theo hướng VietGAP trên cánh đồng mẫu 170ha. Công nghệ giúp nông dân tiết kiệm nhiều chi phí về giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, khí nhà kính, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ dự án VnSAT, bà con được tập huấn kĩ thuật canh tác lúa theo hướng VietGAP, áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên giảm giống, giảm thuốc, giảm phân…; quan trọng là giảm giá thành, tăng lợi nhuận và tạo ra nông sản sạch.
Xây dựng nền “nông nghiệp xanh”
Bài toán hiện đại hóa và toàn cầu hóa sẽ vô cùng phiêu lưu, nếu mỗi quốc gia không có sự đầu tư thỏa đáng cho ngành Nông nghiệp. Bởi lẽ, ngành này được quy hoạch bài bản và tổ chức khéo léo sẽ giúp ổn định môi trường thiên nhiên, bảo đảm an ninh lương thực và tránh sự phụ thuộc lép vế của những nước nhỏ trong hợp tác quốc tế.
Khi hàng hóa được liên kết trong chuỗi giá trị, thì sản xuất nông nghiệp ít bị phụ thuộc nhất trước các rào cản kĩ thuật và công nghệ. Nói cách khác, với một nền nông nghiệp được vận hành thông suốt, thì một quốc gia hoàn toàn có thể thoát khỏi mọi sự dựa dẫm mệt mỏi trong bất kì cơn khủng hoảng nào.
Nền nông nghiệp làm “bệ đỡ” cho kinh tế Việt Nam cầm cự và sẵn sàng vượt qua Covid-19. Từ thực tế ấy, cần có sự chuẩn bị khác cho nông nghiệp Việt Nam trên hành trình xa hơn, dài hơn. Đánh giá công bằng và khách quan, thì Việt Nam có nền nông nghiệp giàu tiềm năng nhất trong khu vực. So sánh trực tiếp với Thái Lan thì tiềm năng nông nghiệp của ta ở các ngành hàng đều vượt trội, nhưng đang thua Thái Lan ở “trò chơi” thương hiệu. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa biết cách làm thương hiệu, là một hạn chế phải được lưu ý cải thiện.
Trong đại dịch, Việt Nam “nương cậy” vào nông nghiệp, thì càng phải xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn sau đại dịch. Khi cả thế giới bắt đầu sốt ruột huy động nhân lực và vật lực để kiến thiết ngành nông nghiệp, thì Việt Nam cơ bản đã có một nền nông nghiệp đáng trân trọng. Truyền thống canh tác và chăn nuôi được tích lũy đã cho Việt Nam hai thứ tài sản quý giá là kinh nghiệm sản xuất và con người cần cù, đủ để thích ứng linh hoạt với những tác động phức tạp của biến đổi khí hậu.
Trong những mặt hàng nông nghiệp Việt Nam, thì hạt gạo cần được ưu tiên. Vì hạt gạo không còn là lương thực của người phương Đông nữa. Người phương Tây dần dần quen thuộc với hạt gạo trên bữa ăn hàng ngày. Gạo Việt Nam không chỉ có sản lượng cao mà còn có chất lượng cao, được quốc tế thừa nhận. Do đó, từ điểm nhìn hôm nay, hoàn toàn có thể tin tưởng hạt gạo Việt Nam ngày mai, khi được bổ sung khái niệm thương hiệu sẽ mở đường cho kinh tế Việt Nam hội nhập tự tin.
Hằng năm, vùng ÐBSCL đóng góp cho cả nước khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Các tỉnh trong vùng đã áp dụng khoa học kĩ thuật vào canh tác nông nghiệp, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản bảo đảm điều kiện xuất khẩu còn hạn chế bởi chưa có nhiều nông sản sạch theo xu hướng thị trường toàn cầu.
Theo chuyên gia nông nghiệp Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nhiều mô hình sản xuất “nông nghiệp xanh” theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại vùng ÐBSCL đã mang lại hiệu quả khá tốt, như mô hình lúa - tôm ở các tỉnh ven biển; nuôi tôm, cua sinh thái ở Cà Mau; trồng rau thủy canh, dưa hấu trong nhà lưới ở Cần Thơ, Hậu Giang… giúp người dân, địa phương có bước chuyển đổi về sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, an toàn. Tuy nhiên, diện tích, sản lượng nông sản sản xuất theo hướng xanh chiếm tỉ lệ thấp, việc tiêu thụ sản phẩm nhiều lúc chưa ổn định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Châu Minh Khôi, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Nhà nước cần giúp nông dân ứng dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học, kĩ thuật mới vào sản xuất. Ðồng thời, nông dân liên kết lại hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo thuận lợi, hiệu quả hơn trong chuyển đổi sản xuất “nông nghiệp xanh”. Các địa phương cần chủ động quy hoạch lại từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu để chuyển đổi “sản xuất xanh” gắn với ứng dụng khoa học, kĩ thuật và liên kết lại theo từng chuỗi giá trị ngành hàng để sản xuất và tiêu thụ “nông sản xanh” bền vững.
“Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm ban hành bộ tiêu chí quốc gia về “nông nghiệp xanh”, nông nghiệp hữu cơ gắn với quy hoạch vùng sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên, sinh thái, môi trường từng vùng, tiểu vùng với từng loại cây trồng, vật nuôi cụ thể làm cơ sở chuyển đổi sang sản xuất xanh”, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân đề xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để xây dựng được nền “nông nghiệp xanh”, góp phần tạo ra “tăng trưởng xanh” trong nông nghiệp, cần phải xây dựng một quy hoạch không dựa trên năng suất, sản lượng mà là dựa trên giá trị xanh, sạch gắn với liên kết thị trường. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến kinh tế nông thôn là các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ… để hình thành “hệ sinh thái kinh tế nông thôn”.
Trong phát triển nông nghiệp, cần chuyển từ phát triển theo từng địa giới hành chính sang phát triển dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng. Bên cạnh đó, cần khởi tạo chuyển đổi số một cách phù hợp trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân.