Vụ mất điện đột ngột trên diện rộng: Người dân có quyền khởi kiện EVN để đòi bồi thường
Xã hội 05/07/2022 13:37
Đang thống kê thiệt hại do sự cố mất điện đột ngột
Liên quan đến vụ việc mất điện đột ngột trên diện rộng xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, trao đổi với Ngày mới Online, đại diện EVN Hà Nội cho biết, hiện chưa có số liệu cụ thể về thiệt hại do sự cố gây ra, EVN Hà Nội đang chỉ đạo điện lực các huyện rà soát, thống kê thiệt hại.
Về câu hỏi có hỗ trợ người dân bị hư hỏng thiết bị điện do sự cố gây ra, vị này cho biết, sau khi có thống kê thiệt hại sẽ xem xét nguyên nhân như thế nào sau đó sẽ chờ chỉ đạo chung của tập đoàn.
"Ngày hôm qua, thông báo của Tập đoàn Điện lực cho biết là xảy ra trên hệ thống, bao gồm cả Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Với Hà Nội, chúng tôi sẽ rà soát thống kê và báo cáo lãnh đạo xin chỉ đạo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam" - nguồn tin từ EVN Hà Nội cho biết thêm.
Sự cố điện xảy ra trưa 4/7 khiến điện áp tăng mạnh (ảnh ANTD) |
Cũng liên quan đến vụ việc này, PV Ngày mới Online đã liên hệ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tìm hiểu thiệt hại và hướng khắc phục hậu quả do sự cố gây ra. Đại diện EVN cho biết, sẽ tiếp nhận nội dung sự việc và trả lời bằng văn bản.
Người dân có thể khởi kiện
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm:
Giữa khách hàng và ngành điện có ký hợp đồng mua bán điện nên theo nguyên tắc, bên nào vi phạm hợp đồng thì phải có nghĩa vụ bồi thường. Nếu ngành điện cúp điện không theo quy định, gây thiệt hại thì khách hàng có quyền khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường.
Thông thường mỗi khi xảy ra tình trạng thiếu điện là lại cúp điện và ngành điện thường cho rằng việc thiếu điện có thể do thời tiết hạn hán, thiếu nước... là nguyên nhân “bất khả kháng”.
Do đó, nếu bị kiện ra tòa, ngành điện cần phải chứng minh được nguyên nhân “bất khả kháng” là thế nào?
Luật quy định trong trường hợp ngừng, giảm cung cấp điện để sửa chữa, xây lắp... thì bên điện lực phải có nghĩa vụ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Trường hợp khách hàng bị thiệt do cúp điện đột ngột, không được báo trước hoặc có thông báo nhưng chậm hoặc không đảm bảo thời hạn theo quy định thì khách hàng hoàn toàn có quyền đòi ngành điện phải bồi thường thiệt hại.
Ngoài việc đòi bồi thường thiệt hại vật chất, khách hàng có thể yêu cầu ngành điện bồi thường thiệt hại về tinh thần. Để đảm bảo việc đòi bồi thường thiệt hại được tòa án chấp thuận, khách hàng phải chứng minh: Thiệt hại cụ thể là bao nhiêu, nguyên nhân thiệt hại là do việc cúp điện gây ra.
Hiện nay, nghĩa vụ chứng minh, thủ tục tố tụng phức tạp và kéo dài nên nhiều khách hàng không muốn kiện. Hơn nữa, hiện chúng ta vẫn còn cơ chế độc quyền trong kinh doanh điện, dù chất lượng điện không đảm bảo như cam kết trong hợp đồng thì khách hàng cũng không muốn kiện cáo.
Nếu khách hàng bị thiệt hại do cúp điện thì khách hàng cần thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh thiệt hại, chẳng hạn như hợp đồng bị hủy, văn bản bồi thường do không thực hiện đúng hợp đồng sản xuất...
Hiện nay chúng ta đã có thừa phát lại, khách hàng cũng có thể nhờ thừa phát lại làm biên bản ghi nhận sự kiện cúp điện đột xuất, những thiệt hại của khách hàng để làm bằng chứng khởi kiện ra tòa.
EVN nói gì về sự cố? Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, vào lúc 13h00 ngày 4/7/2022, hệ thống điện miền Bắc xuất hiện hiện tượng dao động điện áp dẫn tới ảnh hưởng cung cấp điện của một số khách hàng ở phía Bắc. Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết nắng nóng làm tiêu thụ điện tăng cao và một số tổ máy phát điện bị sự cố gây dao động điện áp, sau đó gây gián đoạn cung cấp điện một số khách hàng ở phía Bắc. Tới 15h00 cùng ngày, nguồn điện đã được khôi phục đồng thời mong nhận được sự thông cảm của khách hàng. |