Vụ “chuyến bay giải cứu”: Nữ giám đốc ấm ức nói về "cơ chế cảm ơn"
Tin tức - Sự kiện 20/07/2023 18:27
Vô thức đưa hối lộ và trượt dài
Theo đó, Giám đốc Công ty Masterlife – bị cáo Trần Thị Mai Xa cho biết, hoàn toàn đồng ý với nội dung bào chữa của luật sư và xin được ''bổ sung một ý để nhẹ lòng hơn khi đứng ở đây''.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa bị xét xử về tội “Đưa hối lộ”. Theo truy tố, bị cáo này 19 lần đưa hối lộ hơn 8 tỉ đồng cho 8 cá nhân có thẩm quyền để được cấp phép 18 chuyến bay. Bị cáo Mai Xa bị đề nghị mức án 4-5 năm tù về tội danh bị truy tố.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa nói về nỗi khổ của doanh nghiệp. |
Bào chữa cho bị cáo Xa, Luật sư Hà Văn San nói rằng thân chủ ở trong hoàn cảnh bị bắt buộc phải đưa hối lộ. Khi tổ chức chuyến bay, doanh nghiệp phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện như thuê và đặt cọc máy bay, khách sạn… từ trước khi được cấp phép.
Trong lần đầu tiên thực hiện “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Mai Xa không được phê duyệt, cấp phép chuyến bay nên đã phải bồi thường thiệt hại 1.5 tỉ đồng và phải bán căn nhà để trả nợ. Đến chuyến bay sau, khi sát ngày bay mà chưa được cấp phép, bị cáo Xa cũng như nhiều bị cáo nhóm doanh nghiệp phải chi tiền.
Những chuyến bay sau đó, việc đưa tiền trở thành thông lệ. ''Nhóm bị cáo khối doanh nghiệp phải đưa hối lộ là tình huống bị ép buộc, không thể khác hơn'' – Luật sư San nói. Chính vì thế, Luật sư San đề nghị HĐXX cho bị cáo Xa hưởng tình tiết phạm tội trong trường hợp bị ép buộc, không tự nguyện. Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ khác.
Trần tình trước HĐXX, bị cáo Mai Xa nói rằng đến tháng 6/2021, sát ngày bay dự kiến nhưng vẫn không được chấp thuận bay, bị cáo rất sốt ruột. ''Bị cáo rất lo lắng. Sau chuyến bay đầu tiên không thể tổ chức và bị cáo phải bán nhà, bị cáo rất run, như chim ngã sợ cành cong vì không còn nhà để bán nữa'' - bị cáo Xa trình bày trong nghẹn ngào, ấm ức.
Theo lời trình bày của bị cáo, khi đó, nữ giám đốc doanh nghiệp đã gọi điện đến Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) thì được bảo có một chút vướng mắc bên Cục Xuất nhập cảnh và bảo bị cáo sang bên đó xem thế nào.
Khi bị cáo Xa liên hệ với Cục Xuất nhập cảnh thì được bị cáo Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Công an) nói rằng: ''Sếp không biết công ty của em là ai cả. Thôi để giải quyết nhanh, em nên làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì khó lắm''.
''Đứng trước hai sự lựa chọn, bị cáo buộc phải làm theo thông lệ một cách vô thức. Vì bị cáo là người phụ thuộc vào cơ quan ban ngành, bị cáo phải tìm mọi cách đi xoay tiền''- bị cáo Xa nói. Với giọng nói nghẹn ngào, bị cáo Xa nói rằng ''rất giận Cục Lãnh sự'', là cơ quan chủ trì mà làm sao lại để doanh nghiệp rơi hoàn cảnh này.
Nữ giám đốc doanh cho biết, việc đưa tiền hối lộ trong lần đầu một cách vô thức, dẫn đến một loạt hành vi sau này của bị cáo cũng như các bị cáo doanh nghiệp khác. ''Bị cáo không có ý thức về vấn đề đó (đưa hối lộ – PV). Lần sau cứ thế phải đưa, đó cứ như một thông lệ'' – bị cáo Xa chua chát.
Bị cáo Xa nói rằng bản thân cảm thấy rất xót xa. Trên những chuyến bay bị cáo tổ chức, mỗi chuyến khoảng 250 chỗ thì trung bình sẽ có 10 hũ “tro cốt” được mang về. Bị cáo hỏi một số cán bộ tại sao lại không cấp phép thì được trả lời ''chưa cấp thiết''.
Càng nói, bị cáo Xa càng xúc động và không giữ được bình tĩnh: ''Trong lúc dịch bệnh trong nước, thế giới như thế, thế nào là cấp thiết?". ''Nếu mỗi chuyến bay như vậy lên tới vài ba chục hũ “tro cốt” thì có cấp thiết hay không?''; ''Bị cáo thấy rất ấm ức. Dù các anh nhận lỗi lầm nhưng trong lòng bị cáo vẫn rất trách'' – bị cáo Mai Xa trình bày trước tòa.
Sau những lời “gan ruột”, bị cáo Xa nói rằng: "Những gì muốn nói thì bị cáo đã nói ra hết rồi. Bị cáo khẩn thiết mong nhận được sự đồng cảm của HĐXX với các bị cáo khối doanh nghiệp cũng ở trong hoàn cảnh như bị cáo''.
Hiện tại, bị cáo Trần Thị Mai Xa đang được tại ngoại, bị cáo nói rằng đã tự an ủi rằng: ''Ừ thôi bị cáo vẫn được ở bên ngoài'' và được làm công việc có ích nhưng có cần thiết phải cách ly ngoài xã hội đối với các bị cáo khối doanh nghiệp? Rất mong HĐXX, Viện Kiểm sat xem xét hoàn cảnh, tuyên bản án công bằng” – nữ giám đốc doanh nghiệp trải lòng.
Cách làm sai thì không thể chối cãi...
Các luật sư tham gia vụ án. |
Trong vụ án này, còn có 4 bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Môi giới hối lộ”, trong đó có Trần Quốc Tuấn (Giám đốc CTCP Xúc tiến thương mại và du lịch). Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị xử phạt bị cáo Tuấn từ 2-3 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Trần Quốc Tuấn, luật sư nêu rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi này là rất đáng thông cảm và chia sẻ và phía công ty gặp rất nhiều khó khăn. Vì công việc là tư vấn xúc tiến đầu tư thương mại nên Tuấn cũng nhìn nhận được rõ những khó khăn, về người lao động ở nước ngoài một cách cụ thể.
Trong việc này, theo luật sư, Tuấn được bị cáo Võ Thị Hồng chia sẻ, nhờ vả nhưng thực tế giống như bị cáo Mai Xa trình bày, Hồng gần như không có sự lựa chọn nên Tuấn đã giúp đỡ. Luật sư cũng chỉ ra rằng đầu tháng 2/2020, ý thức được việc làm của mình là vi phạm, Tuấn đã tự thú trước ngày khởi tố vụ án.
Theo luật sư, việc áp dụng hình phạt tù với họ là sự mất mát cho người lao động, cho đất nước nên mong HĐXX cho bị cáo được miễn hình phạt, hoặc cho bị cáo được hưởng án treo để tiếp tục mang lại nhiều giá trị cho xã hội…
Tự bào chữa, bị cáo Tuấn đồng ý với luật sư nhưng rất mong HĐXX xem xét thấu đáo về nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội. Tuấn cho biết khi dịch bệnh bùng phát lan rộng, bị cáo nhận được nhiều sự chia sẻ từ bạn bè ở nước ngoài về việc dân ta ở nước ngoài rất khó khăn và không được ưu tiên.
“Trong bối cảnh đó, khi Hồng nhờ giúp đỡ, tôi thấy dù chỉ là gián tiếp thôi nhưng cũng là sự đóng góp cho cộng đồng. Tôi nói rõ là giúp nhưng không có lợi ích kinh tế gì, phải đảm bảo chấp hành mọi quy định liên quan, đảm bảo quy định tốt nhất cho bà con” – bị cáo Tuấn trình bày.
Tuy nhiên, bị cáo Tuấn cũng nói rõ bản thân nhận ra rằng dù có mong muốn những điều tốt đẹp nhưng cách làm sai thì không thể chối cãi, phải nhận lỗi nên nên rất mong HĐXX thấu hiểu và cũng xem xét cho bị cáo được áp dụng những tình tiết giảm nhẹ để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Theo VKS, Võ Thị Hồng đã đặt vấn đề nhờ người trung gian đưa hối lộ nhằm xin cấp phép thực hiện chuyến bay và chủ trương cách ly y tế tại UBND tỉnh. Trong đó, VKS xác định Trần Quốc Tuấn đã môi giới hối lộ hơn 7.4 tỉ đồng. Trần Quốc Tuấn có 6 lần nhận số tiền này, làm trung gian đưa cho hàng loạt cá nhân có thẩm quyền trong việc xác nhận, cấp phép các “chuyến bay giải cứu”.
Khả năng xuất hiện lũ lớn tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay 18/7, mực nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ đang ... |
Điểm chuẩn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2023 đầy đủ các mã ngành Điểm chuẩn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2023 tất cả các ngành được Ngày mới Online cập nhật nhanh nhất, chính xác ... |
Các thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 là ai? Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi biết điểm thi, thí sinh muốn phúc khảo bài thi có thể nộp đơn xin phúc khảo ... |