“Vinh quy bái tổ” - bức tranh gỗ đạt hai kỉ lục lớn nhất Việt Nam
Đời sống 04/07/2023 09:46
Đó là nghệ nhân có đôi bàn tay “vàng” Bùi Trọng Lăng, ở xóm Ngánh, thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội và những người thợ trẻ trong xưởng. Hiện ông Lăng đang là chủ sở hữu Công ty TNHH Tranh gỗ Bùi Gia - Chủ xưởng Tranh gỗ Bùi Gia từ tháng 12/2015 và là chủ nhân bức tranh “Vinh quy bái tổ” được trao đạt hai kỉ lục lớn nhất Việt Nam…
Phôi gỗ Cẩm lai nặng trên 2 tấn, chiều dài 8,33 mét, chiều rộng 1,70 mét và chiều dày 16 cm, trên đường vận chuyển từ Hải Phòng về xưởng. |
Bùi Trọng Lăng sinh ra trong gia đình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng ý chí và nghị lực lại không bao giờ cạn, quyết không cam chịu nghèo túng. Anh Lăng đam mê nghiệp chạm khắc các loại tượng gỗ, tranh gỗ và tranh gỗ tiểu cảnh ngay từ tuổi thiếu thời. Tốt nghiệp THPT, Lăng dự thi vào trường Đại học nhạc họa Trung ương nhưng không đỗ, quyết định chọn con đường sự nghiệp bằng nghề chạm khắc các loại tượng gỗ, tranh gỗ nghệ thuật. Được thầy Tuấn và thầy Hiền trong làng tận tình hướng dẫn trong suốt hai năm liền, Lăng cần mẫn học và tiếp thu rất nhanh.
Người bác ruột là Bùi Trọng Bính đã từng nuôi nấng Lăng trong suốt 10 năm trời để ăn học, thấy Lăng có ý chí và nghị lực, nên ông đã cố gắng dành cho hai đứa cháu của mình 40m2 đất để mở xưởng tại nhà. Được một thời gian, để phát triển sản xuất cũng như thỏa nỗi đam mê, Lăng thuê đất mở nhà xưởng cuối năm 2013. Vừa làm cùng anh, Quân vừa học và mới đây nhận Chứng chỉ tốt nghiệp Khoa giám đốc điều hành (CEO).
Bùi Trọng Lăng (bên trái) chụp ảnh chung với Ban cố vấn trong ngày lễ khai mộc. |
Xưởng làm việc của hai anh em Lăng thuê hiện nay, 90% là chế tác những tác phẩm chạm khắc tranh gỗ. Trong xưởng hiện có vài chục chiếc máy cầm tay, đến đây làm việc là người có tay nghề chạm khắc gỗ cao, chủ yếu là lớp trẻ. Mỗi tháng thường có từ 8 đến 10 lao động (cả lao động trong làng và ngoài địa phương), anh Lăng trả lương rất cao: Từ 10 đến 15 triệu đồng (tùy vào tay nghề của từng người).
Từ năm 2013 đến nay, hai anh em Lăng - Quân và những thợ trẻ tài hoa trong xưởng đã “thổi hồn” vào những tác phẩm tranh gỗ điêu khắc bằng các loại gỗ quý nguyên khối với độ chạm khắc tinh xảo, chân thực trong từng chi tiết nhỏ. Sự kì công sáng tạo và lao động miệt mài của chủ và những người thợ tâm huyết, với mong muốn tạo ra một hướng đi riêng cho dòng tranh điêu khắc gỗ cao cấp mang bản sắc Việt Nam trên quê hương Xứ Đoài Phủ Quốc địa linh nhân kiệt.
Kể từ khi bắt đầu mở xưởng đến nay, xưởng Tranh gỗ Bùi Gia của hai anh em Lăng và Quân đã cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị. Mỗi tháng xuất xưởng từ 4 đến 5 sản phẩm, cho thu nhập khoảng 150 triệu; sau khi trừ hết các khoản chi phí còn dư ra khoảng 30 triệu đồng. Số tiền này, hai anh em Lăng dùng để tái đầu tư và xây dựng thương hiệu sản phẩm - xây dựng thương hiệu Tranh gỗ Bùi Gia lâu dài với tiêu chí chăm sóc khách hàng, người lao động và chăm chút thương hiệu sản phẩm của mình.
Một chi tiết nổi bật trong bức tranh “Vinh Quy Bái Tổ” |
Đặc biệt, trong 10 năm cần mẫn vượt bao khó khăn, gian khổ, ngoài các sản phẩm điêu khắc tranh tượng gỗ, tranh gỗ và tiểu cảnh gỗ, xưởng Tranh gỗ Bùi Gia của hai anh em Lăng đoạt được hai kỉ lục lớn nhất Việt Nam về chạm khắc tranh gỗ qua tác phẩm mang tên “Vinh quy bái tổ”, tái hiện nghi thức của đại lễ tiêu biểu trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Được chạm khắc trên khuôn gỗ liền khối - loại gỗ Cẩm lai Nam Phi, nặng trên 2 tấn, có chiều dài 8,33m, chiều rộng 1,7m và dày 16cm. Để hoàn thành bức tranh này, anh em Lăng cùng một số thợ trẻ có tay nghề phải lặn lội từ Bắc vào Nam, đi đến những di tích lịch sử như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Kinh thành Huế … để nghiên cứu nhiều tài liệu và gặp gỡ các chuyên gia để học hỏi, sưu tập tư liệu cho việc phác họa tác phẩm. Sau đó thực hiện bức tranh trong 3 năm mới hoàn thành.
Đặc biệt và độc đáo nhất trong bức tranh gỗ “Vinh quy bái tổ”, đó là đoàn rước quan Trạng Nguyên được vẽ uốn lượn theo nguyên tắc: “Khí vận sinh động”. Đầu đoàn rước là lá cờ được thêu 4 chữ “Nhất Giáp Tiến sĩ”, tiếp theo sau là bảng chữ “Ân tứ vinh quy” được Vua ban, che bởi 4 cái lọng vàng. Hai bên đường là các tầng lớp Nhân dân đổ ra mừng đông như trảy hội, đón rước Quan Trạng, đủ cả các tầng lớp sĩ - nông - công - thương - binh - tăng, ngư - tiều - canh - mục.... Dọc đường là 3 bàn hương án của hàng tỉnh, hàng huyện và hàng xã. Các chức sắc của từng cấp đốt đèn, xông trầm hương chào đón Quan Trạng. Dòng người chuyển động nhìn từ xa như một con rồng đang uốn lượn bay giữa không gian, mà trung tâm chính là Quan Trạng, được vẽ chạm khắc tỉ lệ lớn hơn hẳn các hình tượng xung quanh, nhằm tăng tính chủ thể trong bức tranh. Các họa tiết, đường nét chạm khắc trong tranh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang đậm hồn văn hóa Việt Nam. Phần trên trải dài suốt chiều dài tranh là các tầng lớp mây đan xen vào nhau, mang tính biểu tượng cho chiều dài hơn 800 năm nền khoa bảng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Và các lớp nhân tài, mang trí tuệ tài năng ra giúp nước…
Lễ ra mắt bức tranh “Vinh Quy Bái Tổ”, “…và đón nhận kỷ lục Việt Nam” tại Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2022 (Bùi Trọng Lăng - người đứng thứ 2 từ trái qua phải) |
Sau khi hoàn thiện, bức tranh gỗ nghệ thuật “Vinh quy bái tổ” đã được tổ chức ra mắt long trọng tại Bảo tàng Hà Nội vào tháng 12/2022. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, sau khi xem trực tiếp bức tranh gỗ này tại xưởng, đã ngỡ ngàng thốt lên: “Đây là của quý của huyện Quốc Oai”.
Bức tranh được chế tác đạt đến độ gần như hoàn hảo, với các nét đục chạm tinh tế, chi tiết kênh bong tài hoa qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ trong xưởng Tranh gỗ Bùi Gia. Liên minh kỉ lục thế giới - Trung ương Hội kỉ lục gia Việt Nam đã xác lập kỉ lục “Vinh quy bái tổ” là bức tranh khắc gỗ thủ công có số lượng người được điêu khắc trên tranh nhiều nhất (trên 300 người); và xác lập kỉ lục tác phẩm tranh điêu khắc thủ công trên gỗ liền khối lớn nhất Việt Nam, do Tổng Giám đốc Tổ chức Kỉ lục Việt Nam Lê Trần Trường An kí.
Nhận xét về bức tranh đạt được 2 kỉ lục nói trên, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao sự tinh xảo, khéo léo của người tạo ra tác phẩm: “Các tác giả không những mạnh bạo về ý tưởng, sự đầu tư mà quan trọng là có ý chí để thực hiện”.
Việc tác phẩm “Vinh quy bái tổ” đoạt được 2 kỉ lục lớn của Việt Nam là nguồn động viên cổ vũ lớn lao đội ngũ thợ điêu khắc của Bùi Gia nói riêng, đội ngũ những người thợ điêu khắc của Hà Nội và trong cả nước nói chung theo nghề và phát triển nghề để không bị mai một. Mong sao hai anh em Bùi Trọng Lăng và những người thợ tài hoa trong xưởng Tranh gỗ Bùi Gia ngày càng chế tác nhiều bức tranh có giá trị nghệ thuật làm đẹp thêm cho đời.