Về Quảng Ngãi viếng mộ cụ Huỳnh
Nhịp sống văn hóa 11/07/2024 10:16
Nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng vốn quê ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, sinh năm 1876, thuở nhỏ nổi tiếng thông minh học giỏi. Năm 1900, cụ thi Hương và đỗ Giải nguyên. Năm 1904, cụ thi đỗ Hội nguyên Hoàng giáp. Cụ tham gia và giữ vai trò quan trọng trong phong trào Duy Tân, có ảnh hưởng lớn trong phong trào yêu nước ở Trung Kỳ. Năm 1908, cụ bị bắt đày ra Côn Đảo cho đến năm 1921 mới được trả tự do. Được tự do, cụ hoạt động sôi nổi trên lĩnh vực báo chí. Cụ sáng lập, làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút tờ Tiếng dân - tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ, có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào đấu tranh bấy giờ.
Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng |
Năm 1946, cụ Huỳnh tham gia Chính phủ Liên hiệp, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ từng có thời gian ngắn làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 21/4/1947, khi đại diện cho Chính phủ đi kinh lí Quảng Ngãi, cụ Huỳnh bị ốm nặng và qua đời tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành. Cụ được an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn theo tâm nguyện của cụ trước lúc mất.
Mộ cụ Huỳnh là một trong các di tích nổi tiếng nhất tại Quảng Ngãi. Khuôn viên mộ nằm trên một khu đất bằng phẳng giữa đỉnh Thiên Ấn, một trong những danh sơn của tỉnh Quảng Ngãi. Mộ hướng mặt nhìn xuống dòng sông Trà trong xanh và ruộng đồng, làng mạc bát ngát. Con đường từ chân núi Ấn dẫn lên mộ dài gần 2km uốn lượn men theo sườn núi, lẩn trong bóng cây. Khuôn viên của mộ rộng thoáng, nền được lát đá, chung quanh có nhiều cây xanh, bên mộ là hai hàng hoa sứ.
Đặc biệt, tại khu mộ có khắc những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư vĩnh biệt cụ Huỳnh, có đoạn: “Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Cùng với sông Trà, núi Ấn là niềm tự hào, biểu tượng của quê hương Quảng Ngãi. Bởi trên ngọn núi này có chùa Thiên Ấn, có mộ của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Hầu như ngày nào cũng có du khách lên núi viếng mộ cụ Huỳnh. Đứng giữa ngọn núi thiêng, thắp nén nhang trầm, tưởng nhớ về hoạt động đấu tranh yêu nước sôi nổi cùng những đóng góp to lớn của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đối với nước nhà, ta càng thêm tự hào về cụ, về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc.