Vạn sự khởi đầu nan
Quốc tế 18/10/2024 09:03
Để giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ông Starmer đã vạch ra một lộ trình vững chắc với việc phá vỡ nền tảng đoàn kết truyền thống của Công đảng, đồng thời tập trung vào việc xây dựng các chính sách kinh tế, tạo dựng danh tiếng và uy tín cho Công đảng. Khi trở thành thủ tướng, ông đã cam kết sẽ lật sang trang mới sau nhiều năm nước Anh hỗn loạn dưới sự lãnh đạo của đảng Bảo thủ và "khôi phục sự tôn trọng đối với nền chính trị".
Chương trình nghị sự của chính phủ mới có nhiều kế hoạch hứa hẹn nhằm trả lại quyền sở hữu đường sắt cho công chúng, củng cố quyền của người lao động và thành lập một công ty đầu tư năng lượng do nhà nước sở hữu, thúc đẩy nền kinh tế, xây dựng nhà ở và tăng quyền của người thuê nhà. Tiếp theo là các vấn đề liên quan tới thỏa thuận trả lương cao hơn mức lạm phát cho những viên chức đang đình công trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông, qua đó ngăn chặn nguy cơ tái diễn sau những tranh chấp kéo dài mà đảng Bảo thủ không giải quyết được. Đây được đánh giá là những điểm cộng của Thủ tướng Starmer.
Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại Liverpool, Anh. |
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu cầm quyền, Thủ tướng Starmer và Công đảng đã đối mặt với nhiều lựa chọn chính sách khó khăn về đối nội, kinh tế. Một loạt quyết định như cắt giảm phúc lợi cho người già, thả sớm hàng nghìn tù nhân khỏi các nhà tù quá tải của Anh... hầu như không được công chúng ủng hộ.
Tất cả những điều này, cùng với quyết định của chính phủ giảm trợ cấp xã hội cho một số đối tượng yếu thế và nguy cơ tăng thuế trong gói ngân sách mùa Thu dự kiến công bố cuối tháng 10, đã góp phần tạo nên bầu không khí bất mãn trên khắp đất nước.
Về đối ngoại, trong cương lĩnh tranh cử của Công đảng, việc tăng cường, cải thiện quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã được xác định là trọng tâm chính sách hàng đầu nhằm “kết nối lại” nước Anh với thế giới. Do đó, ngay sau khi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7, chính phủ Công đảng đã có những động thái, chính sách, bước đi mạnh mẽ nhằm thắt chặt quan hệ với các đối tác này, nổi bật là các chuyến công du của Thủ tướng Starmer tới Mỹ và châu Âu.
Đối với EU, chính phủ của Thủ tướng Starmer đã hành động rất quyết liệt để thiết lập lại mối quan hệ với các cường quốc chủ chốt và thể chế châu Âu, một phần để chứng minh rằng Anh đã "trở lại vũ đài thế giới" sau thời gian căng thẳng giữa các đồng minh, đồng thời tìm kiếm một "sự tái lập" quý giá với EU để nới lỏng các rào cản thương mại và hạn chế do Brexit tạo ra.
Với Mỹ, kể từ khi đắc cử, Thủ tướng Starmer đã thực hiện 2 chuyến đi tới Washington, trao đổi với Tổng thống Joe Biden về nhiều vấn đề, chính sách lớn như mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ, tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine, nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza và bảo đảm một khu vực châu Á - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.
Với cuộc xung đột tại Trung Đông, chính phủ của Thủ tướng Starmer đã chật vật “đi trên dây” giữa việc ủng hộ đồng minh Israel trong khi vẫn tìm cách hạn chế tổn thất về người tại Dải Gaza. Chính phủ Anh tiếp tục duy trì sự ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đi đầu trong các nỗ lực vận động sự ủng hộ Ukraine trong các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc, nhóm G7 và các đồng minh, đối tác của Anh…
Nhìn chung, sau giai đoạn khởi đầu tương đối thuận lợi, chính phủ của Thủ tướng Starmer đang đối mặt với nhiều khó khăn, sức ép và nhiều bê bối, có nguy cơ cản trở việc triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại trong chương trình nghị sự của mình, nhất là vấn đề nhập cư, tăng trưởng kinh tế và khủng hoảng dịch vụ công…