Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh tiền lương cơ sở
Tin tức - Sự kiện 10/10/2022 11:13
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là phiên họp quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc ngày 20/10.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 (trong đó có nội dung về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Với nhóm nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần, kết luận của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đáng chú ý, về điều chỉnh tiền lương cơ sở, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu, người nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội...
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung sẽ hết hiệu lực thi hành vào cuối năm 2022, gồm: Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho thành phố Hồ Chí Minh.
Quang cảnh phiên họp. |
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hầu hết thời gian 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 bị ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid-19, do đó, kết quả triển khai chưa được như mong muốn. Từ đó, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia đề xuất, kiến nghị các giải pháp để Hà Nội thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù trong thời gian tới.
Về công tác nhân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số chức danh bộ trưởng, trưởng ngành theo đề nghị của Chính phủ; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngay sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba của Quốc hội; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9-2022.
Toàn văn bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Sau 7 ngày (từ 3 - 9/10/2022) làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ sáu Ban ... |
Tổng Bí thư: Tiếp tục thực hiện những vấn đề lớn ở tầm mức mới với quyết sách mới Sáng 3/10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. |
Khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc sáng nay, 3/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng. Đồng ... |