Ứng dụng công nghệ số trong giao thông đang trở thành xu hướng tất yếu
Đời sống 07/11/2024 15:39
Xu thế tất yếu
Việc chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đóng vai trò quan trọng và là động lực chủ đạo cho sự phát triển của đất nước. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, giao thông vận tải (GTVT) gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến người dân, do đó, việc chuyển đổi số thành công ở lĩnh vực này giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn.
Theo TS. Lê Chí Luận, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ GTVT, xu thế ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT đang trở thành một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh mạng lưới giao thông ngày càng phát triển và sự gia tăng nhu cầu di chuyển của người dân, nhất là ở các đô thị lớn. Việc tích hợp công nghệ số vào quản lí giao thông không chỉ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lí nhà nước, tối ưu hóa việc tổ chức giao thông, giảm thiểu ùn tắc, nâng cao tính an toàn mà còn góp phần thiết thực vào việc thiết lập kho dữ liệu số của ngành và thực hiện lộ trình chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt, các công nghệ số còn giúp trải nghiệm của người dùng ngày càng được tối ưu và tiện lợi, tiết giảm chi phí vận hành và tăng cường tính công khai, minh bạch trong nhiều hoạt động.
TS. Lê Chí Luận, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ GTVT. |
“Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chuyển đổi số trong giao thông không chỉ là xu hướng mà còn là điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ thống giao thông bền vững và thông minh trong tương lai”, TS. Lê Chí Luận khẳng định.
Với tầm quan trọng như vậy, ngành GTVT và logistics là một trong tám lĩnh vực trọng yếu được Chính phủ nhấn mạnh cần được ưu tiên trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”.
Trên thực tế, trong những năm qua, ngành GTVT và logistics ở Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bước đầu, trong đó nổi bật là hoạt động vận tải đường bộ.
Nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch và bước đầu triển khai các hệ thống quản lí giao thông thông minh (ITS). Những hệ thống này sử dụng công nghệ thông tin để thu thập, phân tích và quản lí dữ liệu giao thông theo thời gian thực. Chẳng hạn, các hệ thống camera giám sát giao thông được lắp đặt tại nhiều nút giao lớn.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các ứng dụng di động cũng đã thay đổi thói quen người dân tiếp cận giao thông. Theo đó, các ứng dụng gọi xe như Grab, Be, hay các dịch vụ cho thuê xe đạp đã trở nên phổ biến, tạo ra mô hình chia sẻ giao thông mới.
Việc triển khai thành công hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) cũng được xem là một bước tiến lớn, đồng thời tạo ra những cơ hội mới trong việc mở rộng thu phí tự động tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định… hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ.
Đặc biệt, ngành GTVT đã tích cực thực hiện các chương trình chuyển đổi số trong quản lí hành chính công. Hiện nay các hoạt động của Bộ GTVT đã được đưa lên môi trường số, hướng tới việc quản lí và điều hành dựa trên cơ sở dữ liệu với 3 lĩnh vực chính ưu tiên bao gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải và an toàn giao thông.
Trong đó, điển hình là việc cấp đổi Giấy phép lái xe. Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm sạch dữ liệu Giấy phép lái xe và kết nối dữ liệu khám sức khỏe. Từ đây, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong toàn quốc từ tháng 11/2022, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí.
Hay như việc, sau khủng hoảng quá tải đăng kiểm do một số trung tâm phải ngừng hoạt động và thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân đăng kí, xếp lịch đăng kiểm, gia hạn tự động kì đăng kiểm...
Việc triển khai thành công hệ thống thu phí điện tử không dừng là minh chứng về tính hiệu quả và xu thế của chuyển đổi số trong ngành GTVT. |
Cái nhìn tổng thể và dài hạn
Dù là xu thế tất yếu và đã có những bước đi đầu tiên, chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT ở Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức đáng kể.
Theo TS. Lê Chí Luận, một trong những vấn đề chính là hạ tầng công nghệ tại nhiều khu vực còn yếu kém và không đồng bộ, khiến cho việc tích hợp các hệ thống thông tin gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số yêu cầu một phương pháp quản lí mới và năng lực điều hành cao hơn. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, công chức trong ngành nhận thức chưa đủ và chưa được đào tạo đầy đủ về công nghệ mới, dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai.
Sự chấp nhận của người dân đối với công nghệ mới cũng là một thách thức lớn. Nhiều người dân vẫn còn e ngại khi sử dụng các ứng dụng công nghệ cao hoặc không quen với việc thay đổi thói quen di chuyển của mình. “Nhận thức của cộng đồng về những cái mới là một điều phải được tính toán. Đơn giản chỉ một việc triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) khởi động hồi cuối tháng 11/2014, nhưng đến tháng 8/2022, mới có thể áp dụng trên toàn quốc, dù đây là một phương thức đã được nhiều quốc gia triển khai và chứng minh được tính hiệu quả. Do đó, trước mỗi sự thay đổi, việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng là rất cần thiết”, TS Lê Chí Luận giải thích.
Ngoài ra, khi chuyển đổi số trong ngành GTVT cũng cần lưu ý đến bảo mật thông tin, bởi vấn đề này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi lượng dữ liệu lớn được thu thập và xử lí.
Về giải pháp, chuyên gia này cho rằng, trước hết cần có một cái nhìn tổng thể và dài dạn về chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT và logistics. Đây là trách nhiệm của ngành GTVT và của từng địa phương.
“Đối với các siêu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì việc ứng dụng chuyển đổi số ngày càng cấp bách và được xem như là giải pháp cho bài toán giao thông vốn rất nan giải hiện nay. Tuy nhiên, đối với các địa phương, cũng cần sớm bắt tay vào việc, để tránh trường hợp, khi đã đô thị hóa rầm rộ, áp lực giao thông quá nặng nề thì mới triển khai chuyển đổi số trong giao thông”, TS. Lê Chí Luận trao đổi.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng công nghệ số. Điều này bao gồm việc nâng cấp mạng lưới viễn thông, xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ và hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng giao thông.
Cùng với việc tham khảo kinh nghiệm và công nghệ của quốc tế, Chính phủ cũng cần có các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giao thông. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giao thông có thể tạo ra nhiều cơ hội mới.