Trịnh Công Sơn - người thầy giáo yêu trẻ thơ
Đời sống 20/11/2024 10:02
Một tâm hồn yêu trẻ thơ
Sinh ra ở Đắk Lắk nhưng từ 4 tuổi, Trịnh Công Sơn đã theo gia đình ra Huế sinh sống. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng cho hay: “Thời kì ở Bến Ngự, Trịnh Công Sơn thường ham mê thú vui đi bắt ve ve với một vài người bạn thân… Suốt đời ve ve, nó chỉ biết ca hát, người ta thường mệnh danh nó là “ca sĩ mùa Hè”. Đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như là một mô phỏng của đời ve, với tấm thân rỗng không, suốt đời chạy về phía chân trời tràn ngập tiếng hát ca”. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã nhận xét: “Những năm tháng tuổi thơ ở Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của Trịnh”.
Sau khi trưởng thành, Trịnh Công Sơn học chuyên ngành Tâm lí giáo dục trẻ em Trường Sư phạm Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (1962-1964). Thời gian học tại Trường Sư phạm Quy Nhơn, “bộ ba” Trương Văn Thanh chơi violon, Thanh Hải chơi ghi-ta điện, Trịnh Công Sơn chơi ghi-ta thùng đã lập nên ban nhạc không chuyên Thanh Sơn Hải.
Tiếp đó, sau khi mãn khóa, Trịnh Công Sơn lên B’Lao (nay là TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) dạy học tại Trường sơ học Bảo An trong 3 năm (1964-1967). Trong bài: “Trịnh Công Sơn với cao nguyên bụi đỏ sương mù”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, một người bạn của Trịnh Công Sơn, đã mô tả về ngôi trường này như sau: “Trường Bảo An có ba lớp 1, 2, 3, sĩ số mỗi lớp chừng vài mươi em, đa số học sinh là người dân tộc ít người, chỉ có dăm ba em là người Kinh. Cơ sở của trường có hai phòng đứng chơ vơ trên một bãi đất trơ trụi, mái lợp tranh, vách nứa; học sinh mặt mày lem luốc, mũi dãi lò thò, áo quần rách rưới, nhuộm bụi đỏ trông rất thê thảm”.
Nhạc Trịnh là dòng nhạc được yêu thích của khán giả Việt Nam. |
Trịnh Công Sơn được đào tạo chính quy nên làm trưởng giáo. Những học sinh của Trịnh Công Sơn vì đa số là người dân tộc thiểu số nên phải thường nghỉ học để phụ ba mẹ làm nương rẫy. Thông cảm với sự nghèo khó của các em học sinh, dù phải cuốc bộ trên đường dốc mỗi ngày từ phòng trọ đến trường nhưng Trịnh Công Sơn vẫn nhiệt tình dạy âm nhạc cho các em.
Những sáng tác vì trẻ thơ
Trong bài: “Trịnh Công Sơn với cao nguyên bụi đỏ sương mù”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thông tin: “Từ hồi còn học Sư phạm, Trịnh Công Sơn đã sáng tác nhiều bài hát cho thiếu nhi. Lúc lên dạy học ở B’Lao, anh lại sáng tác thêm nhiều bài nữa”.
Trong bài hát “Em sẽ là hoa hồng nhỏ”, kí ức về ngôi trường sơ học Bảo An như mở ra trong tâm trí nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Em đến trường học bao điều lạ. Môi mỉm cười là những nụ hoa. Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ. Em gối đầu trên những dòng thơ. Em thấy mình là hoa hồng nhỏ. Bay giữa trời làm mát ngày qua”. Cả đất trời Lâm Đồng như thu lại qua những ca từ: “Trời mênh mông đất hiền hòa. Bàn chân em đi nhè nhẹ. Đưa em vào tình người bao la”. Đặc biệt nhất là đoạn cuối: “Cây cỏ rừng bầy chim làm tổ. Sông có nguồn từ suối chảy ra. Tim mỗi người là quê nhà nhỏ. Tình hồng thắm như mặt trời xa”. Nơi có cây, có rừng, có sông có suối, có mặt trời xa, đích thị là núi cao, đồi dốc và thung lũng của B’Lao.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài “Ông tiên vui”. Không khó để chúng ta nhận ra “ông tiên vui” ở đây chính là nhạc sĩ, còn “em” là kí ức về những người học trò Trường sơ học Bảo An: “Ông tiên vui ông có cái râu dài. Đêm ông về nằm yên trên đỉnh mây. Ông tiên vui ông thường hay nói tới. Chốn thiên đình chẳng có tháng ngày trôi. Ông tiên vui ông có cái căn nhà. Bên lưng đồi thường khi ông ghé qua. Hôm em lên ông chợt đi đâu vắng. Khiến em buồn em nhớ đến ngẩn ngơ. Ông tiên vui nên tính ông hay đùa. Em xin quà thì ông hứa sẽ mua. Ông tiên vui ông thường cho em bánh. Bánh thơm bằng sương mát với ngàn hoa”. Thông tin “ông tiên vui ông có căn nhà” là để chỉ về nhà trọ của Trịnh Công Sơn tại B’Lao. Đó là một ngôi nhà kiểu biệt thự mới xây trên khu đất khoáng đạt ở gần Ty Công chính Lâm Đồng.
Trong Hồi kí “Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn” của Nguyễn Thanh Ty, một đồng nghiệp thời đó của Trịnh Công Sơn, các em học sinh Trường sơ học Bảo An rất thích trò bắn bi. Sau này nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát về những hòn bi là bài “Như một hòn bi xanh”. Lời bài hát như phần kí không thể nào quên về những tháng năm ở Lâm Đồng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Như một hòn bi xanh. Trái đất này quay tròn. Căn nhà ta nằm nhỏ. Trong một lòng quê hương. Này em trong mỗi con tim. Nhớ mang quê hương của mình. Như một hòn bi xanh. Trái đất này quay tròn. Đất già cho đời trẻ. Nên đời được yêu luôn. Như một hòn bi xanh. Trái đất này quay tròn. Nơi này ta cùng gặp. Những ngày buồn vui chung. Như một hòn bi xanh. Trái đất này quay tròn. Vô tình ta cùng chọn. Nơi này làm quê chung”.
Những ngày mùa Hè về, “Tiếng ve gọi Hè” làm cho những “búp măng non” cảm thấy xuyến xao khi được vui thú với bạn bè suốt ngày sau những ngày tháng học tập vất vả: “Khắp phố phường tiếng ve kêu hè hè hè. Và trong những tàn lá me kêu hè hè hè...”. Ưu ái với mùa Hè, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có bài hát “Mùa hè đến” với những ca từ thật dễ thương: “Mùa Hè đến những cơn mưa vội vàng qua. Phượng tươi thắm nhớ đôi môi hồng mùa hạ. Có đầy trong lá và trong gió. Bầy ve hát xôn xao phố nhà…”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có bài: “Đời sống không già vì có chúng em”. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, tâm hồn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dường như trẻ lại. Người thầy giáo năm nào đã sống lại trong tâm trí của người nhạc sĩ tài danh này: “Vì có chúng em nên đời sống mãi không già. Vì có chúng em nên mặt đất luôn nở hoa. Bàn chân em đến giữa đời. Là thế giới thêm niềm vui. Bàn tay măng non bên người. Tìm xóa những lo âu dài. Vì có chúng em như mùa Xuân cho mọi nhà. Vì có chúng em nên đời sống như trẻ ra”.
Những học sinh trong “Khăn quàng thắp sáng bình minh” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật đẹp và đầy ắp hoài bão: “Kìa có con chim non, chim chơi ở sân trường. Ồ chú chim xinh đẹp hót chào mừng xuân. Kìa các em thơ ngây như giấc mộng giữa đời. Lòng biết ơn bao điều cô thầy đã dạy. Học cho ngoan, lớn cho nhanh, bay vào đời xây dựng. Rèn đôi tay, chắc đôi chân lao động là vinh quang. Kìa các em xinh xinh, chân bước vội đến trường. Từng chiếc khăn em quàng thắp đỏ bình minh. Từng cánh tay măng non, đang xây ngày mai hồng, Đoàn thiếu nhi em là hi vọng Việt Nam”.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn ưu ái dành cho các em thiếu nhi những sáng tác hay, vui nhộn, đậm chất trữ tình. Đó là các bài: “Mẹ đi vắng”, “Tuổi đời mênh mông”, “Vì bé ngoan”, “Ai ngoài cánh cửa”, “Tết suối hồng”, “Mừng sinh nhật”, “Em đến cùng mùa xuân”…
Có thể khẳng định, những năm tháng theo nghề giáo tại tỉnh Lâm Đồng đã giúp cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người theo học chuyên ngành Tâm lí giáo dục trẻ em Trường Sư phạm Quy Nhơn có thêm kinh nghiệm thực tế để sáng tác nên những bài hát thiếu nhi có sức lôi cuốn và đi cùng năm tháng.