TP Hồ Chí Minh: Sẵn sàng cho kỉ nguyên vươn mình
Xã hội 01/01/2025 09:33
Bạn cùng nghề ở Hà Nội a lô vào TP Hồ Chí Minh hỏi mà như “phỏng vấn”: “Phóng viên cao tuổi như ông nghĩ thế nào về những sự kiện vừa và đang xảy ra ở Sài Gòn?”. Tôi thầm nghĩ, trên Internet tin gì cũng có, cắc cớ gì mà phải là “phóng viên cao tuổi” mới “nói cảm nghĩ” về Sài Gòn, sao ông bạn không hỏi các nhà báo trẻ, nhỉ?
Nghĩ thế nhưng tôi vẫn chiều lòng bạn nghề: Sau hơn 10 năm chờ đợi, mấy ngày cuối tháng 12 năm con Rồng, dân TP Hồ Chí Minh đã được đi lại trên tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) xấp xỉ 20km, và khoảng 5 năm nữa sẽ được ngồi trên tàu điện tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương 11km, rồi Sài Gòn tiếp tục làm đường sắt đô thị tỏa ra 5 phương, 4 hướng.
Bạn hãy mừng cùng Sài Gòn quê hương tôi lần đầu tiên sau 326 năm mới có tuyến đường sắt đô thị hiện đại, với 17 tuyến xe buýt xanh liên thông cùng hàng chục cầu vượt thuận tiện cho hành khách, không chỉ làm cho mạng lưới giao thông công cộng thông thoáng mà còn mở ra không gian phát triển mới, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, nhà ở, tạo vốn tái đầu tư hạ tầng.
Nhân đây, tôi “thông tin” cho bạn nghề biết, từ những bài học kinh nghiệm trong quá trình đầu tư, xây dựng tuyến Metro số 1, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị nhân lực chất lượng cao để “nội địa hóa” từ xây dựng đường ray, nhà ga đến nhà điều hành tuyến Metro số 2 với vốn ngân sách (một phần từ trái phiếu) chứ không vay ODA. Tôi nghĩ, cách làm này sẽ không bị kéo dài thời gian, giảm hẳn đội vốn, và có thể có những bài học quý giá giúp Chính phủ tham khảo trong quá trình xây dựng tuyến đường tàu cao tốc Bắc Nam dự trù 67 tỉ USD.
Một tin vui nữa là trong năm 2024, nhờ có Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh mà TP. Hồ Chí Minh khơi thông tốt các nguồn lực, tháo gỡ một số điểm nghẽn, cùng với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, các nhiệm vụ chủ yếu đề ra đã cơ bản hoàn thành. Trong đó tăng trưởng GRDP cả năm đạt 7,17%, thu ngân sách hơn 502.000 tỉ đồng (tăng 12% so với năm 2023), đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước; đặc biệt kinh tế số có mức đóng góp khá cao vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), như năm 2021 là 15,38%, năm 2022 là 18,66%, năm 2023 là 21,5%, năm 2024 đạt 22%. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu kinh tế số đóng góp 25% GRDP vào năm tới, 40% vào năm 2030.
Những con số ấy là “khá ấn tượng”, phải không?
2.
Nhưng chắc sự kiện mà bạn nghề muốn được biết hơn cả là TP Hồ Chí Minh thực hiện như thế nào quyết sách sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước, các tổ chức xã hội và tổ chức Đảng tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả (sau đây xin gọi tắt là “tinh gọn bộ máy Nhà nước”).
Bạn ơi, cùng cả nước, đi đâu, ngồi đâu, từ công chức đến phó thường dân ở Sài Gòn, ai ai cũng bàn đến chuyện "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh khi tổ chức lại bộ máy Nhà nước với đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lí, chuẩn hóa chức danh trong cuộc “đại cách mạng” này. Như vậy, điều kiện đủ cho sự thành công trọn vẹn của cuộc cách mạng hiện nay là sự cải thiện chất lượng của yếu tố con người thể hiện qua năng lực, đạo đức phải phù hợp với vị trí việc làm, phải đúng tinh thần việc tìm người, một người làm cùng lúc nhiều việc, từ đó giảm chi ngân sách gần 70% xuống còn 40% để có vốn phát triển đất nước.
Bạn biết đấy, đã cách mạng theo nghĩa tốt, trước hết phải đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức. Trong cuộc cách mạng lần này, chắc bạn cũng như tôi, không thể quên một vài năm trước Đại hội VI của Đảng ai cũng hào hứng với cụm từ ấy, tức có chuyển được nhận thức từ “chủ nghĩa tập trung, bao cấp” sang tư duy “kinh tế thị trường” thì đất nước mới phát triển. Khi tháo gỡ được “điểm nghẽn” do bao cấp, bao cấp cả tư tưởng - làm cho nền kinh tế và xã hội rơi vào khủng hoảng, đất nước ta đã phát triển vượt bậc. Bây giờ đã là thời cơ để bước vào kỉ nguyên mới - kỉ nguyên vươn mình của đất nước - phải đổi mới tư duy lần nữa, phải làm cuộc cách mạng lần nữa. Cuộc cách mạng lần này cam go hơn cuộc cách mạng “đổi mới”, bởi không phải cán bộ, công chức nào cũng sẵn sàng hi sinh quyền lợi, chức tước vì nghĩa lớn. Nhưng không tiến hành không được, mà đã tiến hành thì như chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhanh, gọn, bàn tới, không bàn lùi, phải cơ bản hoàn thành vào cuối tháng 2/2024, mà tháng này chỉ có 28 ngày, lại càng thúc bách!
Dịp này tôi lại nhớ ngày 25/5/1987, Báo Nhân Dân bắt đầu đăng loạt bài “Những việc cần làm ngay” của N.V.L. Ban biên tập báo Nhân Dân biết tác giả loạt bài ấy là Nguyễn Văn Linh - người được Đại hội Đảng lần thứ VI, tháng 12 năm trước bầu làm Tổng Bí thư, còn người đọc thì chỉ đoán tác giả là “một ông rất lớn”. Bảy tháng sau Đại hội VI, loạt bài Những việc cần làm ngay càng được các tầng lớp Nhân dân quan tâm bởi đã khơi dậy và dẫn dắt phong trào đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, lãng phí trên cả nước, trong đó báo chí là lực lượng tham gia tích cực nhất.
Nhưng rồi phong trào ấy đã thoái trào, mãi đến khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, nó mới được khơi dậy ở lĩnh vực chống tham nhũng, đang đạt được kết quả bước đầu.
Nguyên nhân, như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra: Ngoài sự suy thoái đạo đức, lối sống của nhiều cán bộ, công chức, trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Bạn nghề cũng như tôi đều biết thể chế là hệ thống các thiết chế (Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội...) và những quy tắc, luật pháp điều chỉnh hoạt động của những thiết chế ấy.
Để tháo điểm nghẽn của điểm nghẽn, Bộ Chính trị đưa ra chủ trương từ trước đến nay chưa từng có, là tinh giản bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, phải xong trong khoảng bốn tháng!
Thực hiện ngay chủ trương ấy, ngày 1/1/2025, 41 phường mới sáp nhập từ 80 phường của TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức hoạt động. Mà 80 phường ấy lại nằm trong số 120 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Như vậy, nếu sắp xếp xong, TP Hồ Chí Minh sẽ giảm từ 322 phường, xã, thị trấn xuống còn 273, giảm 49 đơn vị. Để hạn chế thấp nhất sự xáo trộn về hành chính, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các địa phương chỉ hướng dẫn người dân thay đổi giấy tờ khi có nhu cầu phát sinh, phải thừa nhận tính hợp pháp của các loại giấy tờ trước đó. Cán bộ, công chức phường phải nghỉ việc do tinh gọn, ngoài chế độ của Trung ương, TP Hồ Chí Minh sẽ trợ cấp thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác và từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm sẽ được cấp thêm nửa tháng lương, mà có đến 1.022 nhân sự dôi dư thì số tiền không ít!
Sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, TP Hồ Chí Minh dự kiến giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố. Các sở giải tán và sáp nhập sẽ theo ngành dọc ở Trung ương, các ban trực thuộc sở hay thành phố cũng kết thúc họat động hoặc sáp nhập. Tất cả giảm 129 đầu mối các cấp.
Về tổ chức Đảng TP Hồ Chí Minh sẽ giảm 24 đảng bộ, kết thúc hoạt động 11 đảng đoàn, ba ban cán sự Đảng và Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng.
Tất cả cán bộ, công chức dôi dư, ngoài chính sách của trung ương, TP Hồ Chí Minh có chính sách hỗ trợ tài chính riêng để họ có thể tạm yên tâm rời công sở vĩnh viễn.
Tôi chỉ thống kê bấy nhiêu để bạn nghề đọc đỡ mệt, bởi danh sách tinh gọn các cơ quan chính quyền và Đảng ở TP Hồ Chí Minh còn dài lắm.
3.
Để bước vào kỉ nguyên đất nước vươn mình trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, và để tinh gọn bộ máy Nhà nước, tạo cơ hội nâng cao năng suất công việc, TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm đưa khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành nền tảng cốt lõi cho sự phát triển, thể hiện khát vọng giữ vững vị thế “đầu tàu” cả nước về kinh tế.
Dân Sài Gòn, trong đó có tôi “nhất trí” với cách làm ấy, bởi nhìn lại năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã cho ra đời Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, là nơi hội tụ công việc trọng điểm trong các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp văn hóa, phát triển bền vững, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân. Về công nghệ, TP Hồ Chí Minh đang trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất cả nước với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân cao nhất cả nước với tỉ lệ đạt 3,1, chiếm khoảng 30% tổng doanh thu ngành công nghệ thông tin của cả nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng từ các công ty công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước; những khu công nghệ cao đã trở thành điểm đến cho các tập đoàn đa quốc gia, tạo động lực phát triển công nghiệp công nghệ cao…
Bạn cùng nghề thân mến, thế là tôi phần nào trả lời được câu hỏi về những sự kiện nổi bật ở Sài Gòn trong năm 2024, chỉ thiếu phần quan trọng nữa là thành phố của tôi đang cùng cả nước chống lãng phí, mà số tài sản lãng phí còn cao gấp nhiều lần số tiền tham nhũng!