Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thăm và làm việc với Hải quan Hoa Kỳ
Xã hội 18/05/2024 08:04
Tại buổi hội đàm với Cao ủy Hải quan Hoa Kỳ trong khuôn khổ chuyến thăm, hai Bên đã dành nhiều thời gian trao đổi cụ thể, thẳng thắn và cởi mở về kết quả triển khai Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (Hiệp định CMAA). Theo đánh giá của hai Bên, hoạt động hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau nhằm ngăn chặn các vi phạm hải quan theo Hiệp định CMAA đã được triển khai hiệu quả, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của cả hai phía. Cao ủy Hải quan Hoa Kỳ đánh giá cao các nỗ lực Hải quan Việt Nam trong việc hỗ trợ và cung cấp thông tin cho Hải quan Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra xác minh các nghi vấn gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Hải quan Việt Nam cũng đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo tăng cường năng lực mà Chính phủ Hoa Kỳ nói chung và Hải quan Hoa Kỳ nói riêng đã dành cho Hải quan Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn và Quyền Cao ủy Hải quan Hoa Kỳ Troy Miller đã ký “Tuyên bố Ý định tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quản lý rủi ro đối với hàng hóa bao gồm việc thiết lập Chương trình trao đổi dữ liệu hàng hóa điện tử với nước ngoài (FECDEP) tại Việt Nam”. |
Trao đổi về định hướng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai Bên nhằm đóng góp cho tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều, đảm bảo an ninh quốc gia và chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam và Quyền Cao ủy Hải quan Hoa Kỳ đã thống nhất tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên mà 2 bên cùng quan tâm gồm: Trao đổi thông tin và chia sẻ dữ liệu điện tử trên cơ sở các thông lệ quốc tế và theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới. Theo đó, Lãnh đạo của hai cơ quan đã thảo luận về khả năng triển khai kết nối thông tin giữa các cặp cảng biển lớn của Việt Nam và Hoa Kỳ (có thể chọn 1 cặp cảng biển lớn để thực hiện thí điểm). Hai Bên cho rằng việc thiết lập và triển khai cơ chế trao đổi dữ liệu điện tử đối với hàng hóa giao thương giữa hai Bên sẽ là công cụ hữu ích góp phần tạo thuận lợi thương mại giữa hai nước song song với việc đảm bảo an ninh thương mại nhờ việc phân tích, đánh giá và loại trừ rủi ro từ sớm, từ xa dựa trên thông tin được trao đổi trước giữa hai Bên.
Tăng cường các hoạt động hợp tác nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, gian lận chuyển tải, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và kiểm soát hành vi chuyển tải bất hợp pháp, xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nguyên liệu được sản xuất từ lao động cưỡng bức. Để triển khai cụ thể nội dung này, hai Bên thống nhất thực hiện cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên, cập nhật về danh mục hàng hóa, ngành hàng và doanh nghiệp rủi ro cao về gian lận, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các biện pháp kỹ thuật hiệu quả để có thể nhận diện, ngăn chặn hành vi chuyển tải bất hợp pháp, xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nguyên liệu được sản xuất từ lao động cưỡng bức.
Nhằm khẳng định thiện chí của hai Bên trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan, đóng góp vào quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam và Quyền Cao ủy Hải quan Hoa Kỳ đã ký “Tuyên bố Ý định tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quản lý rủi ro đối với hàng hóa bao gồm việc thiết lập Chương trình trao đổi dữ liệu hàng hóa điện tử với nước ngoài (FECDEP) tại Việt Nam”. Tuyên bố Ý định là sự cụ thể hóa các hoạt động hợp tác và hỗ trợ giữa hai Bên theo Hiệp định cấp Chính phủ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan, tập trung vào các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý hải quan. Trên cơ sở Tuyên bố Ý định này, hai Bên sẽ tổ chức các cuộc làm việc cấp kỹ thuật để trao đổi cụ thể về cách thức và cơ chế kết nối (dưới hình thức 1 thỏa thuận về kỹ thuật) nhằm hiện thực hóa chương trình này trong thời gian tới.
Chuyến công tác lần này của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Hoa Kỳ, thể hiện qua cam kết giữa hai Bên về hợp tác trao đổi chia sẻ dữ liệu điện tử đối với hàng hóa giao thương giữa hai nước phục vụ yêu cầu quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Hoạt động hợp tác nghiệp vụ thực chất này sẽ hỗ trợ thiết thực cho công tác quản lý và kiểm soát hải quan, bảo đảm an ninh thương mại bên cạnh yếu tố truyền thống là tạo thuận lợi thương mại, từ đó sẽ mang lại đóng góp thực chất và tương xứng với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà 2 nước vừa xác lập.