Tôn vinh giá trị gia đình Việt Nam
Trong mắt người già 28/06/2019 09:21
Đây là dịp để các cấp, ngành, các đoàn thể tổ chức cao điểm hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân phát huy truyền thống của dân tộc, chọn lọc, tiếp thu những giá trị tiên tiến của xã hội hiện đại, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, quan tâm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được các thế hệ gia đình Việt Nam gìn giữ, lưu truyền, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác và liên tục được tiếp nhận, bổ sung những giá trị tốt đẹp mới. Xã hội hiện nay cấu trúc gia đình có nhiều thay đổi: Còn rất ít gia đình ba, bốn thế hệ sống chung trong một mái nhà; tư tưởng trọng nam, khinh nữ giảm đi, vai trò của người phụ nữ được nâng lên; tự do cá nhân được coi trọng; quan hệ giữa cha mẹ với con cái cởi mở hơn; mọi thành viên có ý thức thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa...
Những thay đổi đó góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa trong gia đình, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò gia đình là nền tảng của xã hội, một nhân tố vô cùng quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Gia đình sống tại các đô thị, nhất là đô thị lớn, ngoài các chuẩn mực chung cũng có những nét riêng. Là trung tâm kinh tế, đầu mối giao lưu và hội nhập, người dân thành phố có điều kiện trong việc tiếp cận những giá trị văn hóa của các nước trong khu vực và thế giới, nhanh nhạy tiếp nhận những giá trị mới, tốt đẹp của nhân loại để bổ sung, làm phong phú thêm những giá trị truyền thống vốn có của mình.
Tuy nhiên, cùng với những giá trị tốt đẹp, thành phố cũng là nơi dễ dàng “lây nhiễm” những yếu tố tiêu cực, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, lối sống, cách ứng xử không phù hợp của một bộ phận người dân, trong đó nổi lên là lối sống ích kỉ, đề cao quá mức tự do cá nhân, coi giá trị tiền bạc, vật chất hơn tình cảm... Nhiều gia đình hằng tuần không thể có được một bữa cơm với đầy đủ các thành viên. Tình trạng này diễn ra hằng ngày làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự trao đổi, gắn bó tình cảm vợ chồng, cha mẹ, ông bà, con cháu...
Để gia đình thật sự là tổ ấm hạnh phúc, từng người trong gia đình cần quan tâm đến nhau nhiều hơn, gần gũi nhau hơn, nhất là với cha mẹ già, con trẻ. Bên cạnh đó, mỗi gia đình, dù bận rộn thế nào cũng nên cố gắng thu xếp công việc, thời gian để có bữa ăn chung hằng ngày, hay ít nhất là một vài ngày trong tuần. Thực tế cho thấy, bữa cơm gia đình là lúc mọi thành viên sum vầy, trao đổi với nhau những niềm vui, hoặc chia sẻ khó khăn gặp phải trong công việc, quan hệ xã hội... Bữa cơm gia đình hằng ngày đúng nghĩa sẽ là một trong những sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, là yếu tố quan trọng để xây dựng gia đình hạnh phúc