Tỉnh Bắc Kạn: Người cao tuổi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Văn hóa - Thể thao 13/06/2024 09:21
Tranh thủ lúc nông nhàn, nhiều NCT ở thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông lại thêu thùa trang phục dân tộc. Trang phục của dân tộc Dao Tiền đòi hỏi sự tỉ mỉ, thêu tay từng đường kim mũi chỉ nên mất nhiều thời gian. Những người phụ nữ ở đây được bà, mẹ truyền dạy lại và duy trì đến ngày hôm nay. Với họ đây không chỉ là nét văn hóa của dân tộc mà là một phần không thể thiếu trong những dịp quan trọng của quá trình trưởng thành.
Để hoàn thiện một bộ trang phục của người Dao Tiền mất nhiều thời gian. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao Tiền gồm: Áo, yếm, xà cạp, dây lưng, khăn vấn đầu, váy dài cùng đồ trang sức vàng bạc. Phụ nữ Dao Tiền rất thích trang sức, chủ yếu là các đồng bạc trắng hay kim loại, vòng bạc trắng được dùng để trang trí, làm các khuy bạc có đường kính từ 6 đến 7 cm đính nổi bật ở trên áo chàm. Ở cổ áo, thân sau được đeo một số đồng bạc thường từ 6 đến 12 đồng. Cả bộ trang sức có khi nặng đến vài ki-lô-gam. Một bộ trang phục đẹp hoàn chỉnh cùng với trang sức vòng bạc có giá trị gần trăm triệu đồng.
NCT thôn Bản Chiêng gìn giữ trang phục truyền thống dân tộc. |
Vừa thoăn thoắt đôi tay trên bộ trang phục còn đang thêu dở, bà Bàn Thị Thượng, 70 tuổi, ở thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong chia sẻ, năm 18 tuổi, bà đi làm dâu, biết thêu từ nhỏ đến bây giờ bà tự làm được 9 bộ quần áo gồm cả áo, quần, váy. Thêu không khó đâu nhưng phải chăm chỉ, kiên trì mới làm được, chỉ tranh thủ làm khi mùa màng đã xong nên lâu, có khi mất cả năm mới xong được cái áo. Do mua tốn kém nên bà vừa làm vừa dạy con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024, phần trình diễn “Múa bát” của người Tày đã thu hút đông đảo người tham gia, trong đó có NCT. Múa bát là điệu múa cổ của người Tày, được các thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau, đây là điệu múa mô phỏng nghề dệt vải truyền thống của người Tày.
Là người tham gia tập luyện và biểu diễn “Múa bát”, bà Lý Thị Kim, Chủ tịch Hội NCT xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm chia sẻ: “Những động tác múa bát rất ý nghĩa, gần gũi với cuộc sống đời thường của người Tày Bắc Kạn nói riêng và của đồng bào vùng Đông Bắc nói chung. Vì vậy, với tư cách là Chủ tịch Hội NCT xã, tôi sẽ tiếp tục tập luyện cho các chị em trong hội, nhất là các chị em trong đội văn nghệ, dưỡng sinh. Từ đó, lan tỏa điệu múa bát đến toàn thể hội viên các chi hội để gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống này”.
Tỉnh Bắc Kạn có 7 dân tộc, mỗi dân tộc có những nét văn hóa, bản sắc riêng. Hiện, toàn tỉnh có hơn 38.600 NCT. Những năm qua, NCT đã làm tốt công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực thông qua việc thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ… Qua đó giúp phát huy đời sống văn hóa của đồng bào tại địa phương ngày càng phong phú, đa dạng.
Bà Đinh Thị Sơn, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong những năm qua, việc phát triển giữ gìn văn hóa dân tộc trên địa bàn được nhiều NCT quan tâm, giữ vai trò nòng cốt trong các CLB văn hóa, văn nghệ ở thôn bản, tổ dân phố. Tập hợp NCT thành lập CLB văn hóa, văn nghệ, CLB để giữ gìn bản sắc; khôi phục và duy trì tiếng hát, tiếng nói, trang phục để truyền dạy cho con cháu. Từ đó, con cháu biết yêu và trân trọng hơn về văn hóa dân tộc. Tạo sức lan tỏa trong cộng đồng góp phần giữ gìn và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Từ việc tham gia các hoạt động gìn giữ văn hóa truyền thống đã giúp NCT phát huy vai trò của mình trong xây dựng nếp sống văn hóa tại cộng đồng dân cư. NCT trở thành tấm gương góp phần kết nối thế hệ trẻ với các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông. Từ đó, mang những giá trị lịch sử, đạo đức và văn hóa song hành cùng đời sống hiện đại.