Tỉnh An Giang thực hiện tốt “mục tiêu kép”
Xã hội 26/07/2021 17:44
Thay đổi để chống dịch hiệu quả
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương diễn biến phức tạp phải thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khiến số lượng người dân trở về quê khá lớn. Sở Y tế An Giang đã hướng dẫn kể từ ngày 9/7/2021, người dân từ các địa phương này về An Giang phải được cách li tập trung 21 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần. Kinh phí xét nghiệm và cách li tập trung do cá nhân tự chi trả.
Quy định đó hiện đang phát sinh bất cập. Có trường hợp người lớn tuổi, mắc một số bệnh nền, bệnh mạn tính, như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch… khi vào cách li tập trung rất khó khăn trong sinh hoạt, điều trị bệnh. Chưa kể, việc cách li tập trung số lượng quá lớn có thể xảy ra lây nhiễm chéo giữa những người không nhiễm và người nhiễm Covid-19. Vì vậy, tăng cường cách li tại nhà, treo biển thông báo trước nhà để cộng đồng giám sát là giải pháp phù hợp khi số ca nhiễm tăng, số lượng F1, người về từ vùng dịch lớn, gây quá tải cho các sơ sở cách li tập trung.
Đảm bảo lương thực, thực phẩm cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn trong tình hình dịch bệnh. Nguồn angiang.gov.vn |
Ngày 14/7/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã kí Công văn 704/UBND-KGVX về việc giảm thời gian cách li, thí điểm cách li y tế tại nhà, quản lí điều trị bệnh nhân Covid-19 và giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức hướng dẫn, triển khai. Theo đó, các đối tượng F1 và người nhập cảnh, thời gian cách li y tế chỉ còn 14 ngày, sau đó theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo, đồng thời nghiên cứu triển khai thí điểm cách li F1 tại nhà. Sở Y tế căn cứ vào tình hình thực tế có thể điều chỉnh phù hợp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lí, giám sát cách li bảo đảm an toàn; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện. Sau khi thí điểm, tổ chức đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và xem xét triển khai trên qui mô rộng hơn.
Về quản lí điều trị, đối với các bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.
Với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng không có triệu chứng lâm sàng, nếu tải lượng virus thấp (CT≥ 30) thì đưa vào cơ sở y tế cách li, theo dõi. Sau 24 giờ làm lại xét nghiệm nếu lượng virus thấp (CT≥ 30) hoặc kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì cho bệnh nhân xuất viện, thực hiện giám sát y tế tại nhà.
“Gian hàng 0 đồng” có mặt ở 18 xã, thị trấn. Nguồn angiang.gov.vn |
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan triển khai ngay việc thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại các cụm công nghiệp. Trong đó, các nhà máy, phân xưởng sản xuất, công ty phải thực hiện việc giảm quy mô sản xuất, bảo đảm giãn cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng diệt khuẩn, tự tổ chức đánh giá mức độ an toàn về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng và thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ).
Người đứng đầu cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Người lao động bắt buộc khai báo y tế, tuân thủ quy định khi tiếp xúc, giao tiếp; tổ chức chặt chẽ việc đưa đón người lao động từ nhà đến nơi làm việc, ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh vào đơn vị sản xuất. Các cơ sở sản xuất không bảo đảm quy định về phòng, chống dịch thì dừng hoạt động.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
6 tháng đầu năm 2021, tỉnh An Giang thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xuất - nhập khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng, là điểm sáng trong các hoạt động thương mại của tỉnh. Những ưu đãi trong các hiệp định thương mại đã kí kết, được các doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Nhiều thủ tục hành chính nhằm giúp các hoạt động thông quan xuất - nhập khẩu tại các cửa khẩu được thực hiện tốt, hàng hóa không bị ùn ứ...
Hầu hết các mặt hàng chủ lực của tỉnh có kim ngạch xuất khẩu tăng so cùng kì. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 546 triệu USD, tăng 3,94%. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 462 triệu USD, tăng 3,27%; nhập khẩu ước đạt trên 84 triệu USD, tăng 7,74%.
Thị trường xuất khẩu qua 38 nước, cao nhất là thị trường châu Á (79,33%); kế đến là châu Phi (16,57%); còn lại là châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương. Xuất khẩu rau quả đông lạnh đạt 4.700 tấn, tương đương 8 triệu USD, tăng 5,17% về sản lượng và tăng 5,26% về kim ngạch. Các mặt hàng may mặc đạt 68,11 triệu USD, tăng 6,59% về kim ngạch. Việc xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, ước đạt trên 1,3 tỉ USD, tăng 57% so cùng kì năm 2020.
Ngươi dân nhận các mặt hàng từ gian hàng 0 đồng. |
Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, ngoài việc tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất - nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2025, Sở chủ động liên hệ Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để thông tin nhu cầu thị trường và các danh mục hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2021.
Sở cũng rà soát việc triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) của các DN kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn; hỗ trợ và hướng dẫn DN xin cấp giấy chứng nhận xuất khẩu... Ngoài ra, ngành công thương còn phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị tập huấn kết nối DN tỉnh với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Qua đó, hỗ trợ 13 DN tham gia kết nối B2B (DN với DN) trực tiếp với các tập đoàn phân phối (Aeon, Lotte, Amazon)...
Từ nay đến cuối năm 2021, ngành công thương tiếp tục phối hợp kết nối với các Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam rà soát thị trường, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu, các cam kết về thuế quan… để thông tin đến DN nghiên cứu đưa vào kế hoạch xúc tiến. Tiếp tục trao đổi với Thanh toán thương mại Việt Nam tại các nước thay đổi kết nối giao thương truyền thống sang hình thức trực tuyến…
Ngành sẽ thường xuyên nắm bắt thông tin về xuất - nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới của tỉnh. Chủ động phối hợp với lực lượng chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN và cư dân biên giới tham gia hoạt động biên mậu, góp phần thực hiện “mục tiêu kép. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, giúp cơ quan quản lí Nhà nước, DN tiếp cận thông tin cơ bản, rõ ràng, chính xác về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã kí kết với các quốc gia…
Với ngành ngân hàng, hiện nay tỉnh có 61 tổ chức tín dụng đầu mối với 14 chi nhánh trực thuộc, 136 phòng giao dịch, 157 điểm giao dịch và 24 điểm giới thiệu dịch vụ. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội có điểm cho vay, thu nợ và 24 Quỹ tín dụng Nhân dân hoạt động ở 144/156 xã, phường, thị trấn. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 74.423 khách hàng thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 được hỗ trợ. Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới 63.222 tỉ đồng, chiếm 72,4% tổng dư nợ toàn tỉnh. Dư nợ được miễn, giảm lãi vay 9.430 tỉ đồng với 7.884 khách hàng; tiền lãi khách hàng được miễn, giảm lãi suất vay 16,45 tỉ đồng; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1.098 tỉ đồng với 7.148 khách hàng; cho vay mới 52.695 tỉ đồng với 59.391 khách hàng. Qua đó giúp người dân và DN từng bước khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi...
Để bảo đảm đời sống cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, tỉnh hỗ trợ 1 lần cho người lao động cư trú hợp pháp hành nghề bán lẻ vé số lưu động trên địa bàn số tiền 1.500.000 đồng/người. Kinh phí từ nguồn tài chính hợp pháp của Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang. Ngoài ra, phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái”, nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã huy động các nguồn lực, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn thực hiện cách li xã hội, thông qua các mô hình: “Gian hàng 0 đồng”, “Quầy hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Quán cơm 2.000đồng”.