Cần xem xét, giải quyết những kiến nghị của người dân địa phương
Pháp luật - Bạn đọc 12/04/2024 09:46
Theo thông tin từ người dân ở xã Đạp Thanh, năm 2019, tại UBND xã Đạp Thanh, có tổ chức bán đấu giá đất nhà ở. Nhưng người dân cho rằng, cuộc đấu giá này chưa minh bạch, nghi vấn dàn xếp, phân chia các lô đất cho cán bộ xã. Cuộc đấu giá đất chỉ có cán bộ xã làm hồ sơ dự thầu, người dân không biết để tham gia đấu giá. Khi người dân trong xã phát hiện có kiến nghị, UBND xã cho rằng đã có thông báo trên Cổng thông tin điện tử.
Ngoài ra, hơn 10ha đất công nằm sát trụ sở UBND xã, cho thuê (hay bán) không đúng quy định theo Luật Đất đai, Luật Đấu thầu,... Trong khi đó, một cá nhân đã chi hàng trăm triệu đồng để được toàn quyền sử dụng mảnh đất, trồng keo và cây dược liệu.
UBND huyện Ba Chẽ hỗ trợ cho UBND xã Đạp Thanh hàng triệụ đồng mỗi năm để xử lí rác thải. Nhưng người dân lại không thấy nhân công cho rác vào lò đốt. Trong khi đó, một số người chứng kiến máy xúc đào hố chôn rác thải, sau đó trồng cây lên trên mặt. Người dân địa phương lo sợ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm từ việc chôn rác thải của chính quyền địa phương.
Sân bóng hiện tại xã đang thu phí. |
Sân bóng xã Đạp Thanh là sân bóng dành cho mọi lứa tuổi, được Nhà nước đầu tư có xây tường bao và cổng ra vào có khoá. Trước đây, con em người dân thường ra sân chơi bóng tự do để rèn luyện sức khoẻ, không mất tiền. Nhưng nay, UBND xã đã giao cho Công ty đầu tư sân có trải cỏ nhân tạo và thu phí, nên con em người dân muốn đá bóng phải trả tiền.
Theo những người dân địa phương, UBND xã có một bếp ăn tập thể của cán bộ xã đã có từ lâu. Nay UBND xã đã cho người thuê (mượn) bếp ăn để mở quán và bán hàng tạp hoá, rồi cơi nới, thu lợi.
Trường hợp của ông Trần Văn Quang, gia đình có 5 nhân khẩu, hiện ở thôn Hồng Tiến, gần UBND xã Đạp Thanh. Năm 2010, ông có khai hoang được mảnh đất. Năm 2011, ông làm nhà ở, từ đó đến nay không có tranh chấp, hay lấn chiếm. Năm 2016, đội đo đạc đến đo diện tích của 3 gia đình, trong đó có gia đình ông Quang. Một trong ba gia đình đã được cấp sổ. Hiện tại, đất của gia đình ông Quang được UBND xã đưa vào quy hoạch dẫn tới việc “sổ chồng sổ”.
Khu đồi 10ha đất công, không biết hiện tại xã bán hay cho thuê? |
“Gia đình tôi được đo đạc cụ thể tại sao lại không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)? Nếu được cấp GCNQSDĐ rồi, sao không chuyển đến cho gia đình tôi? Nếu gia đình tôi không được cấp GCNQSDĐ thì cho biết nguyên nhân vì sao?”, ông Quang thắc mắc.
Liên quan đến những kiến nghị trên của dân, ông Đồng Nguyên Khánh, Chủ tịch UBND xã Đạp Thanh, cho biết: “Về đấu giá đất như người dân kiến nghị, xã đã báo cáo lên tỉnh và các đơn vị, cơ quan liên quan. Việc xảy ra từ năm 2019, UBND xã có báo cáo, trao đổi thực tế. Về đấu giá, UBND xã đã thuê đơn vị tư vấn làm theo quy trình, quy định pháp luật. Danh sách trúng thầu được công khai trên mạng. Trước đây, khu đất ấy đằng sau là nghĩa trang nên không ai mua. Người mua có cả cán bộ xã và người dân. Lúc vận động người dân thì người dân không ai mua”.
Về vấn đề hơn 10ha đất công, ông Khánh lí giải, đất này trước đây là của anh em bên công đoàn xã cho thuê. “Người ta làm từ trước, trước khi tôi lên công tác và không có việc bán đất. Người ta chỉ thuê người dân trên địa bàn trông coi”, ông Khánh giải thích.
Một góc dự án trồng rừng Việt Đức, người dân mong các cơ quan chức năng xem xét những kiến nghị mà người dân đã có đơn gửi. |
Về việc xử lí rác thải, ông Khánh cho biết, theo nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện cấp cho mỗi xã tính theo nhân khẩu 100.000 đồngngười. “Xã Đạp Thanh có 2.484 nhân khẩu, mỗi năm huyện cấp để thuê thu gom xử lí rác. Trong phân loại rác, rác thải rắn, rác thải nguy hại như: Bình ga,... không đốt được, nên phải chôn. Trước đây không có lò rác, xã phân cho mỗi thôn 5-10 triệu đồng, thôn tự lo, tự đốt. Bây giờ huyện làm theo tiêu chí nông thôn mới, nên phải xử lí theo quy định. Đầu tư lò đốt đến mấy tỉ đồng để xử lí rác thải. Vừa rồi có bên môi trường về kiểm tra, việc khiếu nại là sai”.
Vấn đề sân bóng của xã, ông Khánh cho rằng: “Trước đây có sân bóng theo tiêu chí về nông thôn mới. Bây giờ lấy ý kiến người dân, kêu gọi xã hội hoá, để làm sân bóng cỏ nhân tạo cho bà con. Vận động mãi thì có một doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư, nhưng họ chỉ đầu tư một phần ba sân, còn hai phần ba sân vẫn là sân đất, cỏ mọc um tùm chỉ thả trâu bò, chứ không có sinh hoạt gì ở đó. Người dân vào đá bóng, xã thu tiền trông nom; thu phí tiền điện, tiền nước, khi đá buổi tối. Vé thu hơn là 100.000 đồng/giờ”.
Về bếp ăn tập thể, được ông Khánh lí giải, trước đây là bếp ăn tập thể, thuê người về trông nom, nấu ăn công nghiệp cho anh em cán bộ xã, có cả tạp hoá và văn phòng phẩm. Tới đây, người thuê đó sẽ không làm ở bếp của xã. Xã không thu tiền gì của người đến thuê bếp. Họ có cam kết tới đây sẽ chuyển bếp ra ngoài.
“Đối với việc gia đình ông Trần Văn Quang, thì gia đình ông Quang có làm đơn, và phía huyện Ba Chẽ đã trả lời. Đất này là đất lấn chiếm, không phải khai hoang. Gia đình cũng không đủ điều kiện để cấp sổ. Đất người dân được cấp sổ như phản ánh, thì huyện đã thu hồi lại, vì đất đó là đất UBND xã có quy hoạch từ năm 2009”, ông Khánh cho biết.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, sự việc được báo chí thông tin và huyện đã xử lí, người dân phản ánh là chưa đúng.
Tuy nhiên, theo một người cao tuổi ở địa phương cho biết: “Việc đấu giá đất đã có từ năm 2019, nhưng mãi đến năm 2021, người dân mới biết có việc đấu giá đất. Thời điểm đó, đất đã được đấu giá xong, nên người dân đã làm đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng. Khu đất ở mặt tỉnh lộ 342, chứ không phải gần bãi tha ma. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong các cơ quan xem xét lại các vấn đề trong Dự án trồng rừng Việt Đức tại huyện Ba Chẽ mà chúng tôi đã khiếu kiện lâu nay”.