Thủ tướng Chính phủ phê bình các Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp
Tin tức - Sự kiện 27/11/2023 18:33
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy, kết quả giải ngân 10 tháng năm 2023 của cả nước là hơn 389.000 tỷ đồng, đạt 55.02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đến nay, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65.1%, cao hơn cùng kỳ (58.33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng. Trong đó, có những Bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (92.76%), Văn phòng Quốc hội (83.61%), Hội Nhà văn Việt Nam (81.6%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (74.74%), Bình Dương (113.4%), Long An (112.7%), Bà Rịa-Vũng Tàu (106.84%), Tiền Giang (101.42%), Đồng Tháp (100.82%), TP. Hải Phòng (99.83%)…
Theo vùng, các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ giải ngân bình quân cao (lần lượt là 82.25% và 73.87%).
Ảnh: VGP |
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã báo cáo về thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đặc biệt là tập trung phân tích nguyên nhân khiến giải ngân thấp ở một số đơn vị.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, có 21/52 Bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16.2 nghìn tỷ đồng.
Có 43 Bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đến hết tháng 11, bình quân các Bộ, cơ quan, địa phương này chỉ đạt tỉ lệ giải ngân khoảng 44%, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước (65.1%), trong đó 15 Bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%.
Còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện, còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công một số dự án còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt, kịp thời.
Theo Thủ tướng, vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất, chủ yếu là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư,... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.
Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, quản lý khoáng sản và vật liệu thông thường, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; tính linh hoạt của việc giao chủ quản, điều tiết ngân sách giữa địa phương với địa phương, giữa địa phương và Trung ương (như giao địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phường này hỗ trợ cho địa phương khác; giao địa phương làm chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan Trung ương trên địa bàn…); thiếu các hướng dẫn cụ thể đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ...
Có tình trạng thiếu đất, cát và nguyên vật liệu thi công, nhất là thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng phê bình các Bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công...
Yêu cầu lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh giải trình việc đi chơi golf trong giờ làm việc Ngày 22/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã có văn bản hỏa tốc, chỉ đạo sau phản ánh lãnh đạo Sở ... |
Theo chân những người bảo vệ “linh hồn của dãy Trường Sơn” Nhiều cánh rừng ở Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đang “khóc” dưới bàn tay “lâm tặc”; những thân cây ngã đổ; những tiếng ... |
Cảnh sát giao thông bắt tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng Ngày 24/11, Cục CSGT cho biết, tổ công tác của Thủy đoàn 1 vừa phối hợp với Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT tỉnh ... |