Hành hương về đất Phật

Văn hóa - Thể thao 06/02/2025 09:26
Giữa không gian đậm chất hoài cổ ấy, nghệ thuật thư pháp Hán Nôm như một điểm nhấn đầy tinh tế, hòa quyện giữa vẻ đẹp thanh thoát của con chữ và chiều sâu ý nghĩa của tâm hồn Việt…
Tại sân khu Trung tâm Quản lí Bảo tồn Di tích Hội An, hình ảnh một thầy đồ cặm cụi vẽ từng nét chữ tinh xảo trên giấy dó đã thu hút ánh nhìn của không ít du khách. Đó là thầy Phạm Thúc Hồng, một nghệ nhân tài hoa, người đã dành cả đời mình để gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp của thư pháp Hán Nôm.
Thầy Hồng năm nay 65 tuổi, từng là giáo viên. Trải qua nhiều thăng trầm, thầy vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Từ nhỏ, lớn lên giữa những đình chùa, miếu mạo cổ kính, thầy sớm bị mê hoặc bởi những dòng hoành phi, câu đối chạm khắc tinh tế, mang những thông điệp như “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” hay “Tam cương ngũ thường”. Tình yêu ấy đã nuôi dưỡng ước mơ của thầy: Một ngày nào đó sẽ nắm vững ý nghĩa và vẻ đẹp của những con chữ tượng hình này.
![]() |
Thầy Hồng viết thư pháp tặng người cao tuổi. |
Với thầy Hồng, mỗi bức thư pháp không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là thông điệp gửi gắm giá trị truyền thống, đạo lí và tâm tình sâu lắng. Những hoành phi, câu đối như “Chấn gia thanh” (giữ gìn gia thanh), “Ẩm hà tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn) hay các câu như “Ân đức sinh thành, bách niên vĩnh tưởng” đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn, giáo dục cao đẹp.
Không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo, thầy còn là một nhà nghiên cứu xuất sắc. Thầy xuất bản hơn 20 đầu sách bằng Quốc ngữ và Hán Nôm, điển hình là các tác phẩm như “Văn học Hán Nôm trong di tích cổ Hội An”, “Miếu Quan Thánh (Chùa Ông) Hội An”, hay “Thể thức gia phả, bài vị, văn cúng, liễn, hoành phi thời tổ tiên”. Những công trình ấy không chỉ góp phần gìn giữ giá trị truyền thống mà còn là cầu nối để thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa dân tộc.
Thư pháp Hán Nôm - Nét đẹp cổ truyền trong ngày Tết
Vào những ngày Xuân, thầy Hồng thường bận rộn hơn. Bàn tay khoan thai của thầy đồ trên từng tấm giấy dó như kể lại những câu chuyện xưa cũ, gửi gắm lời chúc tốt lành đầu năm của mùa Xuân an lạc. Tại phố cổ Hội An, thư pháp Hán Nôm trở thành món quà đặc biệt, nơi mỗi người đến không chỉ nhận được một bức chữ đẹp mà còn cảm nhận được cái tâm của người nghệ sĩ.
Điểm đặc biệt trong cách viết của thầy Hồng chính là sự phóng khoáng và tận tâm. Thầy không bao giờ ngã giá trước khi viết. Với những ai khó khăn, thầy sẵn sàng viết tặng, như một cách chia sẻ niềm vui và tinh thần đầu năm mới. Không ít du khách còn háo hức tự tay cầm bút lông, chấm mực Tàu, thử sức với nghệ thuật thư pháp dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy.
Lan tỏa nghệ thuật thư pháp
Thầy Hồng không chỉ viết thư pháp mà còn giảng dạy, biểu diễn tại các đêm phố cổ hay sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh. Mỗi dịp Tết đến, Hội An lại rộn ràng với những bức thư pháp được trưng bày khắp nơi. Những nét chữ uốn lượn, mềm mại, đậm nét truyền thống ấy đã trở thành biểu tượng của một Hội An đầy thơ mộng và sâu lắng.
Thư pháp Hán Nôm là nghệ thuật không chỉ của con chữ mà còn của tâm hồn. Đó là lời chúc đầu Xuân đầy ý nghĩa, là lời nhắc nhớ về những giá trị truyền thống, là sự kết nối giữa con người với con người. Trong những ngày Tết, thưởng ngoạn một bức thư pháp hay tự tay viết một vài nét chữ trở thành trải nghiệm đáng nhớ, mang đến sự bình an, hạnh phúc cho một năm mới tràn đầy năng lượng.
Hãy đến Hội An, giữa những ngày Xuân ấm áp, để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của thư pháp Hán Nôm, lắng nghe từng câu chuyện đằng sau mỗi con chữ và bắt đầu một năm mới an lạc từ những giá trị xưa cũ nhưng luôn sống động trong lòng người, nhất là lớp người cao tuổin