Thiếu sân chơi ngày Hè cho trẻ em nông thôn
Đời sống 27/06/2023 09:18
Từ nhiều năm nay, câu chuyện về sân chơi cho trẻ em chưa khi nào bớt nóng. Đặc biệt, mỗi dịp Hè đến, những điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em ở cả thành thị và nông thôn luôn trong tình trạng quá tải. Sân chơi của trẻ em không chỉ là khuôn viên, điểm vui chơi cho trẻ em chạy nhảy, chơi đồ chơi, trò chơi mà sân chơi cho trẻ em bao gồm nhiều yếu tố nhằm phát triển văn hóa, tinh thần của trẻ em thông qua vui chơi, giải trí. Đây là câu hỏi lớn đặt ra đối với các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng và thi hành các thiết chế bảo đảm quyền vui chơi, giải trí của trẻ em.
Hè năm 2023, các trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn cũng như nhiều điểm vui chơi trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn thường xuyên tổ chức các lớp năng khiếu, sinh hoạt câu lạc bộ đội, nhóm cho các em thiếu nhi, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao,... Rõ ràng ở thành thị, sân chơi cho trẻ em tuy chưa nhiều nhưng cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi cho các em trong ngày Hè. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều vùng nông thôn khi mà sân chơi của trẻ em đang ngày càng thu hẹp dần.
Trẻ em nông thôn thiếu sân chơi ngày Hè |
Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện và các nhà văn hóa cấp xã được đầu tư xây dựng khá khang trang, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân tại các vùng nông thôn nhưng lại “thiếu phần” dành cho trẻ em. Qua khảo sát thực tế vào những ngày Hè tại một số nhà văn hóa và thư viện cấp xã thì hầu như nơi này không có sách hoặc có chỉ là những sách, báo cũ; không ít nơi, nhất là ở các thư viện luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Bên cạnh đó, các gia đình thường tất bật với công việc, không có nhiều thời gian quan tâm đến con em mình dẫn tới việc các em phải tự chơi và tự tìm sân chơi trong những ngày Hè.
Chính tại những địa điểm vui chơi không an toàn và không có sự quản lí của người lớn như: Đi tắm sông, trèo cây, sử dụng điện thoại thường xuyên hay “cắm nét” chơi game online... là những nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại, mất an toàn dẫn đến những tai nạn thương tâm. Trong đó, vấn đề trẻ em tự ý rủ nhau đi tắm sông dẫn đến việc đuối nước đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhưng dường như các em chưa đủ nhận thức về những mối nguy hiểm mà chỉ hành động theo sở thích và sự rủ rê của bạn bè. Các em cũng chưa đủ kĩ năng để có thể xử lí tình huống khi gặp tai nạn dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Ngoài những trò chơi mất an toàn thì game online cũng tiềm ẩn những mối lo ngại nhất định. Có nhiều em học hành rất chăm chỉ trong cả năm học, nhưng khi nghỉ Hè có nhiều thời gian lại bắt đầu tìm tòi rồi dần nghiện game online và không thể từ bỏ. Vì thế, có không ít em học sinh học hành ngày càng sa sút, bị cha mẹ cấm đoán, đánh mắng càng khiến các em chán nản và có thể bỏ học giữa chừng.
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân từ công tác quy hoạch, kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí cho trẻ em còn ít so với nhu cầu, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.
Do không có chỗ vui chơi tập trung ổn định, không có người quản lí cũng như định hướng nên nhiều em dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Do đó, ngoài việc nâng cao trách nhiệm quản lí con em, học sinh của gia đình, nhà trường thì cần phát huy vai trò của Đoàn thanh niên cơ sở trong việc phối hợp quản lí thanh thiếu niên.
Vào mỗi dịp nghỉ Hè, các trường đều có giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, Đội cho mỗi học sinh về địa phương quản lí. Tuy nhiên, tại những vùng nông thôn, việc tổ chức, tập hợp cũng như tạo ra các sân chơi gần như không đủ sức hút đối với các em học sinh. Bên cạnh đó, đa số các gia đình ở nông thôn thường bận rộn với công việc đồng áng, không có nhiều thời gian quan tâm tới con mình, nên trẻ em phải tự chơi và tự tìm sân chơi trong những ngày Hè.
Chính vì vậy, để giải “cơn khát” sân chơi cho trẻ em vào những dịp Hè không thể chỉ có tổ chức Đoàn, Đội làm mà cần phải có sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn xã hội.