Thấy gì sau 3 năm chuyển đổi mô hình...
Sự kiện 20/06/2023 14:56
Tạp chí Người cao tuổi được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội NCT Việt Nam; đội ngũ cán bộ, hội viên Chi hội Nhà báo Tạp chí Người cao tuổi đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Tạp chí.
Tạp chí Người cao tuổi được sự ủng hộ của bạn đọc, do điều kiện khách quan cũng như chủ quan, NCT không có điều kiện kinh tế, không nắm bắt công nghệ thông tin, hầu hết ở vùng sâu vùng xa hạn chế về phương tiện nghe nhìn nên lấy tạp chí in làm phương tiện chính để tiếp nhận thông tin, cũng như cẩm nang hoạt động Hội… nên tích cực mua báo. Một số địa phương quan tâm đến đời sống tinh thần của NCT trích ngân sách trang bị tạp chí đến Hội NCT cơ sở.
Đội ngũ CTV là NCT có nhiều thời gian, kinh nghiệm sống… nên dù nhuận bút thấp vẫn hăng hái tham gia cộng tác đem lại sự tươi mới cũng như hơi thở cuộc sống cho tạp chí…
Cán bộ, phóng viên, nhân viên Tạp chí hoàn toàn nhất trí với chủ trương Quy hoạch báo chí của Chính phủ; đồng thời hiểu rằng, việc sắp xếp lại hệ thống không phải để thu hẹp báo chí, mà để các tòa soạn dành nhiều thời gian cho hoạt động chuyên sâu của Hội, không bị sa đà trong thông tin, coi việc tuyên truyền, phục vụ Hội là nhiệm vụ trọng tâm.
Tuy nhiên, hiện nay tạp chí nói chung và Tạp chí Người cao tuổi đang gặp khó về tôn chỉ mục đích. Hiện chúng ta thiếu những định nghĩa, quy chuẩn cụ thể về nội dung tạp chí, kì xuất bản… hầu như đều định hình tạp chí là nơi đăng tải những bài nghiên cứu chuyên sâu, mang tính học thuật là chủ yếu… điều này đúng với những tạp chí của các viện nghiên cứu, hội chuyên ngành… nhưng chưa đủ đối với các Hội xã hội. Đặc biệt là Hội đặc thù như Hội NCT Việt Nam với số lượng hội viên chiếm hơn 10% dân số, là một bộ phận dân cư có nhu cầu đòi hỏi về sự nhanh nhạy, chính xác của tất cả thông tin trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; trong đó việc bênh vực quyền và lợi ích hợp pháp của NCT là một vấn đề tương đối “nóng” khi nền kinh tế thị trường đang bộc lộ những mặt trái với những biểu hiện cụ thể khi gia đình NCT bị thu hồi đất, việc bạo hành, ngược đãi ông bà, cha mẹ…; với một xã hội già hóa dân số nhanh như ở Việt Nam thì việc chăm sóc và phát huy vai trò NCT không chỉ là trách nhiệm của một cấp, một ngành, một địa phương mà trở thành trách nhiệm của toàn xã hội… mà dung lượng cũng như kì xuất bản của một tờ tạp chí cũng như tôn chỉ mục đích hiện tại theo chúng tôi là không thể bao quát hết.
Khi chuyển đổi, Tạp chí Người cao tuổi đứng trước nhiều thách thức từ tổ chức tòa soạn tới người quản lí cần thay đổi định hướng, phải đổi khổ. Nội dung thể hiện và hình thức trình bày phải khác để phù hợp với đặc thù của tạp chí, bài viết cần chuyên sâu, các kĩ năng tác nghiệp của phóng viên, cách tư duy đề tài cũng phải thay đổi. Vì việc chuyển đổi là chưa có tiền lệ nên tất cả phải cùng nhau nỗ lực, tự “dò đường” tìm ra những hướng đi mới để tạp chí tồn tại, phát triển. Trên chặng đường 3 năm qua, nhiều mâu thuẫn “giằng co”, nếu như Tạp chí chỉ hướng tới chuyên sâu, chuyên biệt thì không thể đáp ứng được nhu cầu thông tin của gần 12 triệu NCT với 63 tổ chức Hội tại địa phương nên cần có những nội dung khác để “kéo” độc giả. Vậy những nội dung khác này là gì? Có vi phạm tôn chỉ mục đích không?
Những năm qua, lãnh đạo tòa soạn “đau đầu” giải bài toán “bảo đảm tôn chỉ mục đích để phục vụ nhiệm vụ chính trị”, với gánh nặng “cơm áo gạo tiền” cho gần 60 cán bộ phóng viên. Là một tờ báo hoàn toàn tự chủ về tài chính, đối tượng phục vụ là NCT - thường được coi là đối tượng yếu thế trong xã hội vì hạn chế về sức khỏe, điều kiện kinh tế,…; quảng cáo gần như không có, chỉ là những quảng cáo nhỏ lẻ, chủ yếu là thuốc thang và dụng cụ y tế, nguồn thu không đáng kể, thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng phát hành. Từ khi chuyển đổi sang tạp chí, chỉ số phát hành có thể nói đang “rơi tự do”, sản lượng chỉ bằng ¼ thời kì còn là Báo Người cao tuổi. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Tất nhiên, việc sụt giảm sản lượng không chỉ do nguyên nhân là chuyển đổi từ Báo sang Tạp chí mà còn nhiều nguyên nhân khác như: Sự chiếm lĩnh của báo mạng, văn hóa đọc thay đổi, nội dung thiếu hấp dẫn, đời sống của NCT sau dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, một số địa phương không thể cân đối kinh phí để mua báo tặng các cụ… Thế nhưng, theo chúng tôi việc chuyển đổi là một trong những nguyên nhân chính. Trước hết về phần nội dung, để có được những bài nghiên cứu sâu, đòi hỏi tính học thuật cao cần đầu tư thời gian, kinh phí và không phải phóng viên nào cũng tác nghiệp được… Bên cạnh đó, tỉ lệ bài có liên quan đến NCT, phục vụ NCT tăng lên; trong khi viết về NCT cực khó, bởi đề tài hạn chế, hoạt động của NCT cũng chỉ bó hẹp trong một số lĩnh vực nhất định, việc chăm sóc và phát huy vai trò NCT cũng chưa được sự quan tâm thích đáng của các cấp chính quyền và toàn xã hội… điều này vô hình trung làm giảm đi sự hấp dẫn, tính thời sự. Đặc biệt, đối với các kì họp của Quốc hội, hoặc họp báo của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, phóng viên tạp chí không được mời tham gia... Từ đó, cần có thời gian để làm quen, thích nghi với phương thức hoạt động mới để các bài viết sâu hơn, tính tổng hợp, khái quát phải cao hơn, tính dự báo dự đoán dài hơi hơn… Một khi các phóng viên không thể đưa tin từ hiện trường mà thường đăng lại đã thiếu cảm xúc lại chậm thời gian. Báo chí mà thông tin “nguội” thì lượng người đọc giảm là điều không tránh khỏi.
Chiếm hơn 10% dân số, NCT có nhu cầu cao được thỏa mãn thông tin một cách chính xác, nhanh chóng và thuận tiện. Đặc biệt, không phải NCT nào cũng đủ kinh phí và trình độ công nghệ để sử dụng smartphone, nên việc đọc báo là một nhu cầu, một thói quen hằng ngày, thế nhưng với quy định về “tôn chỉ mục đích” của tạp chí, ở một mức độ nào đó, e rằng không thỏa mãn được nhu cầu thông tin của NCT.
Các phóng viên tạp chí gặp rất nhiều khó khăn khi tác nghiệp. Tòa soạn nhận được đơn thư tố cáo, phóng viên đi cơ sở tìm hiểu để viết bài khách quan, hai chiều nhằm phản ánh đúng sự thật thì bị từ chối vì “không đúng tôn chỉ mục đích”, trong khi không ít vụ việc đối tượng sai “hai năm rõ mười” nhưng vẫn được một số cơ quan, người có trách nhiệm bao che nên không thể giải quyết rốt ráo. Xét trên một khía cạnh nào đó, đó cũng là “cái cớ” để một số các cơ quan, đơn vị, cá nhân lợi dụng “lách luật” hòng ém nhẹm tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình.
Mặt khác, trong thời đại cách mạng 4.0 như hiện nay, nỗi quan ngại về sự “hết thời” của báo in đã được đặt ra và đang trở thành hiện thực. Trong bối cảnh bùng nổ các loại hình giải trí, văn hóa đọc truyền thống cũng có sự thay đổi đáng kể. Một bộ phận độc giả, đặc biệt là những người có điều kiện kinh tế không còn mặn mà với văn hóa đọc đã tìm đến các loại hình giải trí, nghe nhìn hiện đại. Một bộ phận khác đã thay đổi phương thức đọc, thay vì đọc báo giấy chuyển sang đọc báo mạng, vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi, lại phù hợp với nhu cầu giải trí riêng của cá nhân... Qua đó có thể thấy vô vàn khó khăn trước mắt đối với những người làm tạp chí, trong đó Tạp chí Người cao tuổi không là ngoại lệ.
Theo một thống kê gần đây, gần như 100% các tờ tạp chí không thể cân đối thu chi dù đã làm mọi cách như: Tiết kiệm tối đa, giảm số lượng in, thậm chí giảm cả PV, BTV… thế là “cái khó bó cái khôn”, một khi đã giảm nhiều thứ thì… chất lượng nội dung cũng như hình thức cũng không thể tăng. Thêm vào đó, nhiều phóng viên bị lệ thuộc vào mạng xã hội, lấy đề tài, thông tin từ mạng xã hội, nhưng thiếu sự kiểm định, thiếu hơi thở cuộc sống, không phân tích sâu dưới nhiều khía cạnh khiến bài viết hời hợt, không sáng tạo “lơ lớ” giữa thông tấn và chuyên sâu khiến chất lượng sản phẩm không còn hấp dẫn được bạn đọc.
Có thể nói, chưa bao giờ câu chuyện về kinh tế báo chí được đặt ra rốt ráo như hiện nay và cũng chưa khi nào số lượng cơ quan báo chí bị xử phạt nhiều như bây giờ, trong đó một bộ phận người làm báo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tha hóa; nhiều nhà báo lợi dụng nghề để vụ lợi “đánh hội đồng”, dọa nạt, ép doanh nghiệp... bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, bị xử lí kỉ luật và tước thẻ cho thấy vấn đề đạo đức người làm báo đang ở mức “báo động đỏ”. Nguyên nhân do đâu? Một câu hỏi thật xót xa, đụng chạm tới tất cả những người làm nghề chân chính.
Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng khiến sản lượng Tạp chí Người cao tuổi sụt giảm là do khâu phát hành. Thông tin đã chậm lại càng chậm hơn khi bưu điện dồn cả tuần mới đưa tạp chí đến tay bạn đọc để tiết kiệm chi phí. Tòa soạn không mấy ngày không nhận được phản hồi của các cụ về “cái sự chậm”, không chỉ ở vùng sâu vùng xa, mà ngay ven đô những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Nhiều cụ dỗi hờn phàn nàn: “Giờ không rõ kì xuất bản của Tạp chí ra sao nữa, mỗi tháng một số cũng không chừng!”… Đợi mãi cũng nản, vậy là không ít bạn đọc trung thành nhiều năm… bỏ đặt tạp chí.
Chúng tôi hiểu rằng, để tồn tại và phát triển phải kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo; đổi mới tư duy và công nghệ làm báo theo xu hướng hiện đại; tập trung đầu tư vào nguồn lực con người và quan tâm giải quyết hài hòa các vấn đề kinh tế báo chí; nâng cao hiệu quả hoạt động, hình thức thể hiện và chất lượng nội dung thông tin để đáp ứng tính thời sự, tính định hướng, tính hấp dẫn, tính thuyết phục. Tập trung phát huy thế mạnh là đầu tư theo chiều sâu để tạo ra những bài viết mang tính chuyên sâu, chuyên luận, khái quát, định hướng thông tin và có tính nghiên cứu khoa học cao. Việc tăng cường đội ngũ cộng tác viên giỏi đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng của tạp chí… Tất nhiên, còn nhiều việc phải làm và chỉ khi bảo đảm cân đối nguồn thu - chi lúc đó mới có thể “cải tổ” tạp chí theo hướng hiện đại, còn trong tình trạng “giật gấu vá vai” như hiện nay thì hi vọng về sự phát triển là tương đối xa xỉ.
3 năm là quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ để nhìn lại chặng đường chuyển đổi của các cơ quan báo chí. Chúng tôi mong muốn các nhà quản lí đồng hành để “gỡ khó”, có thể phân loại tạp chí theo đối tượng bạn đọc để từ đó linh hoạt hơn trong tôn chỉ mục đích nhằm tạo điều kiện để Tạp chí Người cao tuổi phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu bạn đọc, tìm được chỗ đứng trên thị trường, biến khó khăn thành cơ hội để ngày càng phát triển.