Tháo gỡ khó khăn cho người lao động, góp phần chăm sóc tốt NCT
Xã hội 30/07/2021 08:12
Phải khai thông quyết sách
Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách hỗ trợ DN: Cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho nhóm DN có doanh số dưới 200 tỉ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2021 tới năm 2025 (khoảng 7.500 tỉ đồng/năm); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng…
Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 hỗ trợ gói 26.000 tỉ đồng cho NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19. Các chính sách này giúp DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng sức chống chịu trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường…
Thế nhưng kết quả điều tra 1/4 trong tổng số gần 12.300 DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phản hồi khảo sát, cho rằng địa phương ưu ái DN Nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân; 1/3 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái DN FDI.
Khám và chăm sóc sức khỏe cho NCT. Ảnh IT |
Luật Quản lí thuế 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020, được kì vọng cải tiến về thời gian, cắt giảm nghĩa vụ làm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về kê khai và nộp thuế điện tử; bổ sung qui định quyền được thông tin về thanh, kiểm tra… Nhưng theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn có 22% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế. Việc giảm phí, lệ phí có hiệu ứng tích cực nhưng thủ tục vẫn cứng nhắc, đặc biệt trong kiểm tra chuyên ngành. Cùng sản phẩm, cùng mục đích, nhưng DN phải trả chi phí kiểm tra xét nghiệm 2-3 nơi, phát sinh thêm chi phí. Đó là chưa kể sự nhũng nhiễu DN trong điều kiện dịch Covid-19 cần được xử lí nghiêm khắc, kịp thời.
Một vài đề xuất về giải pháp
Chính phủ sớm ban hành gói kích thích kinh tế mới đủ liều lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm để vực dậy nền kinh tế, tránh rơi vào mô hình tăng trưởng nhiều đáy. Về thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng cho NLĐ và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, Chính phủ qui định hướng dẫn thủ tục đối với NLĐ có hợp đồng, theo hướng tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn.
Đối với NLĐ tự do, Chính phủ giao các địa phương căn cứ điều kiện và khả năng để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Với DN, gói hỗ trợ theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP được tiếp tục với việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đến hết năm 2021; mở rộng thêm một số đối tượng ngành nghề sản xuất, kinh doanh và đơn giản hóa một số điều kiện tiếp cận.
Nửa cuối năm 2021 việc hỗ trợ cần được xem xét theo tình hình thực tế:
Một là, Covid-19 tác động trực tiếp đến các ngành dịch vụ và cả các trung tâm công nghiệp, xuất khẩu. Do đó, khu vực dịch vụ (chiếm trên 42% GDP) và Công nghiệp (chiếm trên 40% GDP) đều cần hỗ trợ.
Hai là, Covid-19 không tác động trực tiếp và nặng nề tới khu vực công nghiệp và nông nghiệp như với khu vực dịch vụ, song có ảnh hưởng tiêu cực. Gói hỗ trợ cần thiết kế dựa trên việc phân tích đánh giá chính xác toàn bộ tác động đến các yếu tố đầu vào, đầu ra của nền kinh tế và của từng DN, nhóm DN.
Ba là, bên cạnh gia hạn cần bổ sung biện pháp miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất, tăng thời gian gia hạn ít nhất 12-15 tháng. Cân đối lại ngân sách Nhà nước năm 2021, 2022 cả về nguồn lực, chi phí để phòng chống dịch, hụt thu do gia hạn, miễn giảm thuế, phí, chi hỗ trợ người dân, DN và khả năng tăng nợ công.
Bốn là, đơn giản, thuận lợi, thực tế hóa qui trình, thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận của DN và người dân với các gói hỗ trợ, chấm dứt tình trạng giải ngân chậm.
Năm là, tiếp tục gia hạn nợ vay, bổ sung biện pháp xóa nợ những trường hợp đủ điều kiện, kết hợp với đề án xử lí nợ xấu. Trọng tâm của kích thích kinh tế năm 2021-2022 là khu vực ngoài Nhà nước, vì đó mới thật sự là cứu cánh vững chắc và hiệu quả cho phục hồi và vượt qua đáy tăng trưởng kinh tế.
Về giải pháp trước mắt, Chính phủ nên nghiên cứu, bổ sung thêm các giải pháp cắt, giảm (không chỉ tạm giãn, tạm hoãn) chi phí để hỗ trợ DN duy trì sản xuất. Theo đó, miễn hoặc giảm thuế VAT cho các vật tư phòng chống dịch, xét nghiệm. Dừng ban hành các quy định làm gia tăng chi phí về thời gian và tiền, thực hiện rà soát các quy định gây khó khăn cho DN...
Về giải pháp dài hạn, dịch Covid-19 là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế và khu vực DN, hướng nền kinh tế năng động, tự lực tự cường, xây dựng “dư địa” cho tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong tương lai. Để đạt được điều này, cần dựa trên 3 nhóm giải pháp trụ cột.
Thứ nhất, phân bổ nguồn lực hiệu quả với khu vực DN năng động, các giải pháp tăng năng suất, thúc đẩy đầu tư có hiệu quả, bao gồm cả đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm cạnh tranh, dễ dàng gia nhập, rút lui khỏi thị trường và tái cấu trúc DN; thúc đẩy chuyển đổi số và mô hình kinh doanh mới.
Thứ hai, trợ giúp đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh. Ngoài hỗ trợ khó khăn cho người lao động, nên tập trung cơ cấu lại lao động, việc làm thông qua chương trình đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kĩ năng mới cho lao động, đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong Cách mạng 4.0 và kinh tế chia sẻ.
Thứ ba, phát triển bền vững, bao trùm trong bối cảnh dịch Covid-19. Để đạt “mục tiêu kép” về phát triển kinh tế trước mắt và hướng đến phục hồi bền vững, mạnh mẽ, Chính phủ cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược tổng thể về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp dài hạn, nền tảng.
Hỗ trợ các DN và NLĐ vượt qua khó khăn, vực dậy nền kinh tế sẽ góp phần nâng cao khả năng chăm sóc người dân, trong đó có NCT.