Tạp chí Người cao tuổi vượt sóng mang tình cảm đến Trường Sa thân yêu
Tin tức - Sự kiện 29/05/2024 12:00
Khi được giao nhiệm vụ đi cùng đoàn công tác số 16 ra thăm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa, không một chút suy nghĩ tôi nhận nhiệm vụ ngay vì tôi biết đây là vinh dự lớn cho cá nhân tôi cũng như của Tạp chí Người cao tuổi, cơ quan ngôn luận của Hội NCT Việt Nam; tiếng nói của NCT cả nước.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Trung đọc Tạp chí Người cao tuổi, đảo Len Đao |
May mắn hơn các đồng nghiệp khác là được ra Trường Sa tác nghiệp, lần đầu ra Trường Sa, hành trang tôi mang theo là những tờ báo in Tạp chí Người cao tuổi đem ra tặng bạn đọc đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngon gió để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc.
Bên cạnh đó, sau chuyến công tác, trong điều kiện môi trường tác nghiệp khắc nghiệt, nhưng hàng trăm hình ảnh, những câu chuyện về biển, đảo và sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa được thể hiện đậm nét, nhân văn thông qua Tạp chí Người cao tuổi là kênh thông tin quan trọng trong việc tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cán bộ đọc Tạp chí Người cao tuổi giữa biển khơi |
Trong hải trình, mỗi lần đặt chân lên thềm cát san hô của đảo chìm, đảo nổi, trong tôi lại trào dâng niềm tự hào. Hình ảnh chiến sĩ Hải quân đứng canh cột mốc chủ quyền uy nghi giữa đảo, những người lính nước da màu nắng tươi giòn, những nhà dân yên bình nép sau rặng bàng rợp mát, đâu đó bi bô tiếng trẻ học vần, v.v.
Có lẽ, trong cuộc đời của mỗi nhà báo, được đến thăm và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là một niềm vinh dự lớn, luôn đọng lại những ấn tượng khó phai, dù điều kiện tác nghiệp ở đó không hề đơn giản. Bởi, Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió, nơi có những con người can trường, bản lĩnh, ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, chiến sĩ Kim Văn Tới, 24 tuổi, quê Nam Định cho biết; trước khi ra làm nhiệm vụ tại Nhà giàn KD1/9 tôi công tác tại Lữ đoàn đặc công Hải quân 126, ở đây mọi người thương yêu nhau, đùm bọc nhau như một gia đình, ngoài những lúc tập luyện chúng tôi còn trồng rau, nuôi gà, lợn để cải thiện đời sống. “Chăm sóc vườn rau hàng ngày còn rèn cho chúng tôi tính tỉ mỉ, kiên nhẫn của một người lính Cụ Hồ”.
Giờ thư giãn của các chiến sĩ trể trên đảo An Bang |
Đến với Trường Sa là cơ hội để các thành viên đoàn công tác được tiếp xúc với quân và dân Trường Sa, được phản ánh cuộc sống, tinh thần các chiến sĩ ở nơi đảo xa qua ống kính nhiếp ảnh. Trên đảo xa, giữa nơi nghìn trùng sóng vỗ nhưng mọi người vẫn đoàn kết, tạo nên không khí ấm cúng tình thân, dù còn nhiều khó khăn.
Chúng tôi đến thăm 6 đảo và Nhà giàn DK1/9. Đến thăm đảo nổi, ấn tượng của đoàn công tác là khuôn viên, cảnh quan được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chăm sóc giống như ở đất liền, tạo cảm giác các đảo nơi trùng khơi gần gũi với quê hương.
Tạp chí Người cao tuổi trên tủ sách của Nhà giàn DK1/9 |
Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân là con em các tỉnh, thành phố trong cả nước đã gác lại những tình cảm riêng tư, hoài bão, khát vọng lớn để có mặt làm nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.
Dẫu biết rằng cuộc sống của cán bộ, nhân dân, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, sự chung tay góp sức của nhân dân, chiến sĩ cả nước, chắc chắn huyện đảo Trường Sa sẽ ngày càng phát triển giàu đẹp, là pháo đài kiên trung bất khả xâm phạm. Đó cũng là trách nhiệm cao cả của những người làm báo chúng tôi trong thực hiện chiến lược tuyên truyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.