Tài sản trí tuệ - sức mạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Kinh tế 01/11/2021 13:34
Tài sản trí tuệ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia song vẫn xuất hiện các startup gọi vốn lên tới triệu đô, điển hình là Got It.
Năm 2021, Việt Nam cũng ghi nhận dấu ấn mới khi có tới 3 kì lân gọi vốn tỉ đô và đứng thứ 3 Đông Nam Á, đặc biệt là những startup thuộc lĩnh vực công nghệ 4.0 như Fintech đang phát triển mạnh, khẳng định muốn thành công trong khởi nghiệp, chắc chắn phải dựa trên công nghệ mới.
Ông Trần Giang Khuê, Trưởng làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo cho rằng, đang tồn tại thực trạng về sự chênh lệch giữa định giá tài sản, sở hữu trí tuệ giữa các doanh nghiệp quốc tế như Amazon, Facebook… với các “kì lân” hiện có tại Việt Nam. Song ông đánh giá cao sự sáng tạo, tầm nhìn của sinh viên Việt Nam trong sứ mệnh kiến tạo các “kì lân” tương lai.
Năm 2019, tại Hội nghị về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: "Trên hành tinh này thứ tài nguyên càng khai thác sẽ càng nảy nở chính là chất xám, là sự sáng tạo. Tôi nhớ một khẩu hiệu của một tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc nêu rằng: “Tài nguyên là luôn có hạn, còn sự sáng tạo của con người là vô hạn”." Do đó, đổi mới sáng tạo gắn với sáng chế, tài sản trí tuệ giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của không chỉ mỗi cá nhân mà còn đối với sức khỏe của các doanh nghiệp trên cả nước.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ chia sẻ: “Quyền sở hữu trí tuệ là là công cụ mạnh cho đổi mới sáng tạo, tạo ra hành lang pháp lý cho việc bảo hộ và bảo vệ tài sản trí tuệ, đây chính là một loại tài sản quan trọng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì giúp tạo ra tính độc quyền, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nói riêng và doanh nghiệp quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa - xã hội nói chung.
Do đó, làm chủ công nghệ thông qua đầu tư sáng chế và khai thác chúng thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh giúp giải quyết thách thức của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay không chỉ tạo ra sáng chế mà còn nắm giữ sáng chế “nguồn”, tạo ra thế độc quyền trên phạm vi thế giới."
Theo ông Trần Giang Khuê, trong các chiến lược thương mại hóa đưa sản phẩm ra thị trường, cần đề cao sáng chế và quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, một thách thức đang hiện hữu cũng là khoảng trống mênh mông trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đó là các kiến thức, kĩ năng đưa ý tưởng và sản phẩm ra thị trường, điều đó cần được lấp đầy bởi sự tham gia của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các trường đại học và các nhà sáng chế.
Đồng thời, ông Khuê cũng cho rằng bất kì ai khi khởi nghiệp đều phải tích hợp đáp ứng nhu cầu thị trường theo tháp nhu cầu Maslow để thành công. Tất cả đều phải dựa vào công nghệ, sáng chế, tài sản trí tuệ để tạo nên thương hiệu của mình, tạo nên sự khác biệt, tính ưu việt và giá trị sản phẩm của mình.
Điều đó đặt ra yêu cầu cần tìm được điểm khác biệt, tìm ra thị trường, tìm ra giải pháp, giá trị cho khách hàng và người tiêu dùng. Việc bù đắp kiến thức về sở hữu trí tuệ cũng tạo điều kiện cho phát triển đổi mới sáng tạo nhanh, mạnh và bền vững.
Tài sản trí tuệ nắm giữ sức mạnh to lớn đối với tiến trình phát triển của doanh nghiệp |
Xây "vườn ươm" sáng chế và kiến tạo văn hóa sở hữu trí tuệ
Ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Chiến lược Sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 liên quan đến phát triển SHTT đồng bộ, thông qua tất cả các khâu sáng tạo, xác lập khai thác quyền SHTT và tạo môi trường khuyến khích ĐMST.
Để thực hiện hóa các mục tiêu nói trên, đã có nhiều giải pháp liên quan đến ĐMST như các chính sách, các chỉ số đo lường, thành lập các DN khai thác quyền SHTT… Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cho nhiều cơ quan tổ chức, trong đó có Bộ KHCN với chương trình Phát triển SHTT đến năm 2030.
Chương trình bao gồm các hoạt động về SHTT như công tác tạo tài sản SHTT, bảo vệ quyền SHTT, quản lý và phát triển tài sản TT… Chương trình có 6 nhóm nội dung lớn gồm: Tăng cường hoạt động tạo tài sản SHTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về ĐMST và SHTT; thúc đẩy hoạt động đăng ký, bảo hộ tài sản TT trong và ngoài nước; nâng cao việc quản lý, khai thác và phát triển tài sản TT; thúc đẩy hoạt động thực thi và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Theo ông Dũng, hiện tại chương trình vẫn đang được tổ chức triển khai vận hành theo đúng chỉ đạo của Bộ, về mặt pháp lý vận hành chương trình cũng đã hoàn thành. “Hiện nay chúng tôi đã phê duyệt 1 số danh mục để hỗ trợ cho địa phương, DN, nhà sáng chế… xoay quanh SHTT phục vụ phát triển kinh tế xã hội.” - ông Dũng chia sẻ thêm.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, đối với các cơ quan trung ương, tăng cường hỗ trợ khai thác thông tin, phục vụ nghiên cứu, hỗ trợ tuyên truyền, đào tạo doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, phối hợp cùng địa phương để tổ chức đào tạo tại địa bàn; thúc đẩy hoạt động bảo hộ cho sản phẩm của địa phương, phối hợp với các cơ quan quản lý đại học để thúc đẩy công tác bảo hộ.
Thúc đẩy hoạt động nâng cao năng lực của chính quyền để cấp quyền và khai thác tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực cơ quan quản lý cũng như các tổ chức trung gian, đồng thời tư vấn quản trị quyền cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để kiến tạo văn hóa SHTT, ông Dũng cho rằng, cần có sự chung tay của nhiều đơn vị để nâng cao nhận thức liên quan tới SHTT hơn nữa.
Ông Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng chia sẻ, tạo điều kiện và khuyến khích sinh viên, giảng viên nghiên cứu khoa học và đăng ký bằng sáng chế luôn là mục tiêu mà trường hướng tới. Tại đây, đầu ra của dự án nghiên cứu khoa học là đầu vào của các hoạt động khởi nghiệp. Các dự án này được đào tạo bởi các giảng viên khởi nghiệp và các doanh nghiệp, và được nhận hỗ trợ về nhiều mặt như dịch vụ kế toán, thuế, thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký sáng chế,...
Cũng theo ông Quỳnh, giáo dục là phương thức đầu tư vào con người, và điều này cần đòi hỏi thời gian, như lời Bác Hồ từng nói "Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người". Đào tạo con người ở đây không chỉ đào tạo về chuyên môn mà phải đào tạo cả về đạo đức, sự tử tế trong kinh doanh. Không thể kinh doanh bằng mọi giá, bằng mọi cách để thu được lợi nhuận. Chính vì vậy, cần phải quảng bá rộng rãi hơn ở cộng đồng, xã hội để tất cả mọi người đều biết tới sáng chế thì cơ hội nhận được lợi nhuận từ sáng chế đó mới cao.
Tạo nền tảng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST Việt Nam 2021, Hội sáng chế Việt Nam kết hợp với ... |
Sắp diễn ra tọa đàm "Phá băng - Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong" Ngày 5/10 sắp tới, tọa đàm "Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong" và Lễ ký ghi nhớ hợp tác thúc đẩy ... |
Dịch Covid-19 mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, cả nước tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, trung ... |