Tác hại của việc đeo kính cận không đủ số
Sức khỏe 31/08/2024 13:05
Một công trình nghiên cứu mới đây của Malaysia đã cho thấy, bệnh nhân cận thị dùng kính thấp hơn độ cận thực sẽ khiến độ cận của mắt tăng nhanh hơn so với dùng kính đúng số. Phát hiện này có thể làm thay đổi quy trình kê đơn kính của các bác sĩ.Ở những người bị cận thị, khi nhìn xa, cơ mắt không thể khiến thủy tinh thể dẹt đủ độ để tập trung ánh sáng từ đồ vật lên võng mạc. Thay vào đó, tụ điểm lại nằm phía ngoài võng mạc, khiến hình ảnh bị nhòe. Kính cận có thể giúp khắc phục hoàn toàn vấn đề này, tức là đưa tụ điểm lùi lại và rơi vào đúng võng mạc.
Tuy nhiên, khi người cận thị đeo kính chưa đúng số và nhìn những vật ở gần, tụ điểm lại nằm ở sau võng mạc. Lúc này, việc cố gắng đưa tụ điểm về đúng chỗ sẽ khiến nhãn cầu dài ra. Điều này không những làm cho khả năng nhìn xa của mắt giảm, mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt nghiêm trọng, như bong võng mạc, glaucoma (thiên đầu thống) và một số bệnh lí võng mạc khác. Tất cả các bệnh này đều có thể dẫn đến mù lòa.
Dựa trên quan điểm này, người ta đi đến kết luận là đeo kính chưa đủ độ sẽ giúp ngăn nhãn cầu dài ra. Khi dùng kính với độ thấp hơn, ánh sáng từ vật thể ở xa sẽ hội tụ ở phía trước võng mạc chứ không rơi lên màn hình này. Bằng chứng duy nhất cho thấy phương pháp này có hiệu quả xuất phát từ một công trình nghiên cứu dựa trên 33 trẻ em ở Nhật Bản hồi năm 1995, và một công trình nghiên cứu ở gà con vào đầu những năm 2000. Những công trình nghiên cứu này đã bị chỉ trích là thiếu minh bạch và không có sức thuyết phục. Với mục đích củng cố giá trị phương pháp “điều chỉnh cận chưa đến mức”, nhà nghiên cứu O Leary và đồng nghiệp tại Trường Đại học Quốc gia Malaixia ở Kuala Lumpur đã tiến hành nghiên cứu dựa trên 94 trẻ bị cận thị. Các em được chia thành 2 nhóm: một nửa đeo kính dưới độ cận thực và một nửa đeo kính đúng số. Tất cả đều được đo chiều dài nhãn cầu bằng phương pháp siêu âm 6 tháng một lần.
Nhóm nghiên cứu đã hết sức ngạc nhiên khi thấy rằng, ở những trẻ đeo kính số thấp, nhãn cầu dài nhanh hơn (nghĩa là độ cận tăng nhanh hơn) so với những em được đeo đúng số. Dự định tiến hành nghiên cứu trong 3 năm đã phải bỏ giữa chừng, vì chỉ sau 2 năm, thị lực của trẻ đã xấu đi trông thấy. Tuy số lượng bệnh nhân không phải là lớn, nhưng đây là một công trình nghiên cứu có quy mô lớn nhất và chính xác nhất từ trước tới nay thuộc lĩnh vực này. O Leary cho biết, việc để cho hình ảnh không rơi vào võng mạc sẽ khiến mắt tồi đi. Điều này nghĩa là không đeo kính có thể còn tồi tệ hơn đeo kính chưa đủ độ. Ngoài ra, đeo kính số thấp có thể hại cho cả người lớn, mặc dù tốc độ giảm thị lực ở họ chậm hơn so với trẻ em.
Lời khuyên của O Leary đến các bác sĩ, bệnh nhân và các bậc phụ huynh là: “không đeo kính là sự lựa chọn tồi nhất. Nhưng cũng đừng đeo kính số thấp. Hãy đeo kính với đúng độ cận thị của mình”. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để chứng minh là tất cả những hình ảnh nhòe đều khiến bệnh cận thị trầm trọng hơn.Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh nguyên nhân của bệnh cận thị. Tuy nhiên, có thể thấy rằng bệnh cận thị rất phổ biến ở những trẻ dùng nhiều thời gian để đọc hoặc làm những công việc phải nhìn gần.
Tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như Singapo, Đài Loan, Hồng Kông..., cận thị đã đạt mức độ “dịch bệnh”. Tại những nơi này, tỉ lệ thanh thiếu niên bị cận thị lên tới 90%, so với 15-30% ở các nước thuộc châu Mỹ và châu Âu.