Sau mắc Covid-19 phục hồi sức khoẻ và chống tái phát bằng y học cổ truyền
Sức khỏe 24/12/2021 10:05
Theo YHCT, Covid-19 thuộc phạm vi ôn dịch và qua các giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh (phục hồi) như các bệnh truyền nhiễm.
Giai đoạn phục hồi, cũng chính lúc cơ thể đào thải virus bất hoạt, các yếu tố hàn thấp, nhiệt độc được bài ra. Quá trình phục hồi sức khỏe tùy thuộc vào mức độ của bệnh trước đó: Sau mắc Covid-19 thể nhẹ, không có triệu chứng có thể hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày; Sau mắc Covid-19 thể vừa, có thể bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, ho và khó thở trong nhiều tuần; Những bệnh nhân Covid-19 nặng có thể mất vài tuần đến vài tháng để thể lực và chức năng phổi trở lại bình thường.
Để giai đoạn này được nhanh chóng, sức khỏe hồi phục tốt cần nâng cao hệ miễn dịch. Đối với YHCT, trong giai đoạn lui bệnh cần dùng thuốc, ăn uống để nâng cao chính khí, bổ khí huyết tạng phủ, cân bằng âm dương, đặc biệt cần kiêng kị cho đúng.
YHCT dùng phương thuốc “Dương hòa thang” để ôn dương nhưng không táo, bổ âm nhưng không nê trệ, hàn thấp từ đó được đưa ra khỏi cơ thể một cách hòa hoãn, nhẹ nhàng, gồm: Thục địa 30g, ma hoàng 3g, lộc giác giao 9g, bạch giới tử (sao, tán nhỏ) 6g; bào khương thán 3g; sinh cam thảo 3g; nhục quế (cạo vỏ, tán bột) 3g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Nâng cao sức khỏe sau khi mắc Cocid-19 là chìa khóa để phòng chống các nguy cơ |
Theo công văn số 1306/BYT - YDCT về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng các phương pháp YHCT do Bộ Y tế ban hành ngày 17/3/2020 có đưa ra các bài thuốc có thể áp dụng trong điều trị Covid-19 giai đoạn phục hồi. Tùy vào từng thể bệnh mà có pháp phương khác nhau để phục hồi cho bệnh nhân.
Phế Tì khí hư, nguyên khí bất túc
Chứng hậu: Khí đoản, mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn, không có sức đại tiện, đại tiện phân nát, cảm giác không hết phân, lưỡi nhạt bệu, rêu trắng dày, mạch trầm trì.
Pháp điều trị: Kiện tì, bổ phế, ích khí
Phương thuốc: Bảo nguyên thang: Cam thảo chích 40g, đảng sâm 80g, hoàng kì chích 12g, nhục quế 2g, sinh khương 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau ăn.
Châm cứu:
Chủ Huyệt: Nội quan, túc tam lí, trung quản, thiên khu, khí hải (châm bổ, ôn châm hoặc cứu ngải)
Các triệu chứng rõ ràng của phế như tức ngực, khí đoản thì phối các huyệt: Đản trung, phế du, trung phủ
Các triệu chứng rõ ràng của tì vị như phân nát, kém ăn thì phối các huyệt: Thượng quản, âm lăng tuyền
Nếu có thêm các triệu chứng mồ hôi ra nhiều, ho có đờm, đờm khó khạc (đàm trở ứ lạc) thì phối các huyệt: Phế du, tì du, cách du, thận du, trung phủ, đản trung, phong long, định suyễn.
Khí âm lưỡng hư
Chứng hậu: Mệt mỏi vô lực, miệng khô khát, tâm quý, nhiều mồ hôi, ăn kém, sốt nhẹ hoặc không sốt, ho khan ít đờm, lưỡi khô, mạch tế hoặc vô lực
Pháp điều trị: Bổ khí dưỡng huyết
Phương thuốc: Có thể sử dụng một trong các bài sau:
Thập toàn đại bổ: Đương quy 12g, xuyên khung 8g; bạch thược 12g, thục địa 12g, nhân sâm 12g, bạch truật 12g, hoàng kì chích 12g, phục linh 12g, nhục quế 4g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau ăn.
Sinh mạch tán: Nhân sâm hoặc đảng sâm 12g, mạch môn 12g, ngũ vị tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau ăn.
Nhân sâm dưỡng vinh thang: Đảng sâm 16g, hoàng kì chích 10g, đại táo 12g, thục địa 12g, bạch truật 12g, xuyên khung 8g, ngũ vị tử 8g, cam thảo 4g, nhục quế 4g, sinh khương 4g, đương quy 12g, viễn trí 6g, trần bì 8g, bạch thược 12g, bạch linh 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau ăn.
Nếu phế hư tâm quý rõ có thể dùng các phương thuốc sau:
Lục vị địa hoàng hoàn hợp Sinh mạch ẩm: Sinh địa hoàng 15g, sơn thù 8g, hoài sơn 8g, phục linh 8g, trạch tả 6g, đan bì 10g, sa sâm 10g, mạch môn 10g, ngũ vị tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau ăn.
Dưỡng âm thanh phế thang: Sinh địa 12 - 20g, huyền sâm 8 - 16g, xích thược 8 - 12g, mạch môn 8 - 16g, đan bì 8 - 16g, xuyên bối mẫu 8 - 12g, bạc hà 6 - 8g, cam thảo 6 - 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau ăn.
Châm cứu:
Chủ Huyệt: Nội quan, túc tam lí, trung quản, thiên khu, khí hải (châm bổ, ôn châm hoặc cứu ngải).
Mệt mỏi vô lực, khí đoản rõ ràng phối các huyệt: Đản trung, thần khuyết
Miệng khô khát rõ phối các huyệt: Thái khê, dương trì
Tâm quý phối các huyệt: Tâm du, quyết âm du
Nhiều mồ hôi phối các huyệt: Hợp cốc, phục lưu, túc tam lí
Mất ngủ phối các huyệt: Thần môn, ấn đường, an miên, dũng tuyền
Châm cứu:
Chủ Huyệt: Nội quan, túc tam lí, trung quản, thiên khu, khí hải (châm bổ, ôn châm hoặc cứu ngải).
Các triệu chứng trên phối các huyệt: Phế du, tì du, cách du, thận du, trung phủ, đản trung.
Ho khó khạc đờm phối các huyệt: Phong long, định suyễn.
Chống tái phát Covid-19 bằng YHCT
Tổ chức y tế thế giới khẳng định “Hiện chưa cho bằng chứng nào rằng những người khỏi SARS-CoV-2 và mang sẵn kháng thể không bị lây nhiễm lại”. Phòng chống tái phát sau khi khỏi bệnh cũng là mục tiêu quan trọng, nếu không làm tốt được vấn đề này việc dập dịch sẽ không được triệt để.
Việc phòng chống tái phát Covid-19 dựa trên nguyên tắc nâng cao sức khỏe, sức đề kháng và thực hiện các biện pháp 5K, YHCT có một số phương pháp sau:
Bảo vệ và tăng cường hệ thống miễn dịch với thảo dược
Có một số loại nấm có thể cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch như: Nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, nấm vân chi, nấm hương, nấm khiêu vũ… Polysaccharid trong những loại nấm này đã được chứng minh là có tác dụng tăng miễn dịch.
Hoàng kì là vị thuốc được sử dụng nhiều trong YCHT với tác dụng bổ chính khí. Hoàng kì đã được chứng minh tác dụng cải thiện hoạt động miễn dịch bằng cách tăng hoạt động của các tế bào bạch cầu, kích thích hoạt động của vỏ thượng thận và kích thích hình thành hồng cầu trong tủy xương.
Rễ cây cúc dại tím là loại thảo dược giúp tăng cường miễn dịch. Sử dụng cúc gai tím hàng ngày để phòng tái phát hoặc nhiễm các chủng virus mới cho những người có nguy cơ cao (làm việc trong điều kiện phải tiếp xúc với nhiều người).
Tỏi là một loại thảo dược nhà bếp quen thuộc, được biết đến với các tác dụng kích thích miễn dịch, làm ra mồ hôi, kháng virus, kháng khuẩn, hỗ trợ phản ứng của cơ thể đối với các tình trạng hô hấp. Sử dụng tỏi để phòng tái nhiễm Covid-19 bằng cách bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày, lên men tỏi mật ong hoặc dùng dầu tỏi.
Ngoài ra, còn một số thảo dược khác giúp củng cố miễn dịch như quả cơm cháy, cam thảo, nhân sâm, đương quy Nhật, cúc hoa, xuyên tâm liên, kim ngân hoa, tía tô…
Không chỉ sử dụng thảo dược dưới dạng uống (trà, thuốc sắc hay viên) mà còn có thể dùng làm túi chườm, sát khuẩn tay, bột ngâm tắm, thảo mộc xông phòng ở… để phòng chống bệnh toàn diện hơn.
Dinh dưỡng
Dinh dưỡng lành mạnh giúp nâng cao đề kháng và hồi phục sức khỏe. Lựa chọn các loại thực phẩm an toàn tốt cho sức khỏe sẽ giúp nuôi dưỡng cơ thể và phòng chống bệnh tật một cách lâu dài.
Cân bằng các thành phần dinh dưỡng với đa dạng thực phẩm. Nên sử dụng thực phẩm tươi hữu cơ thay cho các loại thực phẩm chế biến sẵn. Nên bổ sung vitamin khoáng chất, chất chống oxy hóa, chống viêm và kháng sinh tự nhiên từ các loại rau, củ, quả tươi, đặc biệt là các loại rau thơm như: Hành, tía tô, kinh giới, diếp cá, ớt chuông, húng quế, mùi tây, bạc hà…
Cắt giảm hoặc loại bỏ đường và rượu khỏi chế độ ăn uống vì chúng gây ra ức chế hệ thống miễn dịch.
Có thể kết hợp các vị thuốc để nấu ăn, tạo ra những món ăn bài thuốc có tác dụng bổ khí huyết, bổ ngũ tạng như Cháo bát bảo, Thập toàn đại bổ thang hầm gà (chim, thịt heo)… Phở truyền thống của Việt Nam với các loại gia vị có tác dụng thảo dược quý trong phở có tác dụng tốt trong việc tăng cường sức khỏe, nâng cao miễn dịch, kháng virus, phòng chống cúm, kích thích tiêu hóa.
Tập luyện thể chất, tinh thần để nâng cao sức khỏe
Tập luyện thể chất mỗi ngày 30 phút bằng các bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, đi bộ quanh nhà, vảy tay hoặc yoga… có thể tập trong nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Thiền định cũng rất quan trọng trong việc phòng tái phát bệnh. Mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút để ngồi thiền. Tư thế khi thiền là ngồi hoa sen, lưng thẳng ngay ngắn, chân xếp bằng đơn hoặc kép, hai bàn tay đặt lên hai đầu gối. Có thể sử dụng thêm trầm hương hoặc thảo dược thơm để tạo không gian thanh tịnh khi thiền.
Tập thở là pháp dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích, biến năng lượng tự nhiên thành năng lượng sinh học để điều tiết tinh thần, lưu thông khí huyết, chống lại bệnh tật, phục hồi tổn thương. Mỗi ngày nên dành 30 phút để tập thở, có thể kết hợp trong lúc thiền. Các phương pháp thở 4 thì, thở 6 thì, quy tức… có tác dụng cải thiện chức năng hô hấp tốt, nhất là đối với người có tổn thương phổi do Covid-19.
Ở giai đoạn hồi phục và chống tái phát Covid-19, YHCT có những thế mạnh giúp phù chính, bổ khí huyết, điều hòa chức năng tạng phủ. Do đó, bệnh nhân sau mắc Covid-19 nên được tiếp tục chăm sóc sức khỏe và điều trị bằng YHCT.