Quốc hội thảo luận Luật Dầu khí (sửa đổi): Hạn chế xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan
Sự kiện 15/06/2022 13:23
Thảo luận tại hội trường sáng 15/6 (kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV), đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển ngành dầu khí với vai trò là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế đất nước.
Cho đến nay ngành dầu khí đã khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ mét khối khí. |
Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), về nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 2, Điều 4 chưa thực sự phù hợp, đề nghị cần xem xét lại. Bởi quy định này vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Do vậy, để đảm bảo thống nhất, hạn chế xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan, kể cả pháp luật quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, do đó cần xem xét quy định rõ trong dự thảo luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện.
Dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí. Theo đó, quy định rõ việc lựa chọn nhà thầu dầu khí áp dụng theo quy định của Luật dầu khí, không áp dụng Luật đấu thầu, Luật Đầu tư để lựa chọn nhà thầu dầu khí, đảm bảo việc áp dụng luật một cách thống nhất- đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 15/6 |
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề cập dự thảo Luật sửa đổi lần này cần phải giải quyết được xung đột, chồng chéo trong Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Trong đó, cần quy định rõ pháp luật nào được áp dụng đối với các nội dung về hoạt động dầu khí, vì điều tra cơ bản về dầu khí, về dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này?
Về quyền lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, đại biểu chỉ ra rằng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), quá trình sửa đổi Luật Dầu khí lần này cần lưu ý, quan tâm đến đảm bảo tính ổn định, tầm nhìn khi dự thảo Luật được ban hành. Bởi xu thế năng lượng trên thế giới thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, tập trung vào phát triển năng lượng xanh, giảm phát khí thải; nhu cầu, hành vi sản xuất và tiêu thụ cũng sẽ có sự thay đổi… Do vậy, Luật Dầu khí (sửa đổi) ra đời cần bắt kịp xu thế quốc tế chung, các quy định trong Luật cần được xem xét kỹ lượng cho phù hợp.
Bên cạnh đó, những quy định sửa đổi cũng cần kết hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số nhằm tạo động lực, cơ hội mới cho các cơ sở, doanh nghiệp dầu khí hiện nay.
Dự thảo Luật cũng cần làm rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động dầu khí quốc gia, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, vừa hiệu quả vừa thuận tiện trong quản lý, điều hành, đặc biệt là xóa bỏ được những rào cản, rủi ro pháp lý làm mất cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh…
Ông Lê Mạnh Hùng (Cà Mau): cần sửa đổi, bổ sung Điều 1, Điều 3 cho đồng bộ với khoản 4 Điều 34 cho dự án đồng bộ, siêu lớn triển khai theo mô hình chuỗi. |
Đại biểu Lê Mạnh Hùng (Cà Mau) cho rằng các quy định trong Luật Dầu khí cần phản ánh tính đặc thù của hoạt động dầu khí như đầu tư lớn, rủi ro cao, công nghệ hiện đại, phức tạp, chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng, gắn với an ninh quốc phòng. Do đó cần sửa đổi, bổ sung Điều 1, Điều 3 cho đồng bộ với khoản 4 Điều 34 cho dự án đồng bộ, siêu lớn triển khai theo mô hình chuỗi.
Việc áp dụng Luật Dầu khí trong đầu tư, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng, về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cần được quy định rõ tại khoản 2 Điều 4 và Điều 14 để tránh chồng chéo, hiểu nhầm khi áp dụng. Cần bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu, cung cấp hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho hoạt động dầu khí để dự thảo Luật chặt chẽ, hoàn thiện hơn nữa.
Trong phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An có giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, tiếp thu nghiêm túc tối đa và sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Cho đến nay, ngành Dầu khí đã khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ mét khối khí. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 18 - 25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, PVN đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5 - 6%, 10 - 13% GDP cả nước). Những số liệu đó đã cho thấy, vai trò quan trọng của ngành dầu khí trong nền kinh tế. Ngoài ra, ngành dầu khí còn đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại.